Nhiều nhà đất công bỏ hoang lãng phí
Ngày 1/8/2008 là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của Thủ đô, khi tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) chính thức sáp nhập vào Hà Nội.
Sau 15 năm thực hiện mở rộng, kinh tế - xã hội của Thủ đô đã có những thành tựu phát triển nhất định nhưng cũng còn không ít tồn tại. Đặc biệt là tình trạng nhiều trụ sở, cơ quan Nhà nước sau khi sáp nhập bị bỏ hoang.
Các cơ sở thuộc tỉnh Hà Tây cũ, đặt tại quận Hà Đông là một điển hình. Trên phố Tô Hiệu (Hà Đông) 2-3 cơ quan cũ của Hà Tây bỏ hoang lãng phí sau khi giáp nhập địa giới hành chính Hà Tây vào Hà Nội.
Đơn cử như nhà số 32 trước đây là trụ sở của Đài phát thanh truyền hình Hà Tây hay nhà số 30 là trụ sở của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cả hai trụ sở từng là cơ quan Nhà nước, thuộc tài sản công sau thời gian không sử dụng đã có hiện tượng xuống cấp. Tường nhà bong tróc, sơn ngả màu, bám rêu mốc. Khuôn viên bỏ hoang cỏ mọc um tùm.
Cách đó không xa, trụ sở của Cục Thống kê TP Hà Nội cơ sở II với hàng chục kiot nằm ngay mặt đường, đắc địa để kinh doanh cũng đang cửa đóng then cài trước sự tiếc nuối của người qua đường.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, tính đến ngày 31/12/2023, tổng số cơ sở nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị của thành phố quản lý, sử dụng thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là 6.764 cơ sở. Trong đó, khối sở, ban, ngành là 1.202 cơ sở; khối quận, huyện, thị xã là 4.520 cơ sở; khối doanh nghiệp Nhà nước là 1.042 cơ sở. Hiện số cơ sở nhà, đất đã được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý là 6.018 cơ sở (chiếm tỉ lệ khoảng 90%), còn lại 746 cơ sở đang tiếp tục giải quyết.
Theo Bộ Tài chính, hiện cả nước có gần 88.000 cơ sở nhà, đất công giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà ở địa phương. Quỹ nhà chuyên dùng, tức không sử dụng vào mục đích ở, bắt nguồn từ việc tiếp quản sau giải phóng Thủ đô, Miền Nam; hay nhà, đất được xác lập sở hữu toàn dân; hoặc được nhận giao lại từ chủ đầu tư các khu đô thị mới.
Số tài sản này chưa được khai thác hiệu quả là do pháp luật chỉ có cơ chế xác định giá cho thuê nhà, đất để ở. Còn với quỹ nhà, đất chuyên dùng (tức không dùng để ở) lại chưa có cách tính giá khi cho thuê.
Do đó, Nghị định 108/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác với mục đích: cho thuê nhà (gắn với quyền sử dụng đất); tạm quản lý trong thời gian chờ thực hiện xử lý nhà, đất là cơ sở pháp lý để đưa các tài sản này vào khai thác.
Khai thác tài sản công hiệu quả, đúng quy định
Nghị định 108 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất phải đảm bảo hiệu quả, giải quyết được nhu cầu về nhà, đất phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
Việc giao nhà, đất cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quản lý, khai thác được thực hiện theo hình thức ghi tăng tài sản và giá trị tài sản không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất phải được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán theo quy định của pháp luật; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất cần được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Nghị định cũng quy định, hoạt động cho thuê nhà (gắn với quyền sử dụng đất) của tổ chức quản lý, kinh doanh nhà thực hiện theo phương thức đấu giá, trừ các trường hợp thực hiện theo phương thức niêm yết giá...
Tổ chức, cá nhân được tổ chức quản lý, kinh doanh nhà cho thuê nhà có trách nhiệm nộp đầy đủ số tiền thuê nhà cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà theo đúng thời hạn quy định tại Hợp đồng thuê nhà. Trường hợp quá thời hạn thanh toán mà tổ chức, cá nhân thuê nhà chưa thanh toán hoặc thanh toán chưa đầy đủ thì phải nộp khoản tiền chậm nộp cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận