Nhà ga, đoàn tàu là điểm đến trải nghiệm không gian văn hóa
Trung tuần tháng 11/2024, dù là thời kỳ thấp điểm vận tải khách nhưng đường sắt vẫn đón 400 khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai bằng đường bộ, lên tàu tiếp tục hành trình về ga Hà Nội.
Từ ga Hà Nội, đoàn khách di chuyển bằng tàu hỏa đi đến các địa điểm như: Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Bình Thuận, TP.HCM. Đây là đoàn khách Trung Quốc đông nhất kể từ khi hết dịch Covid-19 đến nay đi tàu và cũng là chuyến tàu charter (thuê nguyên đoàn) đầu tiên trong chương trình hợp tác giữa Sở Du lịch Lào Cai với đường sắt.
Đáng nói, đây chỉ là một trong 16 đoàn charter đường sắt đã ký hợp tác với các công ty lữ hành, du lịch tổ chức trong năm 2024 với tổng số khoảng 7.000 lượt khách. Trong đó, 12 đoàn hành trình Hà Nội - TP.HCM - Hà Nội và 4 đoàn xuất phát từ Lào Cai.
Cũng trong tháng 11, tàu hỏa "Kết nối di sản miền Trung" là một trong Top 9 sản phẩm du lịch ấn tượng Huế năm 2024 do Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch (Sở Du lịch Thừa Thiên Huế) tổ chức. Đoàn tàu du lịch có hành trình từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại.
Điểm nhấn của hành trình này chính là cung đường sắt đi qua đèo Hải Vân, được tạp chí du lịch hàng đầu thế giới Lonely Planet đánh giá, là một trong những cung đường đẹp nhất, đáng trải nghiệm nhất thế giới. Kể từ khi đưa vào khai thác vào cuối tháng 3/2024, các đoàn tàu này đã đón gần 170 nghìn lượt hành khách.
Những tin vui liên tiếp này vào mùa thấp điểm vận tải khách khi mà hè đã qua, Tết chưa tới cho thấy tiếp tục một năm khởi sắc, bùng nổ khách du lịch bằng tàu hỏa.
Điều này càng cho thấy những nỗ lực đổi mới của đường sắt trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn khôi phục sau đại dịch Covid-19 đã mang lại kết quả tích cực.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt VN chia sẻ: Thay vì tăng tốc độ, tìm cách cạnh tranh với các phương thức vận tải khác thì đường sắt tập trung khai thác, quản lý, vận hành thật tốt những gì đang có; cải tiến phương tiện, thiết bị; phải nỗ lực nghiên cứu, đưa ra các sản phẩm hấp dẫn để củng cố và tăng được thị phần đường sắt.
Đường sắt cố gắng biến những nhược điểm thành ưu điểm. Nhiều ga đường sắt ở khu vực trung tâm thành thị, có ý nghĩa văn hóa, lịch sử, di sản. Chúng tôi mong muốn tàu và ga, ngoài công năng là vận chuyển hành khách từ A đến B thì cần thêm các công năng riêng có như chia sẻ giá trị văn hóa, lịch sử, chứ không chỉ là vận tải thuần túy. Vì vậy, chúng tôi xây dựng mô hình "Mỗi khu ga một điểm đến", để người dân đến khu ga không phải chỉ để đi tàu, mà còn tham quan, chiêm ngưỡng...
Với đoàn tàu cũng vậy, ngoài đầu tư cải tạo, nâng cấp toa xe với trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, chúng tôi cung cấp nhiều dịch vụ trên tàu để hành khách trải nghiệm như cung cấp wifi, các kho phim, kho truyện online để khách giải trí, hoặc khách có thể làm việc trên tàu. Khi đó, khách có thể đi tàu để "sống chậm", hưởng thụ một chút. Với khách ưa thích ẩm thực thì có đặc sản vùng miền nơi tàu qua. Với khách thích vui vẻ, náo nhiệt thì có toa xe cộng đồng để tiệc tùng, hát hò.
Tất cả tạo nên dấu ấn, thu hút khách đến với ngành đường sắt Việt Nam với bề dày lịch sử hơn 100 năm, gắn với lịch sử đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước.
Tự hào truyền thống vẻ vang, hướng đến kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Ngược dòng lịch sử, ngày 21/10/1946, cán bộ công nhân viên hỏa xa được nhận nhiệm vụ tổ chức chuyến tàu đặc biệt đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều vị lãnh đạo cấp cao đi từ Hải Phòng về Hà Nội sau 5 tháng đi dự hội nghị Phông-ten-nơ-blô trở về nước.
Ngày 21/10 đã trở thành ngày truyền thống của ngành đường sắt Việt Nam. Và từ đó đến nay, qua mỗi giai đoạn lịch sử, ngành đường sắt luôn khẳng định vai trò, những đóng góp to lớn vào sự phát triển giao thông vận tải và phát triển đất nước.
Đó là những năm tháng miền Bắc khôi phục, xây dựng kinh tế sau kháng chiến chống Pháp, đồng thời chi viện cho miền Nam kháng chiến chống Mỹ. Những năm tháng hào hùng chạy tàu "qua sông không cầu, chạy tàu không ga", "sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm"… Biết bao mồ hôi, xương máu của cán bộ, công nhân đường sắt đã đổ xuống để duy trì "huyết mạch" giao thông vận tải.
Những năm tháng khôi phục sau chiến tranh, những năm tháng đổi mới khó khăn trăm bề, những chuyến tàu vẫn xuôi Nam, ngược Bắc, kết nối người dân, vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, giao thương, phát triển đất nước.
Đặc biệt, những năm tháng phải hạn chế lưu thông trên cả nước bởi đại dịch Covid-19, các chuyến tàu khách phải ngừng chạy, nhưng đường sắt vẫn tổ chức các chuyến tàu chuyên biệt đón hàng nghìn bà con từ miền Nam về quê hương miền Trung, miền Bắc tránh dịch; vẫn tổ chức những chuyến tàu vận chuyển miễn phí hàng ngàn tấn hàng hoá, nông sản, đưa vật tư, thiết bị và các cán bộ, nhân viên y tế hỗ trợ miền Nam chống dịch. Đặc biệt, vẫn tổ chức những chuyến tàu hàng theo mô hình bong bóng để lưu thông hàng hoá hai miền, phục vụ sản xuất và cả tàu liên vận quốc tế phục vụ xuất nhập khẩu…
Giờ đây, những chuyến tàu hàng khắp các miền, những chuyến tàu liên vận quốc tế tiếp tục được thúc đẩy, góp phần tăng giao thương hàng hoá.
Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Nguyễn Chính Nam cho biết, phát triển vận tải đường sắt là mục tiêu cốt lõi. Vì vậy, tới đây, tổng công ty sẽ thực hiện điều chuyển linh hoạt vận tải hành khách và vận tải hàng hóa theo nhu cầu thị trường và khả năng đáp ứng của hạ tầng đường sắt. Ưu tiên phát triển vận tải hàng hóa, đặc biệt là vận chuyển container, vận chuyển hàng hóa với các đoàn tàu nhanh chạy suốt, vận chuyển hàng liên vận quốc tế cự ly trung bình đến dài.
Cụ thể, về vận tải khách, tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, lấy chất lượng làm yếu tố cơ bản để được khách hàng lựa chọn. Đẩy mạnh hợp tác, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để triển khai hiệu quả hoạt động du lịch bằng đường sắt; hợp tác với các phương tiện giao thông khác để cung cấp các dịch vụ kết nối đầu cuối thuận tiện nhất. Đẩy mạnh các hình thức hợp tác để thu hút luồng khách du lịch từ nước ngoài, nhất là luồng khách xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế có đường sắt đi qua.
Về vận tải hàng, tăng cường đổi mới công nghệ, đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống quản trị qua ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản trị hiện đại vào công tác kinh doanh vận tải hàng hóa, bảo đảm công khai, minh bạch thông tin, hành trình vận chuyển, sử dụng có hiệu quả đầu máy, toa xe. Thúc đẩy các hoạt động logistics, từng bước dần chuyển hướng tổ chức phân phối các nguồn hàng từ kho, ga đến các đại lý, siêu thị, cửa hàng tiện ích... nâng cao giá trị và hiệu quả trong chuỗi logistics.
Đặc biệt, tới đây, khi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được đầu tư, Tổng công ty Đường sắt VN được giao vận hành, khai thác, tổng công ty cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, bộ máy, mô hình tổ chức để có thể thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được Đảng, Chính phủ xác định là công trình động lực, mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu đô thị, thúc đẩy công nghiệp hóa và hiện đại hóa quốc gia; là biểu tượng cho khát vọng vươn mình mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Vì vậy, Tổng công ty Đường sắt VN xác định thời gian tới đây tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, để vừa khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện hữu, đồng thời chuẩn bị hướng tới đón nhận cơ hội phát triển khi tuyến đường sắt tốc độ cao được đầu tư.