Ngày 7/7, theo giờ địa phương, tại trụ sở của IMO ở London (Anh), các nước IMO đã nhất trí mục tiêu trung hòa khí thải trong ngành hàng hải quốc tế trước hoặc vào khoảng năm 2050, đồng thời đặt ra các mốc thấp hơn vào năm 2030 và 2040.
Cụ thể, IMO nhất trí cắt giảm tổng lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính hằng năm của ngành "ít nhất 20%, phấn đấu 30% vào năm 2030" và "ít nhất 70%, phấn đấu 80%, đến năm 2040" so với mức năm 2008.
Cùng ngày, ông Farhan Haq – người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres cho biết: “Tổng thư ký hoan nghênh quyết định của IMO. Đây là bước đi tích cực nhưng mới chỉ là bắt đầu”.
Phần lớn trong số 100.000 tàu chở hàng trên thế giới - chuyên chở 90% hàng hóa của thế giới - sử dụng nhiên liệu dầu diesel, gây ô nhiễm cao (ảnh: Reuters).
Theo ông Haq, cần đưa ra và thực hiện sớm nhất các chính sách kinh tế và kỹ thuật, cũng như các quy định nhằm đạt các mục tiêu này và ủng hộ một cuộc chuyển đổi đúng đắn và công bằng (bao gồm mức thuế carbon).
Ông nhấn mạnh: “Giờ đây các chính phủ và doanh nghiệp đã có kế hoạch, cần khẩn trương hành động với các khoản đầu tư cần thiết cho các loại tàu và nhiên liệu không phát thải, cơ sở hạ tầng cảng và nâng cao kỹ năng cho nguồn nhân lực”.
Hiện nay, phần lớn trong số 100.000 tàu chở hàng trên thế giới - chuyên chở 90% hàng hóa của thế giới - sử dụng nhiên liệu dầu diesel, gây ô nhiễm cao.
Do đó, vận tải hàng hải là một trong số những ngành phát thải CO2 lớn nhất, gần bằng ngành hàng không.
Theo LHQ, lượng khí phát thải CO2 của ngành vận tải biển chiếm khoảng 3% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu, song ngành này vẫn chưa thực hiện đủ nỗ lực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận