Những ngày tháng 7, ở khắp các huyện miền ngược Quảng Ngãi, hình ảnh những thợ hồ, thợ nề khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện đang miệt mài làm đường, dựng nhà dưới cái nắng chói chang khiến người dân vô cùng cảm kích…
Những thợ hồ đặc biệt mở đường nơi rẻo cao
Mặt trời còn chưa ló rạng, bên dưới chân núi Cao Muôn, gần 150 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đã khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện với đầy đủ dụng cụ thi công đường như cuốc, xẻng, bàn chà, xe rùa… sẵn sàng ở khu vực thi công tuyến đường đất dẫn vào thôn Huy Ba 2.
Đoàn viên thanh niên tham gia xây dựng đường bê tông nông thôn ở thôn Huy Ba 2, xã Ba Thành.
Sau vài ba phút phân công nhiệm vụ, dưới sự hướng dẫn của các thợ hồ chuyên nghiệp, nhóm bạn trẻ bắt tay vào việc. Người căng chỉnh dây, người đào đất, người đẩy xe rùa để cải tạo mặt bằng nền đường.
Cạnh đó, một nhóm bạn trẻ đang sửa soạn mặt bằng khu vực đặt cối trộn bê tông chuẩn bị mẻ trộn thi công đường. Trên công trường tiếng cười nói rộn ràng, mỗi tổ nhóm mỗi nhiệm vụ khác nhau cứ thế tăm tắp vào guồng.
Sau hơn 2 giờ đồng hồ, mặt đường đã hình thành, những khoảnh bê tông đầu tiên được di chuyển đến vị trí thi công nền đường.
Dù chưa từng cầm bay, bàn chà, thế nhưng những “thợ hồ đặc biệt” đã bắt nhịp nhanh đến độ những thợ hồ chính hiệu cũng phải gật gù tấm tắc khen ngợi.
Nắng trên đỉnh đầu bỏng rát, những khuôn mặt trẻ măng nhễ nhại mồ hôi nhưng khí thế đào đất mở đường vẫn hừng hực. Hơn 150 đoàn viên thanh niên miệt mài bám công trường với mong muốn khoác lên cho con đường đất “tấm áo mới”, giúp người dân bớt khổ khi mùa mưa sắp đến.
Anh Phạm Văn Chính cùng các bạn trẻ trộn mẻ bê tông cho hay vừa từ trường ở Đà Nẵng về nhà thì nghe Huyện đoàn phát động chiến dịch Mùa hè xanh nên đã tình nguyện tham gia.
“Tuy công việc khó nhọc và thời tiết nắng nóng nhưng ai cũng hăng hái tham gia. Bà con thấy tụi mình xung phong mở đường thì vui lắm. Dù mệt nhưng chỉ mong góp phần để bà con đi lại an toàn, trẻ em đến trường không phải lấm lem bùn đất là vui rồi”, anh Chính tâm sự.
Đoàn viên thanh niê khiêng xi măng từ điểm tập kết đến máy trộn bê tông làm đường.
Sau hơn 2 ngày miệt mài thi công, tuyến đường bê tông nông thôn dài gần 500m nối trung tâm xã Ba Thành với Huy Ba 2 đã hoàn thiện. Con đường đất gồ ghề, hư hỏng ngày nào nay đã được "thay áo mới”.
Trưởng thôn Huy Ba 2 Phạm Văn Đặc xúc động chia sẻ, từ lâu rồi người dân nơi đây mong mỏi một con đường bê tông kiên cố để đi lại thuận lợi mà đến giờ mong ước ấy mới thành sự thật.
“Các bạn trẻ đã không quản ngại khó khăn, vất vả giúp người dân có con đường mới. Bà con rất vui mừng và cảm kích vì từ nay không còn phải đi lại trên con đường sình lầy, con cái đi học không phải nhờ bố, mẹ cõng như trước nữa”, ông Đặc bày tỏ.
Dựng nhà cho đồng bào Ca Dong nơi vùng sạt lở
Ở xã miền biên viễn Sơn Long, huyện Sơn Tây - nơi có hơn 80% dân số là đồng bào Ca Dong. Cái nắng như đổ lửa không cản nổi sức trẻ, lòng nhiệt huyết của các ĐVTN là sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Dưới bóng nắng lấp loáng chỉ thấy những chiếc khăn rằn quấn phủ kín đầu, không thấy mặt ai nhưng tiếng miệt mài đục gỗ, tiếng cười nói, khuân vác vật liệu vang vọng cả khoảng không gian rộng lớn.
Sinh viên Đoàn Quốc Bảo cho biết mình tham gia chiến dịch Mùa hè xanh do Đoàn trường phát động. Trong tâm thức của Bảo cùng các bạn trẻ khác chỉ nghĩ rằng nơi mình đến sẽ khó khăn, song đến nơi mới thực sự cảm nhận được khó khăn vượt ngoài suy nghĩ.
Các bạn trẻ ĐVTN trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng dựng nhà mới cho người dân vùng sạt lở Sơn Long.
“Bà con nơi đây rất nghèo, nhà cửa ọp ẹp, có hộ còn sống trong cănnhà tạm. Đường giao thông đa phần là đường đất.
Qua khảo sát và triển khai công việc chúng em bắt tay vào dựng nhà cho các hộ dân. Ban đầu có những khó khăn vì lần đầu tiên làm… thợ nề. Thế nhưng, qua hướng dẫn của các bác thợ chuyên nghiệp, những ngôi nhà sàn dần nên hình nên dáng. Nhìn thấy bà con được làm nhà mới với nụ cười mãn nguyện mà lòng mình vui khó tả”, anh Bảo tâm sự.
Khu tái định cư Măng Lăng - nơi các chiến sỹ Mùa hè xanh Đại học Bách khoa Đà Nẵng đang tu sửa nhà cho dân là điểm tái định cư dành cho hàng chục hộ dân bị sạt lở núi vùi lấp vào năm 2020. Trận sạt lở núi kinh hoàng đã “nuốt chửng” khu làng cũ nơi người dân sinh sống hàng chục năm qua.
Những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt các bạn trẻ sau những ngày chung tay dựng lại nhà cho bà Đinh Thi Vè cuối cùng cũng mang lại thành quả. Bà Vè cứ đi lại bên ngoài ngắm nhìn ngôi nhà mới mà lòng vui như mở cờ.
Bà Vè tâm sự: Mấy năm qua tôi sống tạm ở nhà người thân. Đầu năm 2023 địa phương chia đất tái định cư nhưng nghèo quá chưa có tiền mua gỗ, tôn để dựng lại nhà. Vừa rồi cán bộ xã thông báo gia đình được hỗ trợ để dựng nhà, tôi nghe tin mà khấp khởi mừng.
“Giờ ngôi nhà đã hình thành, cả gia đình có nơi ở để ổn định cuộc sống. Tôi cảm ơn các cháu tình nguyện viên rất nhiều. Không có các cháu chắc còn lâu gia đình tôi mới dựng được nhà để ở”, bà Vè xúc động.
Với màu áo xanh tình nguyện, các ĐVTN chung tay dựng lại nhà mới kiên cố cho bà con dân tộc Ca Dong nơi vùng sạt lở thôn Ra Pân, xã Sơn Long.
Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cho biết, bên cạnh những hỗ trợ từ địa phương thì việc chung tay, tiếp sức của các thanh niên tình nguyện đã góp phần giúp hàng chục trường hợp ở địa phương được dựng lại nhà mới, sửa sang, gia cố nhà cũ tạm bợ trở nên kiên cố hơn.
“Không những vậy, các bạn trẻ còn tham gia thi công làm mới 3 tuyến đường giao thông nông thôn dẫn vào các ngõ xóm với chiều dài khoảng 500m.
Là sinh viên lại ít va chạm với công việc chân tay mệt nhọc trong thời tiết khắc nghiệt song các bạn không quản ngại khó khăn, luôn nhiệt tình và làm việc hăng say, sáng tạo.
Lãnh đạo địa phương và người dân ghi nhận, biết ơn những đóng góp tích cực của những người thợ áo xanh tình nguyện ở Đại học Bách khoa Đà Nẵng”, ông Vượt nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận