Theo Tổng giám đốc Ngọ Trường Nam, một trong những "kim chỉ nam" để Đèo Cả có được vị thế như ngày hôm nay chính là tinh thần "Nghĩ khác biệt, tạo cách biệt", là quyết tâm nghĩ lớn, làm lớn, dám đi trên sỏi đá khô cằn để làm thức tỉnh tiềm năng những vùng đất mới.
Làm chủ công nghệ để dự án nội không chịu giá thành ngoại
- Xuất phát điểm là một doanh nghiệp ở lĩnh vực thiết bị phụ trợ cho hạ tầng giao thông, Đèo Cả (tiền thân là Tập đoàn Hải Thạch) đã bất ngờ lấn sân sang một "địa hạt" mới, chinh phục những dự án giao thông trọng điểm, khởi đầu là công trình hầm đường bộ Đèo Cả. Lý do gì đã thôi thúc Tập đoàn có quyết định đầy táo bạo này?
Câu chuyện hình thành và phát triển Tập đoàn Đèo Cả gắn liền với Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng.
Hơn 10 năm về trước, người ta chỉ biết đến chúng tôi với cái tên là Tập đoàn Hải Thạch - một doanh nghiệp địa phương ở Phú Yên với thế mạnh ở các công trình xây lắp điện chiếu sáng.
Bước ngoặt được tạo nên khi chính Chủ tịch Hồ Minh Hoàng - người con của mảnh đất Phú Yên nhiều lần tận mắt chứng kiến những tai nạn tang thương mỗi khi qua khu vực đèo Cả. Điều đó đã thôi thúc ông nuôi khát vọng làm một công trình hầm xuyên núi để xóa đi nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi di chuyển trên cung đường đèo Cả cheo leo.
Đặt chân vào lĩnh vực mới, từ ý tưởng đến triển khai cũng là cả một hành trình đầy trắc trở. Cần phải nói rằng, thời điểm người đứng đầu Đèo Cả nung nấu ý tưởng, ở Việt Nam mới chỉ có công trình hầm Hải Vân, việc thiết kế, thi công hoàn toàn phụ thuộc vào các đơn vị nước ngoài.
Thực hiện dự án đầu tay, thách thức Đèo Cả phải đối diện còn là sự hoài nghi của hầu hết các bên liên quan. Thậm chí, có những cán bộ lãnh đạo tại địa phương còn thẳng thắn đặt câu hỏi: Một doanh nghiệp địa phương liệu có đủ sức làm một công trình quy mô với kỹ thuật rất phức tạp
Thế nhưng, với tư duy "Nghĩ khác biệt, tạo cách biệt", ông Hồ Minh Hoàng đã từng bước cởi bỏ những nút thắt bằng phép toán đời thường.
Chiến lược của Đèo Cả là tăng trưởng tập trung, cốt lõi là đầu tư xây lắp hạ tầng giao thông nhưng chúng tôi không kỳ vọng mình sẽ làm quá nhiều mà làm phải hiệu quả, chắc chắn.
Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả
Phép toán ấy là sự hợp lực giữa các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam, học tập kinh nghiệm của Nhật Bản trong công tác tư vấn, các kỹ sư địa chất đối với quy trình kỹ thuật mang tính cốt lõi và sự hợp tác với tất cả các doanh nghiệp đã từng tham gia xây dựng công trình hầm tại dự án hầm Hải Vân.
Sự kết hợp ấy đã mang đến phép cộng hoàn hảo với một công trình hầm Đèo Cả được hoàn thành, thông xe vào tháng 8/2017 trong sự phấn khởi, mừng rỡ của tất cả người dân địa phương nói riêng, người tham gia giao thông nói chung.
Công trình được thành hình, đưa vào phục vụ người dân là minh chứng cho xã hội, thế giới thấy được người Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những công trình lớn lao và có yêu cầu cao về kỹ thuật.
Tôi cũng nhớ ở thời điểm thi công hầm Đèo Cả, với một kỹ sư nước ngoài khi ấy, doanh nghiệp phải trả 20.000-30.000 USD/tháng. Đây là một con số rất lớn, kể cả ở thời điểm hiện tại. Song, nếu không có những cái giá như vậy cùng một khát vọng lớn, quyết tâm lớn thì chúng ta đã không có công trình hầm Đèo Cả rồi nhanh chóng nhân ra để có được những hầm: Cù Mông, Hải Vân 2… Và có lẽ cho đến hiện tại, Việt Nam vẫn phải đi thuê các chuyên gia nước ngoài làm các công trình hầm trong nước với giá thành nước ngoài.
- Đèo Cả đã bước qua ranh giới để các công trình trong nước không phải làm với giá thành nước ngoài. Bằng phép tính ước lệ, ông có thể đánh giá một công trình hầm tương tự như Đèo Cả, Cù Mông, nếu phụ thuộc hoàn toàn nước ngoài, chi phí sẽ đắt đỏ thế nào?
Như tôi vừa đề cập, để thuê được chuyên gia, kỹ sư nước ngoài đến Việt Nam thi công hầm, Đèo Cả đã phải chi trả từ 20.000-30.000 USD/tháng. Với con số này, chúng ta có thể trả lương cho 8-10 kỹ sư Việt Nam có kinh nghiệm.
Đó chỉ là một khía cạnh. Xét trên tổng thể dự án, giá thành quốc tế đối với công trình như Đèo Cả, Cù Mông gấp ít nhất từ 1,5-2 lần so với giá thành người Việt Nam thực hiện. Rõ ràng, khi chúng ta làm chủ được công nghệ, chi phí tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước là rất lớn, giúp đất nước có nguồn lực đầu tư nhiều công trình hạ tầng giao thông hơn nữa, đặc biệt nếu không có tầm nhìn để hoạch định về quy mô đầu tư phù hợp khó đảm bảo việc kết nối vào đại dự án cao tốc Bắc - Nam như hiện nay.
Phân rõ trách nhiệm hợp tác công - tư để giải mã dự án khó
- Từ những công trình hầm nổi tiếng, Đèo Cả tiếp tục xây dựng được thương hiệu trên nhiều công trình đường bộ khác, đặc biệt là vai trò "người giải cứu" những dự án giao thông bị "đứt gánh" giữa đường như: Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận. Vào giải cứu dự án trong bối cảnh khó khăn về tất cả mọi mặt, Đèo Cả có cho đây là sự mạo hiểm? Điều gì đã giúp Tập đoàn nắm chắc phần thắng?
Tôi cho rằng, đây là câu hỏi bất kỳ người nào khi chứng kiến Đèo Cả làm những việc này đều đã đặt ra.
Trong khi nhiều người chỉ muốn chọn việc dễ để làm, Đèo Cả lại luôn bước vào những dự án khó, đối diện với nhiều hoài nghi như thuở ban đầu bắt tay làm hầm Đèo Cả.
Nói là giải pháp quá đặc biệt thì không hẳn, nhưng khi tiếp cận các dự án đầy rẫy thách thức như: Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, quan điểm xuyên suốt của Đèo Cả là xác lập rõ trách nhiệm của các bên. Chỉ khi làm được điều đó, dự án PPP mới đạt được hiệu quả mong muốn.
Hợp tác công - tư nghĩa là phía công cùng làm với phía tư. Những gì thuộc trách nhiệm của phía công, phía công phải tường minh, giải quyết và ngược lại. Trên cơ sở đó, đặt chân đến các dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã mời các cơ quan thanh tra, kiểm toán vào rà soát, làm rõ tất cả các vướng mắc, phân rõ thẩm quyền giải quyết, đâu là trách nhiệm của chủ đầu tư, nút thắt nào cần cơ quan có thẩm quyền vào cuộc.
Chúng tôi là doanh nghiệp, vấn đề cốt lõi là tạo ra giá trị lợi nhuận, đảm bảo hiệu quả đầu tư để phục vụ lợi ích các cổ đông đồng hành.
Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả
Khi trách nhiệm được làm rõ, các bên vận hành theo đúng kế hoạch, nút thắt được gỡ dần. Kết quả tất cả đều thấy rõ, chúng tôi không khẳng định cách làm của mình là xuất sắc nhất nhưng với cách làm ấy, các dự án đã cán đích một cách thuận lợi nhất, nhanh chóng phát huy hiệu quả đầu tư.
- Trong bối cảnh các doanh nghiệp khác chỉ hướng đến các dự án tiềm năng, có khả năng thu hồi vốn sớm thì đến nay, Tập đoàn Đèo Cả vẫn bền bỉ dấn thân cùng các địa phương "dò đá tìm đường" thực hiện các công trình khó như: Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, Tân Phú - Bảo Lộc. Doanh nghiệp đang đặt kỳ vọng gì ở các dự án này?
Trước hết phải khẳng định, chúng tôi là doanh nghiệp, vấn đề cốt lõi là tạo ra giá trị lợi nhuận, đảm bảo hiệu quả đầu tư để phục vụ lợi ích các cổ đông đồng hành. Khi làm bất cứ dự án nào, chúng tôi cũng phải đặt yếu tố hiệu quả lên đầu.
Riêng với dự án PPP, Tập đoàn xác định rất rõ "rót vốn" vào các công trình này là đầu tư cho tương lai dài hạn, không thể thu về lợi nhuận trong ngắn hạn.
Chúng tôi cho rằng, những nơi khó khăn chính là những nơi có tiềm năng. Có hạ tầng kết nối hiện đại, tiềm năng sẽ được khai phá. Con đường vàng sẽ tạo ra giá trị vàng.
Như tại Phú Yên, sau khi chúng tôi đầu tư hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, các nhà đầu tư đã tìm đến địa phương, kinh tế được thúc đẩy, nhu cầu lưu thông tăng quay trở lại phục vụ chính dự án, đảm bảo phương án tài chính, phục vụ lợi ích của doanh nghiệp.
Hay với dự án Bắc Giang - Lạng Sơn, khi tuyến cao tốc chưa hình thành, tiềm năng của các địa phương dọc tuyến gần như "ngủ quên". Khi con đường hoàn thành, ngày thông xe được kết hợp luôn với chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh, rất nhiều doanh nghiệp đã lên nghiên cứu đầu tư.
Tương tự, các dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng cũng sẽ mở ra những cơ hội phát triển như vậy khi các địa phương dự án đi qua, nơi có tiềm năng phát triển giao thương, nơi có thế mạnh về du lịch.
Hơn nữa, chúng tôi nghiên cứu các dự án theo hình thức PPP, nghĩa là có sự kết hợp của cả vốn ngân sách Nhà nước. Ở những dự án đang triển khai, Đèo Cả đang đề xuất phương án tài chính với sự tham gia của vốn Nhà nước ở mức hợp lý nhất, đảm bảo khả năng thu hồi vốn, hiệu quả đầu tư.
Cũng phải thừa nhận, các dự án này đang rất khó khăn về cả tài chính, kỹ thuật, pháp lý trong bối cảnh có sự chuyển tiếp các quy định pháp luật. Thế nhưng, dự án càng khó, người Đèo Cả lại càng có động lực, càng phải nỗ lực minh chứng cho các chủ thể thấy được chúng tôi đã nói là làm, không phải nói để làm màu.
Kiên định chiến lược tăng trưởng tập trung
- Tiếp nối thành quả, thương hiệu đã gây dựng được, chiến lược cốt lõi của Đèo Cả trong hoạt động kinh doanh là gì? Với tiềm lực, năng lực quản trị sẵn có, Tập đoàn có thể chuyển hướng, mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác có cơ hội thu hồi vốn nhanh hơn, tại sao Đèo Cả không làm như vậy?
Đã có rất nhiều đối tác đặt vấn đề đó với chúng tôi. Thế nhưng, Đèo Cả vẫn kiên định với chiến lược tăng trưởng tập trung, phát triển dựa trên lĩnh vực cốt lõi của mình là đầu tư, thi công xây lắp công trình, quản lý vận hành hạ tầng giao thông.
Trong 5-10 năm tới hoặc xa hơn nữa, chúng tôi vẫn là doanh nghiệp hạ tầng giao thông. Chiến lược này cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng của Đảng, Chính phủ là ưu tiên đầu tư cho hạ tầng trong giai đoạn tới.
- Như ông vừa đề cập, giai đoạn 2021-2030, nhiệm vụ trọng tâm Đảng, Chính phủ đề ra là đột phá kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông. Chính phủ xác định đến năm 2025 sẽ huy động khoảng 500.000 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông. Ông nhìn nhận thế nào về cơ hội của Đèo Cả?
Định hướng phát triển hạ tầng nói chung của Đảng, Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn, là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp của Việt Nam tiếp đà phát triển.
Song, cơ hội của doanh nghiệp đến đâu? Đèo Cả hay các doanh nghiệp khác có thể đảm đương được bao nhiêu phần việc trong tổng khối lượng hạ tầng giao thông được đầu tư thì thị trường sẽ trả lời.
Mình muốn ra bên ngoài trước hết phải làm chủ được sân nhà. Làm chủ được sân chơi trong nước, thắng trên sân nhà với những công trình tầm vóc nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam cũng khẳng định vị thế so với các doanh nghiệp quốc tế.
Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả
Tôi nghĩ rằng, Đèo Cả đang cố gắng để vươn mình trên các dự án giao thông trọng điểm và các doanh nghiệp khác cũng đang như vậy. Với các dự án đã được quy hoạch, định hướng lộ trình, với nguồn lực đầu tư đã được lên kế hoạch, Đèo Cả sẽ bắt tay với các doanh nghiệp khác cùng nhau thực hiện vì mục tiêu phát triển nhanh, bền vững hạ tầng giao thông đất nước.
Cũng cần khẳng định lại, chiến lược của Đèo Cả là tăng trưởng tập trung, cốt lõi là đầu tư xây lắp hạ tầng giao thông nhưng chúng tôi không kỳ vọng mình sẽ làm quá nhiều mà làm phải hiệu quả, chắc chắn.
- Tiếp nối các dự án đường bộ ở giai đoạn 2021-2025, giai đoạn tiếp theo nguồn lực sẽ được tập trung cho các dự án đường sắt, sân bay, bến cảng, bên cạnh những công trình đường bộ, Đèo Cả có tiếp tục chinh phục các dự án ở những lĩnh vực giao thông khác?
Tất nhiên, chúng tôi sẽ làm như vậy và đã có những kế hoạch rất cụ thể ở các lĩnh vực đầu tư hạ tầng khác để thích ứng, hội nhập, duy trì tăng trưởng.
Vừa mới đây thôi, ở lĩnh vực hạ tầng hàng không, chúng tôi đã trúng thầu tham gia một gói thầu phù hợp với năng lực của mình tại dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Với lĩnh vực đường sắt chúng tôi cũng có kế hoạch cụ thể tham gia các dự án phù hợp để tích lũy kinh nghiệm và coi đó như thao trường đào tạo, nâng cao trình độ kỹ sư, công nhân.
- Chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo, Đèo Cả đã và đang chuẩn bị nguồn lực như thế nào, thưa ông?
Hai kênh đầu tư đang được Đèo Cả tập trung là thiết bị, công nghệ và con người.
Như Chủ tịch Tập đoàn Hồ Minh Hoàng hay nói vui: "Đầu tư cho con người là đầu tư rẻ nhất", xác định cái gốc của doanh nghiệp chính là con người, Đèo Cả đang kiện toàn bộ máy quản trị, hợp tác với các cơ sở đào tạo để chúng ta có nguồn nhân lực chất lượng cao về chuyên môn ở cấp quản lý, lao động, hiện trường.
Chúng tôi cũng đã mạnh dạn thành lập Trung tâm huấn luyện thực hành và tới đây là hợp tác thành lập Viện nghiên cứu và đào tạo với các trường đại học để đào tạo chuyên sâu. Chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, Tập đoàn đã đầu tư gần 100 tỷ đồng đầu tư vật chất và đào tạo nhân lực.
Với thiết bị, ngay trước thềm khởi công cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, Đèo Cả cũng chi gần 1.000 tỷ đồng để trang bị thêm máy móc và sẽ tiếp tục đầu tư với tiến độ của dự án.
Về nguồn lực tài chính, nếu trước đây, chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào kênh tín dụng nhưng hiện tại, Tập đoàn Đèo Cả đã làm phong phú hơn các mô hình huy động vốn. Tùy từng dự án có hình thức huy động khác nhau, có thể là phát hành trái phiếu, huy động vốn trên thị trường chứng khoán, có những đối tác hợp tác kinh doanh BCC.
Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng, hơn 1 năm qua, Đèo Cả đã đầu tư rất nhiều thiết bị tân tiến, hiện đại, tạo lợi thế cho chính mình trong bối cảnh Chính phủ đưa ra định hướng phân chia các gói thầu lớn, ưu tiên các doanh nghiệp có thế mạnh về quản lý. Có được các gói thầu đủ lớn, Đèo Cả sẽ đầu tư các trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, từ máy móc thi công cầu, đường, hầm, sản xuất cung ứng vật liệu.
Tập đoàn cũng tiên phong thành lập các trung tâm phát triển ứng dụng công nghệ trong khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý dự án như BIM.
Đèo Cả luôn quan niệm chỉ có thể chuyên nghiệp khi có nguồn lực chắc chắn. Với những hướng đi hiện tại, chúng tôi mong rằng sẽ nhận được sự ủng hộ lớn từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các cổ đông trong những chặng đường sắp tới.
Vươn tầm quốc tế trước hết phải làm chủ sân chơi trong nước
- Đã và đang trở thành một doanh nghiệp giao thông có tiềm lực, uy tín và vị thế ở thị trường đầu tư xây lắp hạ tầng giao thông trong nước, Đèo Cả đã có định hướng chiến lược gì về con đường vươn tầm quốc tế?
Vươn tầm quốc tế là cụm từ thường được Tập đoàn Đèo Cả nhắc tới. Thế nhưng, với Đèo Cả, sự vươn tầm này không nhất thiết phải "bơi" ra thị trường nước ngoài mà trước hết là sẽ làm các sản phẩm có tầm vóc quốc tế, từng bước làm chủ các dự án có tính chất đặc thù đang phụ thuộc vào chuyên gia, đơn vị thi công nước ngoài.
Thị trường giao thông ở Việt Nam còn rất nhiều dư địa, ít nhất là trong 5-10 năm tới. Mình muốn ra bên ngoài trước hết phải làm chủ được sân nhà. Làm chủ được sân chơi trong nước, thắng trên sân nhà với những công trình tầm vóc nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam cũng khẳng định vị thế so với các doanh nghiệp quốc tế.
Hội nhập quốc tế, Tập đoàn Đèo Cả cũng đang từng bước nghiên cứu thị trường, kết nối với các đối tác nước ngoài. Việc ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư với Tập đoàn Thương mại dầu khí Lào (PTL), mở ra cơ hội phát triển mới trong lĩnh vực đầu tư đường sắt, hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, logistics… hồi tháng 10/2022 là một trong những bước tiến điển hình của Đèo Cả trên hành trình vươn ra biển lớn.
Tại những dự án hợp tác nước ngoài, Tập đoàn Đèo Cả sẽ tham gia phù hợp với năng lực, thế mạnh của mình.
- Với tất cả chiến lược như trên, mục tiêu Đèo Cả đặt ra doanh thu và lợi nhuận thế nào?
Thực tế phát triển của ngành Giao thông nói chung đang tạo động lực để Đèo Cả nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung có được mức tăng trưởng khá tốt.
Trong 3-5 năm tới, chúng tôi tự tin tăng trưởng hơn 50%/năm về doanh thu, lợi nhận. Tùy từng năm, các mục tiêu cụ thể sẽ được công bố rõ ràng với cổ đông, dư luận.
Niềm tin sẽ đưa doanh nghiệp cất cánh
Quay trở lại chia sẻ ban đầu, tôi có nói về câu chuyện niềm tin. Những kết quả Đèo Cả có được như ngày hôm nay một phần lớn nhờ vào sự tin tưởng của cơ quan quản lý Nhà nước, các đối tác đồng hành để nuôi dưỡng khát vọng, tiếp tục vươn lên nối gót cha ông bao đời và vươn tầm quốc tế. Nếu ngày xưa, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không tin Đèo Cả có thể làm hầm Đèo Cả thì ngày nay, chúng ta không có hầm Đèo Cả và chuỗi công trình hầm cao tốc hiện đại.
- Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp trong suốt thời gian qua, cơ chế Nhà nước cũng rất quan trọng. Ông kỳ vọng tới đây cơ chế chính sách của Nhà nước sẽ có sự đột phá thế nào để tạo đà cho doanh nghiệp giao thông phát triển?
Có niềm tin mới trao cơ hội. Một trong những cơ hội lớn nhất nhà thầu Việt Nam có được trong thời gian qua chính từ sự chỉ đạo quyết liệt không chia nhỏ gói thầu của Chính phủ. Đây là chỉ đạo hết sức đúng đắn vì doanh nghiệp giao thông Việt Nam chỉ lớn khi sân chơi đủ lớn. Nếu cứ làm manh mún, nhỏ lẻ, rõ ràng, doanh nghiệp Việt Nam không có cơ hội lớn mạnh. Sân chơi lớn vẫn là sân chơi của quốc tế.
Chúng tôi cũng mong rằng, với vai trò là những người trực tiếp làm ra sản phẩm, việc xây dựng quy định pháp luật, cơ chế tháo gỡ khó khăn của các cấp có thẩm quyền tới đây cũng tiếp tục có sự đánh giá đúng mực, có chính sách gỡ khó phù hợp để nhà thầu giao thông tiếp tục duy trì nguồn lực ổn định đồng hành cùng quá trình hiện đại hóa hạ tầng giao thông đất nước.
Cám ơn ông!