Xã hội

Ý thức giao thông người Việt tệ nhất thế giới?

13/06/2017, 13:05

Nhiều người còn ví von, ý thức tham gia giao thông của người Việt tệ nhất thế giới

13

Ùn tắc giao thông từ nhiều nguyên nhân, trong đó do ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, không chịu nhường đường... rất phổ biến.

Không phải chỉ mình tôi, nhiều người khác cũng có chung nhận định rằng, đường phố Hà Nội hay TP.HCM dù có mở rộng gấp 2, 3 lần như hiện nay vẫn sẽ tắc. Lý do rất đơn giản, bởi ý thức của người tham gia giao thông quá kém, luôn bon chen, ích kỷ chỉ biết phần mình khi đi đường. Nhiều người còn ví von, ý thức tham gia giao thông của người Việt tệ nhất thế giới

Vẫn chuyện  “2 con dê qua cầu”

Tôi xin đưa ra một dẫn chứng nhỏ minh chứng cho câu chuyện 2 con dê qua cầu. Đó là cây cầu Đôi bắc ngang dòng sông Nhuệ (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Sáng nào ở đây cũng tắc cả tiếng đồng hồ. Nguyên nhân do làn đường dẫn vào cầu nhỏ hẹp, xe nhiều, ai cũng cố bon chen, lấn làn ngược chiều để mong qua cầu cho nhanh. Thế nên, tình trạng tắc đường kéo dài cả vài trăm mét hai bên đầu cầu. Càng tắc nghiêm trọng, người đi sau càng không chịu xếp hàng, cứ tranh thủ lấn sang làn ngược chiều để mong được đi trước người khác, vô tình chắn luôn lối đi của làn ngược lại. Chẳng ai chịu nhường ai, cứ xe này chen được một tý là xe kia cũng chen lên. Cây cầu Đôi như cái nút thắt ngày càng chặt. Chỉ đến khi lực lượng công an địa phương đến giải tỏa thì khoảng nửa tiếng sau mới đỡ tắc, xe có thể đi rất chậm qua cầu.

Chúng ta vẫn kêu ca cơ sở hạ tầng kém, xe nhiều nên mới tắc đường. Điều đó không sai, nhưng chưa đủ. Theo tôi, ý thức tham gia giao thông cũng đóng một phần quan trọng trong hạn chế ùn tắc giao thông. Ngay như tôi, đi đường Hà Nội luôn chấp hành đầy đủ quy định, luôn đúng làn đường, hễ nhường được là nhường để tránh ùn tắc, không bao giờ vượt đèn đỏ. Kể cả làn đường dành cho xe buýt nhanh BRT khi mới khai thác, tôi cũng chưa bao giờ đặt bánh xe vào. Bởi lẽ, cái gì không dành cho mình thì mình không bao giờ dùng. Dù tuyến đường có làn xe buýt nhanh BRT ùn tắc đến thế nào, nhưng tôi vẫn xếp hàng chờ đến lượt mình đi. Nhiều lần như thế, tôi thấy xe mình cũng đi không chậm hơn các xe khác đã chiếm làn BRT bao nhiêu.

Nhưng lạ một điều, ở làn đường dẫn lên hai đầu cầu đều đã được kẻ vạch phân chia làn đường 2 chiều rõ rệt để các xe biết thế mà nhường nhau đi. Vậy nhưng, chẳng ai chịu nhường, nhất là những người đi xe máy tha hồ lượn, tranh cướp đường. Có hôm tắc đường, trong khi công an phường chưa kịp đến giải tỏa, người ta thấy một thanh niên đứng ra giữa đường hò hét, thậm chí quát tháo yêu cầu các xe đi đúng làn đường để nhường cho làn xe ngược chiều qua cầu. Vài người nghe, nhưng cũng có người không chấp hành, vẫn tranh thủ chiếm làn ngược chiều.

Nhiều người tự hỏi, tại sao người tham gia giao thông không ai chịu nhường đường, chỉ đi đúng làn đường của mình để tránh ùn tắc? Đáng buồn thay, chuyện “2 con dê qua cầu” không phải chỉ xảy ra ở những cây cầu nhỏ, mà xảy ra ở khắp nơi mà mọi người đều dễ dàng bắt gặp. Phần lớn các ngã ba, ngã tư ở Hà Nội đều có hệ thống đèn tín hiệu giao thông, nhưng rất nhiều người không chấp hành, luôn tranh thủ vượt đèn đỏ khi có thể. Người nào ý thức khá hơn một chút thì dừng đèn đỏ, nhưng khi đèn đỏ còn vài giây đã tranh thủ bứt tốc, vượt sang làn đường bên kia, khi gặp cả dàn xe băng qua đường như tấn công lại làn xe ngược chiều chưa kịp thoát hết ngã tư. Hiếm có người nào dừng lại nhường đường, mà tranh thủ lượn, lách, phanh gấp, bứt tốc, lườm, chửi thề, nhổ nước bọt, hút thuốc lá... Cả ngã tư thênh thang mà đặc kín xe, làn nọ đối đầu làn kia thì hỏi sao không tắc.

Còn khi dừng đèn đỏ ư? Cảnh thường thấy là tình trạng xe dàn hàng như đánh trận, chiếm hết cả làn rẽ trái, rẽ phải mà không cần biết chính họ đang cản trở giao thông. Tôi có cảm tưởng nếu có làn đi lên trời hay chui xuống đất cũng sẽ bị chiếm nốt. Khi không còn chỗ để len lách nữa, lập tức xe máy, xe đạp lao lên vỉa hè, thậm chí phi sang làn ngược chiều chờ đèn đỏ...

Ích kỷ

Có lần tôi chờ sang đường Giảng Võ. Dù đã đứng chờ ở đúng vạch cho người đi bộ sang đường, nhưng không một chiếc xe ô tô, xe máy nào dừng lại nhường tôi sang. Bất quá tôi phải dò dẫm, giơ tay làm dấu hiệu để được sang đường an toàn. Thật bất ngờ khi vừa đi được vài bước, một chiếc xe ô tô đi chậm dần rồi dừng hẳn lại, tài xế ra dấu hiệu mời tôi qua đường. Hành động của anh tài xế dù nhỏ, nhưng khiến tôi rất cảm động, không quên ra dấu hiệu cảm ơn lại. Nhưng thật tiếc, đấy là lần đầu tiên và duy nhất tôi được một xe ô tô dừng lại nhường đường.

Người Hà Nội mang tiếng thanh lịch, nhưng sao lại có nhiều tật xấu khi tham gia giao thông. Ai cũng đòi đi trước, chẳng ai chịu về nhì. Dường như người ta sợ phải đi sau xe người khác, nên cứ phải tìm cách vượt cho bằng được, vượt bất chấp quy tắc, bất chấp sự nguy hiểm của chính mình và những người khác. Tâm lý như vậy, nên dù làn đường không phải của mình nhưng họ vẫn cứ len vào, lượn lách, bó vỉa, tạt đầu.

Bài tham dự Diễn đàn chống ùn tắc giao thông đô thị do Báo Giao thông, Otofun phối hợp tổ chức, Tập đoàn Hyundai Thành Công đồng hành tài trợ. Ý kiến đóng góp xin gửi về: Chonguntac@baogiaothong.vn và news@otv.vn...

Còn nhiều lắm những tật xấu của người tham gia giao thông khi đi đường khiến người khác ức chế mà tôi chưa tiện kể ra đây. Ví như, mấy chị “ninja bịt mặt” đi xe Lead. Mặt xinh, dáng đẹp, chân dài là thế, mà sao hễ ngồi lên xe máy là trùm kín đầu đến chân. Thế nên, đi đường mới khó quan sát, mới có chuyện tạt đầu xe ô tô khiến tài xế phanh cháy đường.

Chuyện làm cầu vượt hay hầm chui cho người đi bộ nữa. Khi chưa có cầu vượt thì đòi làm bằng được, viết tâm thư lên Bộ GTVT để yêu cầu làm. Nhưng khi có cầu vượt dành riêng cho người đi bộ rồi thì... chỉ để ngắm, còn người đi bộ vẫn tự đánh cược tính mạng của chính mình khi băng ngang mặt đường chung với xe khác. Chẳng phải đâu xa, các bạn cứ ra Bệnh viện K cơ sở Tân Triều sẽ rõ thực tế này. Tuyến đường rất nhiều phương tiện lưu thông, nhưng bệnh nhân và người đi bộ vẫn vô tư qua lại trên đường, trong khi chỉ cách vài chục mét là cây cầu vượt khá hiện đại. Hầm chui mấy tuyến đường Phạm Hùng thì bỏ hoang lâu rồi, mấy ai sử dụng đâu.

Hồng Chuyên
Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội

Banner

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.