Ăn mì tôm, ngủ lều bạt trong giá lạnh âm 10 độ C
Sau nhiều lần liên hệ, PV Báo Giao thông mới nhận được hồi âm vội từ hiện trường động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ của Thiếu tá Nguyễn Văn Cần, Phó Trưởng khoa Cứu nạn, cứu hộ, trường Đại học Phòng cháy chữa cháy.
Thiếu tá Cần là một thành viên của đoàn công tác thuộc Bộ Công an tham gia thực hiện nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ (CNCH) tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thiếu tá Nguyễn Văn Cần tại hiện trường cứu thiếu niên 14 tuổi bị vùi lấp 138 giờ
Chia sẻ với PV, Thiếu tá Cần cho biết, dù đã làm công tác phòng cháy chữa cháy, CNCH nhiều năm, dù đã chuẩn bị tâm lý khi nhận nhiệm vụ lên đường tới Thổ Nhĩ Kỳ, thì vẫn vô cùng bàng hoàng với cảnh tượng đổ nát hoang tàn, không khí nồng mùi khó tả khi đặt chân tới hiện trường động đất.
"Thương họ lắm! Hiện trường nơi chúng tôi thực hiện nhiệm vụ CNCH tan hoang. Nhà cửa nhẹ thì nứt, nghiêng; nhiều tòa nhà bị xé toạc một phần, còn nặng thì đổ sụp. Ở đó chỉ còn thấy toàn lực lượng tình nguyện và cứu hộ", Thiếu tá Cần nói.
Đoàn công tác đến được thành phố Adıyaman vào lúc rạng sáng ngày 11/2, nhận luôn nhiệm vụ và phân chia công việc. Bởi lúc này, từng phút, từng giờ là vô cùng quý giá.
Mọi việc bắt đầu ngay trong đêm dù cả đoàn vừa di chuyển 10 tiếng đồng hồ dưới thời tiết tuyết rơi dày đặc, đường trơn trượt. Người đi khảo sát hiện trường, người dựng lều bạt, phân loại thiết bị y tế đưa đến người dân bị nạn.
>>> Video: Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, giải phóng hiện trường để tìm kiếm người bị nạn (nguồn: Cục Cảnh sát PCCC và CNCH):
Trong hơn 2 ngày tại hiện trường, quá trình cứu hộ cũng gặp không ít thách thức. Anh em phải làm quen với thời tiết lạnh giá âm độ, đêm xuống khoảng âm 6 - âm 10 độ C, những lúc nghỉ ngơi được chui vào lều bạt thì cũng không chắn nổi cái lạnh.
Thiếu tá Cần cùng các anh em khác mặc tới 5-6 áo, 2-3 quần mà vẫn co ro. Những lúc chợp mắt nghỉ ngơi, anh em đều mặc nguyên bộ đồ cứu hộ đi ngủ, phần vì rét, phần vì công việc triển khai xuyên ngày xuyên đêm, việc thay quần áo cũng làm mất đi một phần thời gian cứu hộ.
"Khi nhận phân công nhiệm vụ, chúng tôi đều không có thời gian về nhà. Ai nhà gần còn kịp điện thoại nhờ người nhà chuẩn bị đồ đạc đưa đến cơ quan, nhà ai xa thì ra cổng cơ quan mua vội mấy bộ quần áo là lên đường. Nên cứ mở vali ra, có gì thì dùng nấy", anh Cần chia sẻ.
Một thành viên của đoàn CNCH công an Việt Nam tranh thủ ăn bánh mì giữa hiện trường động đất Thổ Nhĩ Kỳ
Ngoài thời tiết lạnh giá, các cơn dư chấn sau động đất vẫn tiếp diễn. Điển hình, đêm 12/2/2023 theo giờ địa phương, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục xảy ra dư chấn nên đoàn công tác của Bộ Công an phải tạm dừng tìm kiếm.
Trong thời gian làm nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn công tác tự túc nấu nướng, có mang theo gạo, nồi để nấu cơm và thịt hộp cùng mì gói để ăn sáng và lót dạ đêm.
Vất vả là vậy nhưng điều duy nhất anh Cần cùng các chiến sĩ trong đoàn công tác nghĩ tới lúc này là làm sao cứu được nhiều người sống nhất, tìm và đưa được các thi thể nạn nhân xấu số ra ngoài.
Dù đến hôm nay đã hơn 1 tuần kể từ khi xảy ra trận động đất kinh hoàng nhưng các anh vẫn hy vọng điều kỳ diệu sẽ sảy ra.
"Chúng tôi sẽ cố gắng chiến đấu hết sức có thể!" - anh Cần nói vội, kết thúc cuộc trò chuyện ngắn để kịp quay lại với công việc.
Địa điểm mới của đoàn cứu hộ Việt Nam khó khăn hơn, dự báo có tới 100 nạn nhân
Ngày 15/2, trao đổi với Báo Giao thông, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) cho biết, từ ngày 14/2, Đoàn công tác Bộ Công an tham gia cứu nạn, cứu hộ (CNCH) tại Thổ Nhĩ Kỳ đã di chuyển đến địa điểm mới, tiến hành khảo sát hiện trường để triển khai công tác CNCH với hy vọng tìm kiếm được sự sống trong đống đổ nát.
Được đơn vị điều phối phân công, Đoàn công tác sẽ tổ chức tìm kiếm nạn nhân tại địa điểm mới là Toà C, Chung cư Cinar Sitesi (gồm 3 toà), số 66 đường Kemalpasa, quận Cumhuriyet, thành phố Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ; cách nơi đóng quân của Đoàn công tác khoảng 4km.
Theo thông tin ban đầu, dự báo trong các toà nhà có đến hơn 100 nạn nhân. Các thành viên sẽ sử dụng thiết bị camera dò tìm, thiết bị đo bằng sóng radar để tìm kiếm tín hiệu sự sống trong đống đổ nát.
Tại đây, Đoàn công tác Bộ Công an sẽ phối hợp cùng với Đoàn UsAID Hoa Kỳ và lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành công tác CNCH, tìm kiếm nạn nhân.
"Tính đến rạng sáng 15/2 (theo giờ VN), tương đương 21 giờ ngày 14/2 (theo giờ địa phương), tại địa điểm mới, đội CNCH Công an Việt Nam, Đội giải cứu Hoa Kỳ USAID phối hợp với lực lượng địa phương thực hiện nhiệm vụ, tìm kiếm và đưa được 3 thi thể nạn nhân ra ngoài", Đại tá Khương thông tin.
Như hình ảnh do Đại tá Khương cung cấp, dù tối muộn, bóng tối bao trùm nhưng đội cứu hộ vẫn cần mẫn làm việc, tiếng máy cắt, tiếng búa đập liên tiếp vang động một vùng.
Theo Đại tá Khương, sau nhiều ngày cứu hộ trong điều kiện làm việc khắc nghiệt, làm hết địa điểm này lại chuyển tới địa điểm khác, đến nay, toàn thể các đồng chí trong đoàn vẫn ổn định, tinh thần tốt.
>>> Video: Đưa nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ ra ngoài (nguồn: Cục Cảnh sát PCCC và CNCH):
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận