Lễ Quốc khánh năm nay được nghỉ tới 4 ngày. Các hãng bay thêm khách. Các điểm du lịch khách đặt phòng tăng cao. Ở TP.HCM, sáng 30/8 đã xuất hiện tình trạng kẹt xe trên đường Võ Nguyên Giáp (xa lộ Hà Nội). Coi bộ bà con về quê sớm.
Năm nào lễ, Tết cũng điệp khúc chen nhau vật vã về quê rồi vật vã trở lại thành phố. Đúng thôi, làm lụng nhiều tháng, được nghỉ vài ngày chạy về thăm ông bà cha mẹ, thăm con thăm cái. Người Việt nặng tình. Có vất vả nhưng có niềm vui.
Chuyện đó không phải hành xác. Hành xác là chuyện chơi tẹt ga, nhậu tẹt ga, thâu đêm suốt sáng...
Chưa lễ nhưng tôi nhận rất nhiều tin nhắn... đặt cọc: "Lễ đi đâu không? Có mồi bén nè...". Tức là nhậu. Đồng nghiệp: nhậu. Bạn học cũ: nhậu. Trong xóm: nhậu. Bạn mới làm quen: nhậu. Trước lễ: nhậu. Trong lễ: càng nhậu. Sau lễ đi làm gặp lại: nhậu tiếp.
Nhậu bã cả người, mặt mũi vêu vao. Nói là "nghỉ lễ" nhưng có rất ít người nghỉ ngơi. Phần lớn là cho phép mình xả ga, uống tới bến. Không những không chăm sóc bản thân, nghỉ để lấy sức đi làm tiếp mà đây là dịp bạc đãi bản thân.
Theo báo cáo của trang mạng Vietnam-Briefing, mức tiêu thụ bia rượu của người Việt trong năm 2022 là 3,8 triệu lít bia, chiếm 2,2% lượng rượu bia tiêu thụ toàn cầu, đứng thứ 9 và đứng đầu Đông Nam Á. Hình như không có nhãn bia nào mà không có ở Việt Nam.
Báo chí trong nước đưa: Năm 2014, người Việt chi 3 tỉ USD cho rượu bia và con số này là 6,5 tỉ USD trong năm 2022. Năng suất lao động thuộc loại kém nhất trên thế giới nhưng bia rượu lại thuộc loại bài sơn đảo hải như thế này trên hành tinh này chắc chỉ có người Việt.
Bia bọt rẻ và nhiều. Mua đâu cũng có. Con nít mua cũng bán. Ở Mỹ và Philippines 21 tuổi mới đủ tuổi uống rượu hợp pháp, các nước khác phải 18 tuổi mới được mua rượu và được giám sát rất kỹ. Ở mình thì tẹt ga không ai giám sát. Đã vậy trên bàn nhậu thường hay tán dương ngưỡng mộ nhau "thằng này mấy chai, con kia mấy thùng". Nhiều ông làm việc thì ì ạch, bảo phát biểu thì ngậm tăm nhưng ra bàn nhậu là linh hoạt hẳn lên.
Từ nhiều năm nay, Chính phủ có chỉ đạo "không được rượu bia trong giờ hành chính". Là nói vậy thôi, tôi vẫn được nhiều lãnh đạo mời nhậu trong giờ hành chính đây. Hàng rào kỹ thuật thì đầy, nhưng dựng lên cho có vậy thôi. Hình thức là cái bệnh trầm kha rồi.
Rượu bia quá đà không chỉ tiêu tốn tiền bạc mà nặng nề nhất là di căn vào sức khoẻ. Ban đầu thì uể oải, bệ rạc. Lâu dài thì đầu óc chai lì, sáng tạo kém. Nặng nữa thì ảo giác, là bệnh gan, bệnh thận. Ông nào cũng tìm thuốc cường dương nhưng bảo giảm rượu bia và tập thể dục là lảng ngay.
Rượu bia dịp lễ lạt còn gây bao hệ lụy về tai nạn giao thông, ẩu đả đánh nhau bươu đầu mẻ trán. Cứ dịp lễ, Tết là khoa cấp cứu các bệnh viện lớn lên kế hoạch tăng ca tăng kíp, huy động nhân lực vật lực, căng mình chờ "thần men đại hiệp"...
Rượu bia quá đà là bạc đãi bản thân, là nuông chiều... dục vọng. Chê đệ tử lưu linh là đúng rồi nhưng nói qua cũng phải nói lại: các thiết thế văn hoá, dịch vụ văn hoá ở các đô thị nước ta còn quá nghèo nàn và số lượng ít. Bảo nghỉ lễ đi bảo tàng, đi nhà hát đúng là... chẳng còn gì chán hơn. May ra thì có rạp phim nhưng đầu phim thường rất nghèo nàn. Vậy là vùi đầu nhậu!
Thôi thì dịp lễ này bớt bia rượu lại đi, đừng hành xác, bạc đãi bản thân.
Đứng đầu ASEAN hay đứng thứ 9 trên thế giới về chuyện nốc rượu bia chẳng có gì hay ho mà là đáng xấu hổ.
Xấu hổ nhất là dịp lễ, Tết, khắp hang cùng ngõ hẻm đâu cũng nghe "Dzô! Dzô!...". Với tôi, đó là tiếng hô rất dị hợm.
Tôi cũng thuộc loại "thần men". Nhưng tôi nghĩ, biết điều chỉnh thì mới là "đại hiệp".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận