Chuyện dọc đường

Cần cơ sở pháp lý làm dự án giao thông liên vùng

25/10/2022, 06:00

Những năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ được đầu tư và có bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Ùn tắc trên các tuyến quốc lộ và các tuyến đường nội đô ngày càng nghiêm trọng.

Kết nối hạ tầng giao thông với các cảng biển, các khu công nghiệp, cửa khẩu, các trung tâm chính trị, kinh tế của vùng còn hạn chế.

Kết nối giữa các phương thức vận tải chưa thật sự hiệu quả…

img

Tình trạng ùn tắc diễn ra thường ngày trên tuyến quốc lộ 13 qua TP.HCM Ảnh: Thu Trinh

Nhìn chung, về lưu lượng giao thông, tại vùng Đông Nam bộ, tình trạng quá tải đang diễn ra trên cả hệ thống giao thông đô thị, trên các tuyến đường bộ huyết mạch, hệ thống cảng hàng không, cảng biển.

Trong khi đó, vùng Đông Nam bộ là trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước, là trung tâm đầu mối vận tải lớn nhất cả nước.

Bởi vậy, một khi hệ thống hạ tầng giao thông còn là điểm nghẽn, tiềm năng lợi thế không được phát huy hết, đó sẽ là sự lãng phí rất lớn.

Chỉ tính riêng tại TP.HCM, nghiên cứu sơ bộ của Sở GTVT cho thấy, tình trạng ùn tắc giao thông khiến thành phố thiệt hại khoảng 6 tỷ USD/năm. Vậy với cả 5 tỉnh còn lại, thiệt hại sẽ lớn thế nào nếu không tháo gỡ được điểm nghẽn hạ tầng giao thông?

Muốn phát triển liên vùng, cần có những tuyến đường cao tốc, metro liên vùng được đầu tư sớm. Các địa phương cần có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất vì lợi ích chung liên vùng.

Khi một dự án đầu tư liên vùng triển khai, các địa phương phải cam kết về thời gian thực hiện, hoàn thành để đảm bảo tính liên kết của dự án đó.

Bởi hiện nay vẫn có những tuyến liên vùng nhưng nơi này làm, nơi kia dừng. Cụ thể như QL13 từ TP.HCM đi Bình Dương, Bình Phước.

Trong khi đoạn qua Bình Dương đã mở rộng 60m thì đoạn qua TP.HCM hơn 10 năm qua không mở rộng.

Ngược lại, Xa lộ Hà Nội ở TP.HCM mở rộng hơn 100m, nhưng qua Bình Dương lại teo tóp, ùn tắc hàng ngày…

Trong khi nguồn vốn ngân sách có hạn, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị nêu rõ cần huy động nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng giao thông liên vùng.

Muốn làm được điều đó, phải có cơ sở pháp lý rõ ràng. Bởi nếu không có cơ sở pháp lý, dù dự án có vai trò rất tốt cho địa phương, nhưng lãnh đạo các địa phương không ai dám ký để triển khai.

Chẳng hạn, khi triển khai dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, không nên xem đây là một dự án giao thông đơn thuần, mà cần xem đó là một dự án giao thông đi kèm phát triển đô thị liên vùng.

Khi lập các dự án này, các địa phương nên rà soát quỹ đất xung quanh, xem những khu vực nào có thể phát triển đô thị gắn với tuyến đường.

Quy hoạch các đường nhánh rẽ, sau đó tổ chức đấu giá những khu đất đó để làm đô thị. Tiền thu được từ đấu giá đất sẽ phục vụ đầu tư đường cao tốc và nộp vào ngân sách.

Tất nhiên, dự án phát triển giao thông kèm với đô thị này phải được phê duyệt ngay từ đầu, trở thành khung pháp lý cho dự án, lúc đó các địa phương mới dám triển khai thực hiện.

Với cách làm này, tuỳ theo từng dự án, địa phương đề xuất, Trung ương phê duyệt và trở thành khung pháp lý cho dự án, không phải mất thời gian thay đổi các luật liên quan.

KTS. Ngô Viết Nam Sơn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.