Rà soát các nhóm sản phẩm chịu thuế
Tiếp tục phiên họp thứ 28, sáng nay (18/12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về đề nghị bổ sung một số dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Bốn dự án gồm: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)...
Trình bày tờ trình về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ xem xét, thông qua với 5 nhóm chính sách.
Đó là, hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế; về giá tính thuế; về thuế suất; về khấu trừ thuế đầu vào và hoàn thiện các quy định về hoàn thuế của thuế VAT.
Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được nghiên cứu, hoàn thiện, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi bốn luật nêu trên để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập đã được chỉ ra qua tổng kết thi hành các luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Về từng đề nghị xây dựng luật cụ thể, với dự án Luật Thuế VAT (sửa đổi), ông Tùng cho hay, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan đề nghị bổ sung làm rõ một số nội dung.
Cụ thể là làm rõ hơn căn cứ điều chỉnh các đối tượng từ không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế 5% hoặc 10%; rà soát các nhóm sản phẩm chịu thuế để bảo đảm bao quát đối tượng chịu thuế.
Nghiên cứu, rà soát luật hóa các quy định dưới luật liên quan đến giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo các hình thức chuyển nhượng đang được thực hiện ổn định, không phát sinh vướng mắc để bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng, minh bạch, thuận tiện trong áp dụng pháp luật.
Các cơ quan của Quốc hội cũng đề nghị làm rõ hơn lý do bổ sung quy định thuế suất đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành sản phẩm khác. Làm rõ thêm về cơ sở thực tiễn, tác động của việc sửa đổi, bổ sung điều kiện khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.
Đồng thời cần xem xét lại việc bổ sung quy định trong trường hợp người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế có sai, sót thì thực hiện kê khai, khấu trừ bổ sung theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Phải tính toán tổng thể các luật về thuế
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc trình các nội dung phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các bộ, ngành, trong đó Bộ Tư pháp tham mưu với Chính phủ cần hạn chế các dự án trình UBTVQH xem xét quyết định bổ sung vào chương trình.
Mặc dù Luật có cho phép UBTVQH xem xét, điều chỉnh chương trình nhưng chỉ bất đắc dĩ mới bổ sung, còn chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm do Quốc hội quyết định.
Chỉ trình UBTVQH quyết định bổ sung điều chỉnh chương trình những gì thực sự cấp bách đột xuất. Do đó, các cơ quan nên đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các dự án để trình Quốc hội cho ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trình các dự án Luật phải tính toán tổng thể như các luật về thuế không phải chỉ có riêng thuế VAT. Như khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu đã yêu cầu phải rà soát tổng thể với pháp luật về ưu đãi đầu tư, các luật về thuế…
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan đẩy nhanh tiến độ, tránh tình trạng có gì làm nấy dẫn đến thiếu tính đồng bộ, thống nhất.
Về Luật thuế VAT, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn về phạm vi quy định mặt hàng chịu thuế VAT, nhất là đối với nông sản. Trước đây, đã làm rất kỹ lưỡng đối với vấn đề nông sản, nhưng sau đó vẫn phát sinh nhiều sai phạm tiêu cực liên quan đến hóa đơn VAT trong lĩnh vực này.
"Không thể vì gian lận ở một bộ phận mà hủy hết tất cả; nếu không sẽ không bảo đảm bản chất của thuế VAT; trường hợp có gian lận thì phải đấu tranh xử lý mạnh hơn nữa. Trong khi đó trong chính sách trong hồ sơ dự án luật cũng không đề cập đến vấn đề này", Chủ tịch Quốc hội nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận