"Hút" nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách làm sân bay, cảng biển
Thực hiện phương châm "Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước như vốn mồi để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác cho phát triển hạ tầng, trong hơn 10 năm qua, Quảng Ninh đã triển khai được hàng loạt công trình giao thông ấn tượng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Điển hình là dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn xây dựng tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), do Tập đoàn Sun Group đầu tư theo hình thức BOT, với số vốn khoảng 7.700 tỷ đồng..
Đây là sân bay quốc tế đầu tiên do tập đoàn tư nhân Việt Nam đầu tư, hoàn thành sau hơn hai năm thi công xây dựng, có khả năng phục vụ 2,5 triệu hành khách/năm trong giai đoạn đầu, và hệ thống đường băng đủ khả năng đón nhận bất kỳ máy bay cỡ lớn nào như Boeing 787 và Airbus 350.
Dự án Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long cũng là công trình mang tính đột phá của Quảng Ninh trong việc thu hút nguồn lực đầu tư từ tư nhân. Bởi cảng này được triển khai theo hình thức đối tác công - tư giữa tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Sun Group.
Công trình được xây dựng ở sông Cửa Lục với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh 300 tỷ đồng để xây dựng cầu dẫn, còn lại Tập đoàn Sun Group triển khai hạng mục cầu cảng, nhà ga hành khách. Công trình khởi công từ tháng 11/2017 và đưa vào sử dụng cuối năm 2018.
Đây là cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam có khả năng đón tàu có tải trọng tới 225.000 GRT, xóa "điểm nghẽn" lớn của ngành du lịch tàu biển khi các cảng đều đón chung tàu khách và tàu hàng.
Điểm nổi bật là hệ thống cầu dẫn của cảng dài 706m, rộng 11,5m, được thiết kế gồm 21 trụ bê tông; Cầu cảng dài 511m, trong đó có bến cảng đón khách dài 130m, rộng 31m, có thể tiếp nhận được tàu du lịch quốc tế dài 330m - lớn nhất hiện nay trên thế giới.
Nếu như hai công trình trên được đầu tư theo mô hình BOT, mô hình hợp tác công - tư thì công trình bến cảng cao cấp Ao Tiên ở huyện Vân Đồn lại được triển khai theo mô hình tư nhân đầu tư, khai thác.
Bến cảng cao cấp Ao Tiên ở xã Hạ Long, được khởi công từ tháng 4/2022, là cảng khách chuyên dùng phục vụ vận tải du lịch tuyến Vân Đồn (huyện Vân Đồn đi các đảo) và các điểm tham quan trên vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long.
Cảng có quy mô gần 30ha, đồng bộ, hiện đại, tích hợp nhiều tiện ích, thiết kế theo chủ đề không gian xanh. Trong đó, diện tích mặt đất 5,9ha, còn lại là mặt nước. Tổng vốn đầu tư hơn 610 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền làm chủ đầu tư. Dự án được khánh thành và đưa vào hoạt động cuối tháng 10/2022.
Sở hữu tuyến cao tốc dài nhất cả nước bằng các nguồn đầu tư
Ngày 1/9/2022, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã khánh thành và đưa vào hoạt động. Đây là cung đường cuối cùng được hoàn thành của tuyến đường cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh, với tổng chiều dài là 176km; Chiếm 16,8% tổng chiều dài đường cao tốc hiện có của cả nước.
Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có tổng vốn đầu tư 43.836 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư của tỉnh là 15.607 tỷ đồng, chiếm 35,5%, vốn các doanh nghiệp tư nhân là 28.229 tỷ đồng, chiếm 64,5%. Toàn tuyến cao tốc được thiết kế với vận tốc 120km/h.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo Sở GTVT Quảng Ninh cho biết: Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái ban đầu được triển khai theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT. Thế nhưng quá trình triển khai thực hiện, tỉnh đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh dự án theo hợp đồng BOT thành hai dự án độc lập.
Trong đó, đoạn Vân Đồn - Tiên Yên dài 16,08km, được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, tổng mức đầu tư 3.658 tỷ đồng. Đoạn Tiên Yên - Móng Cái được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng BOT, dài 63,25km, tổng vốn đầu tư 9.113 tỷ đồng.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi vào hoạt động sẽ hoàn thiện tuyến cao tốc từ Lào Cai qua Hà Nội, Hải Phòng đến TP Móng Cái của Quảng Ninh, tạo thành tuyến cao tốc liền mạch dài nhất Việt Nam với chiều dài lên đến gần 600km, trong đó Quảng Ninh là tỉnh có số km lớn nhất cả nước với gần 176km.
Thời gian di chuyển từ Móng Cái đến TP Hạ Long chỉ còn 1 giờ 30 phút (nếu đi theo quốc lộ 18 sẽ mất khoảng 3 giờ); Từ TP Móng Cái đến Hà Nội còn 3 giờ (nếu đi theo quốc lộ 18 như trước đây sẽ mất khoảng 5,5 giờ)…
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Cùng với các cơ chế chính sách mang tính đột phá, việc đầu tư các công trình giao thông trọng điểm đã tạo thế và lực cho Quảng Ninh liên tục đạt sự tăng trưởng kỷ lục.
Cụ thể, Quảng Ninh đã giữ vững được tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 2 con số từ năm 2017 đến nay. Trong 9 tháng năm nay, GRDP của Quảng Ninh đạt gần 10%, tạo nền tảng vững chắc phấn đấu cả năm 2023 đạt trên 10%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9 tháng ước đạt 41.178 tỷ đồng, tăng 5% cùng kỳ, nằm trong nhóm các địa phương đứng đầu cả nước và đã hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội, con người của cả giai đoạn 2020-2025…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận