Ế khách hàng, ế mặt bằng
Nếu như trước đây, nói đến phố Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội), người tiêu dùng hình dung ngay đến hình ảnh một trung tâm thời trang.
Trên con phố ngắn chỉ khoảng 1km, tập hợp hàng trăm cửa hàng buôn bán quần áo, phụ kiện, lúc nào cũng tấp nập khách. Xen giữa các shop quần áo là các cửa hàng giày dép, son phấn.
Hai cửa hàng trên phố Chùa Bộc đóng cửa.
Giao thông thay đổi, thói quen tiêu dùng thay đổi dẫn đến thị trường phải sắp xếp lại các ngành hàng mặt phố. Ngành hàng mạnh, đủ sức chi trả thì sẽ ra mặt phố, ngành hàng nào không phù hợp thì rút vào.
Quá trình đó, sẽ có nhiều diện tích bỏ trống, chủ nhà nào chấp nhận xuống giá thì lấp đầy, chủ nhà nào còn giữ giá thì phải chờ, khi thị trường ổn định mới có câu trả lời cuối cùng.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Công ty Nhà Ở Ngay
Tuy nhiên, dạo gần đây, con phố này đã không còn tập trung phục vụ nhu cầu thời trang, làm đẹp như trước mà kinh doanh đủ loại.
Xen giữa các gian hàng quần áo, hàng tiêu dùng là những căn nhà cửa đóng then cài treo biển cho thuê. Cảnh khách ra vào tấp nập đã không còn như trước.
Tương tự, tại phố Thái Hà sát gần đó, trước đây có tới hàng chục cửa hàng bán điện thoại, máy tính thì nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Thay vào đó là cửa hàng thời trang, rượu vang, đồ thờ… Đáng chú ý là nhiều tòa nhà lớn trên dãy phố này cũng treo biển cho thuê từ lâu.
Gõ từ khóa tìm kiếm “cho thuê nhà mặt phố Thái Hà” trên công cụ tìm kiếm google, PV nhận được 49 kết quả rao vặt vừa đăng “hôm nay”.
Trong đó, nhiều thông tin rao cho thuê toàn bộ căn nhà, diện tích mỗi sàn từ 60 - hơn 100m2, mặt tiền rộng 5-7m, giá thuê từ 40 đến hơn 250 triệu đồng/tháng.
Đơn cử như 3 sàn tòa MB gần chục tầng, diện tích mỗi sàn 70m2, mặt tiền 5m chào thuê 80 triệu đồng/tháng. Căn nhà 5 tầng, diện tích 70m2/tầng, mặt tiền 7m chào thuê 110 triệu đồng/tháng...
Theo ghi nhận, tình trạng nhà mặt phố bị bỏ trống, treo biển cho thuê đang ngày một lan rộng tại nhiều quận nội thành của Hà Nội như: Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình...
Trong đó, có không ít cửa hàng hai bên đường khu phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm, nơi được mệnh danh “đất kim cương”, giá thuê tính bằng USD như Hàng Gai, Hàng Ngang, Hàng Bạc...
“Giờ giao dịch qua online là chính, có shipper giao tận nhà, tiện cho cả người mua lẫn người bán. Thế nên, việc thuê cửa hàng lấy địa chỉ là chính thôi, mặt bằng rộng không cần thiết vì không gánh nổi chi phí”, anh Nguyễn Văn Thái, chủ cửa hàng Network trên đường Thái Hà thổ lộ, khi được hỏi về tình trạng vắng khách hiện nay.
Còn chị Nguyễn Hoài Ngọc, chủ quán cà phê trên phố Lý Nam Đế, Hà Nội cho hay, chị đang chờ hai tháng nữa hết hạn hợp đồng để trả nhà. Hiện, tiền thuê mỗi tháng là 60 triệu đồng.
“Trước đây, khi có khách, doanh thu cũng được hơn 100 triệu, trừ tiền thuê người làm, mặt bằng, lãi thu về khoảng 15-20 triệu đồng. Nhưng giờ kém khách, mỗi ngày chỉ nhặt nhạnh được khoảng 2 triệu đồng, vỏn vẹn đủ trả tiền nhà”, chị Ngọc than thở.
Chủ nhà quyết giữ giá
Một chủ nhà trên phố Bà Triệu chào cho thuê cửa hàng.
Về phía các chủ nhà mặt phố cho thuê, nhận thấy tình hình kinh doanh không còn khả quan như trước, một số đã chủ động giảm giá.
Anh Hoàng Văn Long, chủ một căn nhà 3 tầng cho thuê ở mặt phố Bà Triệu cho biết, đã quyết định giảm giá thuê từ 160 triệu đồng/tháng (7.000 USD) xuống 115 triệu đồng/tháng (5.000 USD), cam kết không tăng giá ba năm, với mong muốn lấp chỗ trống mặt bằng đã để không hơn hai tháng nay.
Tuy nhiên, anh Long chỉ là một trong số ít những chủ nhà chấp nhận xuống giá để tìm khách thuê. Bởi theo anh Trần Văn Tiệp, Giám đốc Công ty Bất động sản Hà Thành, chuyên môi giới nhà đất khu Hoàn Kiếm, nhiều chủ nhà vẫn kỳ vọng giữ giá và có những yêu cầu cao trong bối cảnh hiện nay. Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, công ty anh cũng chỉ giới thiệu được hai khách.
“Họ giữ nguyên giá thuê gần trăm triệu mỗi tháng, đóng cọc trước tiền thuê từ 1-6 tháng. Nếu như cách đây khoảng 3 năm thì điều kiện trên là phù hợp. Nhưng nay khó khăn quá, giữ điều kiện đó khó khách nào đáp ứng nổi. Chưa biết bán được không đã mất ít nhất nửa tỷ, ai dám thuê”, anh Tiệp nói.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhu cầu thuê đối với mặt bằng bán lẻ nhà phố có xu hướng giảm, xuất hiện nhiều trở lại hiện tượng trả lại mặt bằng do tình hình kinh doanh ảm đạm và chi phí thuê mặt bằng cao.
Nhìn nhận dưới góc độ thị trường, ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Công ty Nhà Ở Ngay cho rằng, TP Hà Nội cũng như nhiều thành phố sôi động khác đang trong quá trình phát triển, quy hoạch, mở rộng đường. Điều này đã tạo ra sự sắp xếp lại các ngành hàng, phá vỡ quy luật truyền thống “buôn có bạn, bán có phường”.
Ví dụ phố Chùa Bộc, tuyến đường này khi được mở rộng đã tạo ra những diện tích nhỏ hoặc rộng hơn từ việc kết hợp các căn nhà siêu mỏng, siêu méo.
Sự biến đổi về diện tích và mặt tiền đã tạo ra nhiều nhu cầu mới, từ đó dẫn đến sự thay đổi trong quy luật kinh doanh trên mặt phố.
Ông Huy lý giải, trước đây, một cửa hàng trên phố có diện tích khoảng 40m2 là phù hợp cho kinh doanh thời trang.
Tuy nhiên, hiện nay, các căn nhà mua bán hoặc mở rộng diện tích đã lên đến 100m2, bao gồm cả vỉa hè để xe. Điều này phù hợp cho việc mở quán trà chanh hoặc cửa hàng chuỗi thương hiệu như Cafe Highlands, Cafe Cộng...
“Ngược lại, những cửa hàng rộng trước đó khoảng 60-70m2 đã bị thu hồi và thu nhỏ còn 10-20-30m2 thích hợp cho mở một tiệm bánh ngọt, cửa hàng mũ bảo hiểm chẳng hạn”, ông Huy nói.
Không chỉ thay đổi về diện tích và mặt tiền, thói quen tiêu dùng cũng đã chuyển dịch mạnh. Trước đây, khách hàng phải đến cửa hàng để ngắm nghía, mua sắm, nhưng hiện nay, họ chủ yếu giao dịch trực tuyến. “Nếu chủ nhà vẫn giữ giá thuê như trước, sẽ rất khó có khách”, ông Huy nói.
Trong khi mặt bằng trên các tuyến phố bỏ trống, thì mặt bằng trong các trung tâm thương mại và nhu cầu thuê các trung tâm thương mại ổn định.
Tại Hà Nội giá thuê trung bình toàn thị trường dao động từ 15-25 USD/m2. Tại TP.HCM giá thuê trung bình dao động từ 20-30 USD/m2.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam lý giải, hai phân khúc mặt bằng bán lẻ này phục vụ các nhóm đối tượng khách thuê khác nhau, dẫn đến chiến lược kinh doanh và ngân sách cũng có nhiều khác biệt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận