Tàu hàng gặp nạn trên biển Quy Nhơn |
9 tàu chìm, 1 tàu mắc cạn, 71 thuyền viên sống sót...
Đêm. Biển Quy Nhơn động mạnh, sóng cao 2,5-3m kèm theo gió lớn. Các đơn vị tàu Hải quân, BĐBP, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải… cập nhật từng diễn biến tình hình, thay nhau quần thảo, mở rộng vùng tìm kiếm các thuyền viên trên tàu hàng gặp nạn vùng biển Quy Nhơn đang mất tích.
Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (UBQGTKCN), Cục phó Cục Cứu hộ cứu nạn Bộ Tổng tham mưu, trực tiếp tại hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ bám sát từng diễn biến. Ngay trong ngày có 2 tung tích thuyền viên mất tích được xác nhận. Công tác rà soát được kiểm đếm chặt chẽ.
Theo Thiếu tướng Tiến, đến tối 5/11, con số chính thức về vụ tàu hàng gặp nạn cho thấy thời điểm bão số 12, có 104 tàu hàng trong và ngoài nước neo đậu ở khu vực phao số 0 cảng Quy Nhơn. Sau bão có 10 tàu bị nạn gồm 9 tàu bị chìm, 1 tàu bị mắc cạn với tổng số 84 thuyền viên gặp nạn. Hiện, các lực lượng chức năng đã cứu nạn, đưa vào bờ thành công 71 thuyền viên còn sống, 4 thi thể thuyền viên tử vong. Còn lại 9 thuyền viên vẫn mất tích trên biển. Theo nhận định, với diễn biến thời tiết vừa qua, hi vọng sống của các thuyền viên này rất mong manh. Tuy nhiên, Thiếu tướng Tiến cho hay: Tất cả đang tập trung tối đa, căng sức tìm kiếm các thuyền viên còn lại này.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, tính tới 21h ngày 5/11, bão số 12 đã khiến 46 người chết và mất tích (30 người chết; 16 người mất tích); 626 nhà bị sập; hơn 4.400ha lúa, hơn 25.200ha hoa màu bị ngập, hư hại; 228 tàu cá bị chìm, hư hỏng; gần 1.500 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản bị thiệt hại. Riêng tại Khánh Hòa, bão số 12 đã làm 23 người chết. Trong đó, riêng thị xã Ninh Hòa có 12 người chết. Toàn tỉnh có 691 nhà bị sập hoàn toàn, gần 30.000 nhà tốc mái. Ngoài ra, gần 3.500ha lúa, 3.000ha hoa màu của bà con nông dân bị hư hại. Bão số 12 cũng đánh sập gần 1.500 lồng bè nuôi cá, 112 tàu thuyền bị chìm, hư hại. |
UBQGTKCN đã thành lập Trạm tiền phương tại tỉnh Bình Định. Các công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn được tập trung tăng cường. 15 tàu của các đơn vị chức năng Vùng Hải quân, BĐBP tỉnh, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải, Cảnh sát biển được huy động. Ngoài ra, Cục Hàng hải Việt Nam phát thông báo yêu cầu tất cả các tàu thuyền di chuyển trên vùng biển này phối hợp tìm kiếm, thông tin liên lạc. Tại cảng Quy Nhơn, Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long điều 6 tàu lai đi cứu hộ, cứu nạn, đưa vào bờ hàng chục thuyền viên trong ngày 4/11.
Anh Lê Trung Tình, thuyền trưởng tàu Cửu Long 09 (Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long) cho biết: Tàu lai đạp các lớp sóng vỗ cao 5-7m, gió giật mạnh để tiếp cận các tàu hàng gặp nạn khu vực phao số 3-5. Lúc này, tàu Hà Trung 98 gần chìm nghỉm dưới lớp sóng dữ, 9 thuyền viên của tàu sử dụng phao tròn và kết nối với nhau bằng dây, “đánh đu” tính mạng giữa thời tiết cực kỳ nguy hiểm. Anh Tình nói: Biển động dữ dội, nhưng công tác cứu hộ cứu nạn hết sức khẩn trương, kịp thời đưa các thuyền viên tàu hàng lên tàu an toàn quay vào bờ và tiếp tục hành trình cứu nạn.
Tương tự, khi tàu Cửu Long 18 tiếp cận tàu hàng Việt Thuật 168 (có 17 thuyền viên) tại khu vực biển Hàn Mặc Tử (Quy Nhơn), tàu này đang nghiêng 15 độ, tình thế nguy cấp. Anh Đức, thuyền trưởng tàu Cửu Long 18 cho hay: Nếu không kịp thời, tính mạng các thuyền viên tàu hàng gặp nạn rất mong manh bởi ảnh hưởng cơn bão trên vùng biển Quy Nhơn quá mạnh.
Theo Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, trong đêm 5/11, các đơn vị chức năng chủ động phương án tìm kiếm, đồng thời đảm bảo an toàn cho các lực lượng tham gia. Phạm vi tìm kiếm đang mở rộng với chiều dài 30 hải lý, rộng 7 hải lý. Thời tiết trên biển diễn biến phức tạp, sức gió giật cấp 7-8, sóng vỗ cao 2,5-3m, đêm tối đang là thách thức lớn cho việc tìm kiếm.
Sóng đánh bay tất cả, mọi người bị hất văng xuống biển
Điều trị tại BV Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bình Định), ông Nguyễn Văn Tài (45 tuổi, quê Thanh Hóa), thuyền trưởng tàu Nam Khánh 26 cho biết: Con tàu có trọng tải hơn 2.300 tấn đang chở hàng trên hành trình Hải Phòng - Cần Thơ. Sáng sớm ngày 3/11, khi nghe bão vào Phú Yên - Khánh Hòa, ông Khánh cho tàu vào khu neo đậu cảng Quy Nhơn. Đến sáng 4/11, bão đổ bộ vào bờ, sóng quá to đánh bay hết bạt, lan can, ống thông gió… Đến 7h30 sáng cùng ngày, tàu bị vật trôi nổi trên biển cuốn vào chân vịt gây hư hỏng máy chính. Chúng tôi không thể xoay xỏa được và phát tín hiệu yêu cầu cứu hộ, cứu nạn.
Nhưng lúc này tàu trôi khỏi vị trí gặp nạn 3 hải lý, mắc cạn va vào đá chìm, nước vào khoang lái. Tôi ra lệnh 11 thuyền viên chuẩn bị áo phao, hạ phao bè và bỏ tàu. Tuy nhiên, chỉ được chừng 30 phút thì cả hai phao bè bị lật. Mọi người bị hất văng xuống biển, sóng đánh dạt vào bờ biển tưởng chừng khó qua khỏi”, ông Tài kể. May mắn, mọi người bấu víu vào nhau, cố bơi vào gần bờ, tránh các mỏm đá để không bị va đập. Đến gần trưa 4/11, các thuyền viên đều vào bờ an toàn. Trong đó có thuyền viên Bùi Quang Tú bị thương.
Các phương tiện đã di chuyển được trên QL1
Tại Thừa Thiên-Huế, đến 12h trưa qua (5/11), lực lượng tổ chức phân luồng đã cho một số phương tiện lưu thông qua đoạn tuyến QL1 bị ngập sâu. Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Quốc Phòng, Chi cục trưởng Chi cục QLĐB II.06 (Cục QLĐB II, Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, hiện QL1 qua huyện Phú Lộc bị ngập đoạn dài khoảng 800m (từ Km 866+ 500- Km 867+300), đang cấm các loại xe nhỏ lưu thông. Lực lượng chức năng đã túc trực đảm bảo giao thông và chỉ hướng dẫn cho xe tải qua lại. * Bão số 12 gây ngập ách tắc giao thông, sạt lở taluy dương, taluy âm các tuyến đường giao thông như QL: 14G, 27C, 1, 49, 25, 26, 27, 19, đường Trường Sơn Đông, đường Hồ Chí Minh địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắc Lắk, Kon Tum và Gia Lai với khối lượng sạt lở khoảng trên 60.000m3, hư hỏng mặt đường khoảng 65.000m2 và hệ thống biển báo, cọc tiêu, tổ chức giao thông bị hư hỏng nặng nề. Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ VN, tính đến 10h ngày 5/11, hạ tầng đường bộ đã bị thiệt hại khoảng 70 tỷ đồng do bão số 12 (Damrey). Đường sắt chuyển tải hàng chục chuyến tàu khách Do ảnh hưởng của bão số 12, hàng chục điểm đường sắt phải phong tỏa do cây và cột thông tin đổ vào, không thể chạy tàu. Đường sắt Bắc – Nam qua khu vực Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định… bị tê liệt. Các đơn vị đường sắt đã huy động mọi phương tiện, nhân lực, vật lực khẩn trương khắc phục nên đã giải phóng hầu hết các khu gian bị phong tỏa. Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, đến 7h30 sáng 5/11, chỉ còn duy nhất khu gian Hảo Sơn - Đại Lãnh (Khánh Hòa) tiếp tục phải phong tỏa để sửa chữa. Đây là khu gian bị nặng nhất do sụt trượt đất trên Đèo Cả. Hiện, các đơn vị đường sắt trong khu vực tập trung khẩn trương thi công đoạn từ Km 1226+780 - Km 1226+825 thuộc khu gian này để trả đường trong thời gian sớm nhất. Cũng trong ngày, ngành Đường sắt đã tổ chức chuyển tải hành khách trên hàng chục đoàn tàu đang mắc kẹt tại các ga qua các điểm phải phong tỏa. Trong thời gian chờ khắc phục khu gian Hảo Sơn - Đại Lãnh, để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, ngành Đường sắt vẫn duy trì tổ chức chạy tàu hàng ngày; hành khách sẽ được chuyển tải bằng ô tô giữa 2 ga Đại Lãnh, Hảo Sơn và ngược lại với chiều dài 11km. Miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục mưa lớn diện rộng Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn T.Ư, sau bão số 12, miền Trung và Nam Tây Nguyên sẽ lại phải đón chịu lũ lớn, trên báo động 3, gây ngập sâu diện rộng ở vùng trũng thấp. Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông hoạt động mạnh nên từ đêm 5/11 đến hết ngày 8/11 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, khu vực Bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai) có mưa to đến rất to; riêng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa đặc biệt to. Hoàng Ngân |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận