2.000m2 đất bị chìm trong nước
Ghi nhận tại hiện trường, đoạn sạt lở có chiều dài khoảng 130m. Trong đó, đoạn bị sạt lở nhiều dài 80m, ăn sâu vào đất liền từ 20 đến 30m.
Vụ sạt lở nghiêm trọng này không gây thương vong về người nhưng đã nhấn chìm diện tích đất khoảng 2.000m2, ảnh hưởng cuộc sống của 5 hộ dân với khoảng 20 nhân khẩu.
Là một trong số những hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở, ông Nguyễn Hoài Ơn (ngụ phường 11, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, ngay tại vị trí xảy ra sạt lở, trước đó không có dấu hiệu rạn nứt.
Bất ngờ trưa 4/10, xảy ra sụt lún khiến phần đất khoảng 200m2 của gia đình và một số tài sản có trên đất bị nước cuốn trôi. Nhớ lại cảnh tượng này, ông vẫn chưa hết lo lắng và bất an dù đã được di dời đến nơi an toàn.
"Sau khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang đến hỗ trợ di dời một số vật dụng, tài sản của gia đình. Trong thời gian chờ ngành chức năng khắc phục, để đảm bảo an toàn, gia đình tôi đến ở nhờ nhà người thân", ông Ơn nói.
Cũng bị ảnh hưởng bởi sạt lở, chị Phạm Thị Lan (ngụ phường 11, thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho hay, vụ sạt lở diễn ra bất ngờ nên tới thời điểm này, chị vẫn còn lo sợ. Những ngày qua, chị cùng gia đình đã chuyển lần lượt tài sản giá trị đến nơi khác.
"Trước mắt, gia đình tôi ở tạm nơi khác để đảm bảo an toàn. Về lâu dài, tôi và nhiều người dân trong khu vực mong muốn chính quyền và các đơn vị liên quan sớm triển các công trình bảo vệ, ngăn chặn sạt lở để người dân an tâm sinh sống", chị Lan cho biết.
Khẩn trương khắc phục sạt lở
Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngay sau khi sạt lở xảy ra, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cùng các đơn vị liên quan đã có mặt ở hiện trường, chỉ đạo các sở, ngành liên quan khắc phục tạm thời.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với UBND thành phố Cao Lãnh rà soát, kiểm tra cụ thể hiện trạng khu vực sạt lở và các khu vực lân cận.
Đồng thời, phối hợp với Viện Kỹ thuật biển đo đạc lòng dẫn khu vực sạt lở và diễn biến đường bờ khu vực sạt lở và triển khai phương án khắc phục tạm thời là trải vải địa kỹ thuật, thả đá rối tạo mái nhằm hạn chế sạt lở tiếp diễn.
Ngoài ra, lực lượng tại chỗ của địa phương đã phối hợp với lực lượng Quân sự, Biên phòng hỗ trợ khắc phục, di dời tài sản của những hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho hay, khu vực sạt lở đã được khắc phục tạm thời. Các lực lượng tại chỗ hỗ trợ đơn vị thi công thực hiện trải vải địa, thả khoảng 150m3 đá rối xuống khu vực sạt lở.
Sau khi thả đá, đơn vị thi công chỉ huy lực lượng thợ lặn tiến hành lặn kiểm tra, cơ bản khống chế và không để sạt lở phát sinh.
"Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với đơn vị liên quan rà soát, đề xuất UBND tỉnh giải pháp khắc phục nhằm ổn định lâu dài cho khu vực", lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm.
Trong đó, đoạn sạt lở nghiêm trọng dài 80m, ăn sâu đất liền khoảng 20 đến 30m, diện tích khoảng 2.000m2. Tại khu vực sạt lở có 5 hộ dân gồm 20 nhân khẩu đang sinh sống. Vụ sạt lở không gây thương vong về người, chỉ thiệt hại một số tài sản của người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận