Đô thị

Hà Nội: Sau cao điểm xử lý, xe tự chế vẫn nghênh ngang diễu phố

16/07/2024, 14:00

Dù lực lượng chức năng nỗ lực xóa bỏ hoạt động xe ba bánh, tự chế song loại phương tiện này vẫn nhan nhản trên đường phố Thủ đô, gây mất trật tự ATGT.


Ngang nhiên hoạt động

Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, sau 3 tháng triển khai thực hiện kế hoạch 51 tăng cường xử lý xe ba bánh, tự chế trên địa bàn (từ ngày 14/3 - 14/6), lực lượng chức năng đã xử lý 6.427 trường hợp, phạt tiền hơn 11 tỷ đồng gồm: 2.512 trường hợp xe ba, bốn bánh tự sản xuất lắp ráp; 3.865 trường hợp xe mô tô vi phạm chở hàng cồng kềnh, kéo theo xe khác, vật khác, tạm giữ 2.562 phương tiện.

Hà Nội: Sau cao điểm xử lý, xe tự chế vẫn nghênh ngang diễu phố- Ảnh 1.

Xe ba bánh chở hàng cồng kềnh vô tư đi vào làn buýt nhanh BRT.

Tuy nhiên, ghi nhận của PV Báo Giao thông, tình trạng xe tự chế lưu thông trên đường vẫn rất phổ biến.

Khoảng 9h sáng ngày 13/7, trên tuyến Láng Hạ, đoạn qua cầu vượt giao với phố Thái Hà, một chiếc xe ba bánh không biển số, trên xe chất đầy cửa kính khung kim loại nhưng chủ xe chỉ chằng buộc qua loa, nghênh ngang lưu thông. Bên thành xe có dán số điện thoại 03392017xx.

Mặc dù lưu thông ở khung giờ sau cao điểm, song lái xe vẫn di chuyển vào làn buýt nhanh BRT rồi phóng với tốc độ nhanh, thậm chí vượt đèn đỏ để đi về phía đường Giảng Võ trước sự bức xúc của nhiều người đi đường. 

Trên đường Đê La Thành, chỉ khoảng 10 phút ở đây, PV chứng kiến có tới vài chục chiếc xe loại ba bánh tự chế đến các cửa hàng để vận chuyển sắt thép, đồ nội thất. 

Việc xe ba bánh đua nhau chở hàng khiến tuyến đường nhỏ hẹp liên tục ùn tắc, dù không phải giờ cao điểm. 

Lúc 16h chiều cùng ngày, PV tiếp tục ghi nhận nhiều xe tự chế không biển số chở đầy những tấm tôn, sắt khối sắc nhọn, dài gấp đôi chiều dài của xe, chạm cả xuống mặt đường.

"Không hiểu sao giờ này "hung thần đường phố" vẫn hoạt động nhan nhản. Tôi thấy xe ba bánh, tự chế cũ chở hàng cồng kềnh chạy rất nhanh, mất ATGT. 

Nhiều vụ tai nạn giao thông do loại xe này gây ra nhưng đến nay Hà Nội vẫn chưa xử lý triệt để", chị Nguyễn Phương Thảo (Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ. 

Xử lý nghiêm, không du di

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho hay, từ giữa tháng 3, Công an thành phố đã ban hành Kế hoạch số 51 triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường xử lý các hành vi vi phạm liên quan xe ba, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp, xe mô tô kéo theo xe khác, vật khác.

Hà Nội: Sau cao điểm xử lý, xe tự chế vẫn nghênh ngang diễu phố- Ảnh 2.

Trên đường Đê La Thành chiếc xe tự chế ung dung di chuyển kèm theo nỗi sợ hãi của người đi đường.

"Chúng tôi đặc biệt xử nghiêm các trường hợp xe ba, bốn bánh tự sản xuất lợi dụng mác thương binh, người có công. 

Cùng đó vận động đối tượng chính sách ký cam kết không tự ý giao phương tiện cho người không được phép điều khiển", vị này nói và cho biết thêm, công an các quận, huyện, thị xã đã yêu cầu các cơ sở cơ khí trên địa bàn không sản xuất, sử dụng các phương tiện tự chế không bảo đảm an toàn giao thông.

Đại diện Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng thông tin, đơn vị thường xuyên xử lý xe ba bánh, tự chế ở các điểm ra vào thành phố như khu vực Đại lộ Thăng Long, QL32. 

"Chúng tôi sẽ quyết tâm xử lý nghiêm, không du di", vị này khẳng định.

Theo ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hà Nội, phần lớn các thương binh, bệnh binh sử dụng xe ba bánh tự chế tham gia kinh doanh vận tải có độ tuổi từ 60 trở lên và số người trực tiếp điều khiển xe không nhiều. Đa số lái xe loại này là các đối tượng giả danh.

"Hà Nội đã nghiên cứu rất nhiều giải pháp hỗ trợ thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đảm bảo cuộc sống để tự nguyện từ bỏ sử dụng xe ba bánh tự chế. 

Chính quyền đã nỗ lực hết sức, nhưng có tới hơn 70% thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đang sử dụng xe ba bánh muốn giữ lại xe thay vì được hỗ trợ theo các ưu đãi thành phố đưa ra", ông Tuyển nói. 

TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng, để chấm dứt tình trạng xe ba bánh, tự chế chở hàng cồng kềnh, ngoài việc xử lý trên đường, cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng.

Chẳng hạn như Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện cần phối hợp với Sở GTVT Hà Nội rà soát các đối tượng chính sách, tuyên truyền, vận động không sử dụng phương tiện tự chế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.