Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về lộ trình xây dựng Trung tâm Quản lý điều hành giao thông tại các tuyến đường bộ cao tốc do bộ này quản lý giai đoạn đến 2025.
Cụ thể, tại 6 đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được đưa vào khai thác sẽ triển khai 4 trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến từ năm 2024 gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45; QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây.
Đối với 18 tuyến cao tốc đang đầu tư, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận lộ trình xây dựng trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến bắt đầu từ 2024.
Trong đó, có 12 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng; Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh; Vạn Ninh - Cam Lộ; Quảng Ngãi - Hoài Nhơn; Hoài Nhơn - Quy Nhơn; Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong; Vân Phong - Nha Trang; Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.
6 đoạn tuyến cao tốc khác cũng có lộ trình xây dựng trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến bắt đầu từ 2024 gồm: Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột; Biên Hoà - Vũng Tàu; Mỹ Thuận - Cần Thơ gồm cầu Mỹ Thuận 2 và cầu Cần Thơ 2 (dự kiến bố trí trong phạm vi dự án); Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Tuý Loan (dự kiến bố trí chung một trung tâm); Dầu Giây - Tân Phú.
Đối với các đoạn tuyến cao tốc đang chuẩn bị đầu tư, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao bộ tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến phù hợp với tiến độ đầu tư xây dựng dự án, đảm bảo vận hành đồng bộ khi tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác.
Lãnh đạo Cục Quản lý đường cao tốc VN cho biết, hệ thống ITS có vai trò quan trọng không kém so với xây dựng tuyến đường. Vì thế, hệ thống ITS sẽ được đầu tư đồng bộ phục vụ cho quản lý, khai thác các tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Lần triển khai này có điểm mới là sẽ không xây dựng trung tâm điều hành cho từng tuyến. Các trung tâm điều hành giao thông tuyến được xây dựng theo phương án ghép các tuyến cao tốc liền kề, đảm bảo trung bình từ 70 - 100km sẽ được điều hành bởi một trung tâm.
Theo phương án này, các tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 có 7 trung tâm điều hành 11 tuyến cao tốc. Tương tự, giai đoạn 2 có 8 trung tâm, điều hành 12 đoạn tuyến.
Các trung tâm điều hành sẽ dùng chung một phần mềm, bao gồm phần mềm lõi và các phần mềm quản lý giao thông để có sự kết nối, trao đổi thông tin, tương tác giữa các tuyến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận