Bộ Nội vụ mới đây nhận được kiến nghị của cử tri TP.HCM do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến, phản ánh tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển từ khu vực công sang khu vực tư đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ngành giáo dục, y tế.
Cử tri phản ánh về thực trạng công chức nghỉ việc nhiều vì lương thấp (ảnh minh họa)
Đây cũng là mối quan tâm, phản ánh của cử tri tỉnh Cao Bằng, Khánh Hòa và Cần Thơ. Cử tri các tỉnh đề nghị Bộ Nội vụ sớm có phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức năm 2023 để góp phần giảm bớt khó khăn cho người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, xem xét thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương để tăng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Trả lời cử tri 4 địa phương nêu trên, Bộ Nội vụ khẳng định đã chủ động phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định 24/2023 điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng (tăng thêm 20,8%) từ ngày 1/7/2023 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Đồng thời, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, kết quả phục hồi kinh tế sau Covid-19 và khả năng cân đối ngân sách Nhà nước giai đoạn sau năm 2023, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Báo cáo lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương sau năm 2023 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW/2018 trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đối với chế độ phụ cấp và mức khoán kinh phí đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 33/2023.
Trong đó, tại Điều 34 Nghị định 33 có quy định mức khoán quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo hướng điều chỉnh tăng hơn so với Nghị định số 34/2019.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận