Thi viết về GTVT

Đắp bờ ngăn lũ, mở đường tới vùng Tây sông Hậu

19/10/2023, 06:08

Khao khát của người dân về một con đường thứ hai nối Hậu Giang - Cần Thơ, phá thế độc đạo của quốc lộ 61 trở thành hiện thực sau khi quốc lộ 61C được hình thành, thông đường tới các tỉnh Tây sông Hậu.

Thỏa mong ước của người miền Tây

Ông Nguyễn Văn Suông (66 tuổi) ở ấp Nhơn Thuận 1, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang vẫn không thể quên cảm xúc về những ngày đầu tuyến quốc lộ 61C khởi công.

Từng là trưởng ấp rồi bí thư, nhà lại ở sát quốc lộ 61C, ông Suông kể lại, khi nghe Nhà nước có chủ trương làm đường, bà con trong xã ai cũng mừng khấp khởi.

Đắp bờ ngăn lũ, mở đường tới vùng Tây sông Hậu - Ảnh 1.

Hoa hoàng yến vàng rực hai bên quốc lộ 61C qua Hậu Giang.

Trên quốc lộ 61, từ đoạn giáp với thành phố Cần Thơ có hơn 20 kênh đào được đặt tên theo thứ tự từ Một Ngàn đến Mười Bốn Ngàn. Mỗi dòng kênh này cách nhau đúng 1.000m, từ đó Hậu Giang được ví von là xứ sở miệt ngàn.

Thời điểm triển khai dự án, ông có gần một công đất bị thu hồi. Giá đất lúa khi đấy không đáng kể, ông ví von mỗi mét vuông tương đương với 1kg thịt lợn, khoảng 70 nghìn đồng.

Nằm trong tổ vận động bà con bàn giao mặt bằng, ông Suông cho biết, thời điểm đó công tác này rất thuận lợi. Người dân ai cũng hiểu việc mở đường, hưởng lợi nhiều nhất chính là bản thân họ. Chính bởi vậy, chính quyền thông báo thu hồi đất, kiểm kê tới đâu là bà con nhất trí tới đó.

"Có đường rồi, đem trái cây, tôm cá đồng ra bên đường bày bán cũng kiếm sống được", một người hàng xóm của ông Suông góp chuyện.

Người dân ở xã Nhơn Nghĩa A kể lại, khi chưa có quốc lộ 61C, từ Hậu Giang đi Cần Thơ chỉ có thể qua quốc lộ 61 hoặc đường thủy.

"Cái rạch phía sau nhà tôi thông ra sông lớn, hồi trước muốn đi Cần Thơ nhanh chỉ có cách dùng xuồng. Xui mà gặp nước ròng thì khỏi đi luôn, vì đâu có lôi xuồng ra được. Bệnh nặng mà gặp cảnh đó thì chỉ có thể chờ chết, không khác được", ông Suông kể và nói, người dân khao khát một con đường thứ hai nối Hậu Giang - Cần Thơ hơn bao giờ hết.

Đắp bờ ngăn lũ, mở đường tới vùng Tây sông Hậu - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Suông, người dân sống bên tuyến quốc lộ 61C.

Tháng 9/2007, với tổng vốn 3.400 tỷ đồng, tỉnh Hậu Giang khởi công đường nối Vị Thanh - Cần Thơ. Gần hai năm sau, Cần Thơ cũng động thổ phần dự án trên địa bàn - tạo tiền đề hình thành quốc lộ 61C sau này.

Những hình ảnh thi công đường băng qua những mảnh vườn, những cánh đồng lúa bát ngát mãi in sâu trong ký ức người dân nơi đây.

"Người ta đào đất lên, trải vải địa, rồi bơm cát, con đường cứ thế hình thành giữa bao la ruộng lúa. Đó là chuyện của mười mấy năm trước", ông Huỳnh Minh Tiến, ngụ xã Nhơn Nghĩa A kể thêm.

Tháng 5/2012, đường nối Vị Thanh - Cần Thơ thông xe. Tuyến đường dài 47km, rộng 11,5m với bốn làn xe, rút ngắn khoảng 15km từ Cần Thơ về Vị Thanh so với quốc lộ 61.

Trong số 47km đường này có 10km qua địa bàn quận Cái Răng và huyện Phong Điền của Cần Thơ. 37km còn lại đi qua hai huyện Châu Thành A, Vị Thủy và thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Quốc lộ 61C đã phá thế độc đạo của quốc lộ 61, kết nối Hậu Giang - xứ sở miệt ngàn với các địa phương còn lại trong tiểu vùng tây sông Hậu.

Nước lũ tràn vào, anh em vẫn thi công được

Ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở GTVT Hậu Giang - người gắn bó từ những ngày đầu mở đường quốc lộ 61C cho biết, đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh trong thời gian đầu tái lập. Tuyến đường nối Vị Thanh - Cần Thơ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho hai địa phương, nhưng đối với Hậu Giang lợi ích đó càng lớn hơn.

Đắp bờ ngăn lũ, mở đường tới vùng Tây sông Hậu - Ảnh 4.

Quốc lộ 61C, đoạn vừa vào địa phận tỉnh Hậu Giang.

Thấu hiểu điều đó, tâm thế của những người mở đường là nỗ lực không ngừng nghỉ ngay từ những ngày đầu khởi công. Dù thời điểm mười mấy năm trước, phóng một tuyến đường nghìn tỷ đồng khó khăn hơn bây giờ rất nhiều.

"Lúc triển khai thi công, máy móc, nhân lực, vật tư chỉ có thể tiếp cận công trường thông qua những kênh đào có sẵn, không còn lối đi khác. Cũng may là mạng lưới kênh đào từ Một Ngàn đến Mười Bốn Ngàn không quá xa nhau", ông Tân kể.

Quá trình thi công còn khó khăn hơn nữa khi do đặc thù của vùng sông nước, thời điểm lũ tràn vào những cánh đồng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ dự án.

"Nước lũ tràn vào, anh em vẫn thi công được, nhưng không hề dễ dàng. Các đội thi công phải tính toán thời gian để đào đường, đắp đất qua hai bên ngăn nước, sau đó mới bơm cát vào", ông Tân kể.

Trải qua những khó khăn trong 5 năm, 37km đường thành hình trong sự vỡ oà của các đội thi công và người dân. Cũng từ đó, hàng hóa, nông sản của Hậu Giang đi xa và nhanh hơn đến các nơi, cuộc sống người dân hai đường khởi sắc thấy rõ. Những đứa con xa nhà cũng trở về thăm gia đình thường xuyên hơn nhờ quốc lộ 61C.

Chị Phạm Tường Vy (24 tuổi) ngụ xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh cho hay, suốt gần 6 năm học tập và làm việc ở Cần Thơ, chị đều tranh thủ về thăm gia đình mỗi dịp cuối tuần.

"Lứa tuổi tôi chưa thấy được hết giá trị của con đường này. Nhưng cha mẹ tôi kể, ngày xưa muốn tới Cần Thơ phải chật vật như thế nào, không đi đường vòng thì phải đi bằng xuồng, ghe", chị Vy chia sẻ.

Tháng 7/2023, Chính phủ ban hành nghị quyết về huy động vay vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài và tỷ lệ vay lại vốn nước ngoài của của các dự án vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, các dự án phát triển bền vững của vùng sẽ gồm những dự án giao thông và có dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 61C của tỉnh Hậu Giang. Tổng mức đầu tư của dự án này dự kiến 4.601 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng khoảng 1.508 tỷ đồng, còn lại là vay vốn nước ngoài.

Như vậy, tuyến quốc lộ 61C sẽ còn mở rộng nữa, các tỉnh tiểu vùng Tây sông Hậu sẽ có thêm một phương án để kết nối cùng nhau phát triển kinh tế, xã hội.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.