Hàng hải

Những y tá đặc biệt giữa trùng khơi

22/06/2024, 10:31

Trên những con tàu bị sóng vật tơi tả, thủy thủ cứu nạn giành giật lại sự sống cho người gặp nạn bằng các kỹ năng, động tác không khác gì bác sĩ, y tá.


Gạt sợ hãi cứu người

Tính đến nay, anh Lâm Thanh Bình, thuyền trưởng tàu SAR 274 (Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II) đã có 20 năm gắn bó với nghề cứu nạn hàng hải. 

"Không có từ nào diễn tả được những khó khăn khi cứu người trên biển", anh nói ngắn gọn khi kể về áp lực trong công việc.

Những y tá đặc biệt giữa trùng khơi- Ảnh 1.

Thuyền trưởng Phạm Văn Anh (bên phải) cùng các thuyền viên thực hiện sơ cứu ban đầu cho nạn nhân trong một chuyến cứu nạn.

Theo anh, công việc của thuyền viên cứu nạn không chỉ là vận hành con tàu để chở các bác sĩ, cán bộ y tế ra biển cứu người. 

Họ cũng trực tiếp thực hiện sơ cứu ban đầu cho các nạn nhân để bác sĩ đi cùng tập trung hơn vào chuyên môn.

Theo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam, mức thu nhập của các thủy thủ cứu nạn trên tàu sẽ theo từng chức danh và quy định về hệ thống thang lương, bảng lương Nhà nước, có thêm phụ cấp ưu đãi cho nghề đặc thù. Bình quân thu nhập của thủy thủ cứu nạn dao động từ 15-30 triệu đồng.

Không được đào tạo chuyên môn về y tế nên không phải thuyền viên nào cũng quen với việc tiếp xúc, xử lý các ca bệnh nguy hiểm hay ca chấn thương nặng. 

Có những thuyền viên thấy máu là hoa mắt, tối sầm mặt mũi và không thể thao tác sơ cấp cứu. Cũng có những ca chấn thương khiến họ sốc và ám ảnh.

Một lần, anh Bình được tăng cường cho tàu SAR 412 tham gia cứu nạn một ngư dân đang gặp nguy cấp tại khu vực vùng biển Hoàng Sa. 

Lực lượng cứu nạn ra tới nơi, cơ thể nạn nhân đã tím tái, bị hộc máu ra mũi và miệng. Với tình huống này, việc hô hấp nhân tạo rất khó khăn. Nếu nạn nhân có bệnh truyền nhiễm, còn có thể lây bệnh.

"Bác sĩ đi cùng bị say sóng nên chúng tôi được hướng dẫn sơ cứu. Dù sợ hãi, anh em vẫn lấy hết dũng khí thay phiên nhau hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực cho nạn nhân. 

Bên ngoài, sóng to quật con tàu chao đảo nghiêng ngả", anh Bình nhớ lại và cho rằng, nếu không phải làm nghề cứu nạn, anh không nghĩ mình đủ can đảm làm điều đó. 

Những nỗ lực đã được đền đáp khi nạn nhân cuối cùng đã sống sót.

Một lần khác, anh nhận nhiệm vụ đi cứu nạn một ngư dân bị chấn thương vì va đập. Khuôn mặt của nạn nhân bị chấn thương nặng tới biến dạng. 

Hình ảnh đó khiến anh sốc và sợ hãi. Sau khi tự trấn an, anh và đồng đội lập tức sơ cứu, cầm máu để nhanh chóng đưa bệnh nhân vào bờ.

Y tá say sóng, thủy thủ làm thay

Tại Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực IV (Khánh Hòa), đội ngũ thuyền viên cứu nạn đã quá quen với những chuyến đi mà không có bác sĩ chuyên môn đi cùng.

Những y tá đặc biệt giữa trùng khơi- Ảnh 2.

Việc phải sơ cứu y tế cho các nạn nhân trên các tàu cá chật hẹp luôn là khó khăn với các thủy thủ cứu nạn.

Anh Phạm Văn Anh (Thuyền trưởng tàu SAR 273) cho biết, trước đây, đội ngũ bác sĩ của Trung tâm cấp cứu 115 Khánh Hòa thường cùng tham gia. 

Thế nhưng, do không quen với việc đi biển, hầu hết bác sĩ, y tá đều say sóng, chỉ còn cách hướng dẫn các thủy thủ thực hiện sơ cấp cứu cho các nạn nhân. 

Qua đó, các thuyền viên dần đúc rút kinh nghiệm và thêm thuần thục các thao tác.

Trên tàu luôn có một tổ y tế riêng được lựa chọn từ những thuyền viên có kinh nghiệm, khoảng 4 - 6 người, thực hiện sơ cứu như băng bó, cố định nơi bị thương, cầm máu...

Quen việc là thế, làm nhiều tới mức không nhớ nổi các vụ việc cụ thể, song điều khiến thuyền trưởng tàu SAR 273 khó quên nhất là những chuyến cứu nạn không chỉ có một nạn nhân.

Một trong số đó là vụ nổ bình khí ga trên một tàu hàng nước ngoài tại vùng biển Khánh Hòa khiến bốn người bị thương, một người tử vong. Lần đó, anh Văn Anh trực tiếp trong tổ y tế của tàu SAR 273 tham gia cứu nạn.

Tại hiện trường, ngoài một người đã tử vong, các nạn nhân còn lại người gãy tay, người gãy chân, người gãy cả tay và chân. 

Trong khi đó, tàu cứu nạn chỉ có 2 cáng. Công tác cứu nạn được thực hiện khẩn trương nhất có thể để đưa các nạn nhân lần lượt về tàu chuyên dụng.

"Sơ cứu cho người bị nạn đã khó vì trang thiết bị không đầy đủ, việc vận chuyển cáng xuống tàu còn khó gấp bội. 

Tàu hàng thường cao tới 12 - 13m, anh em vừa leo trèo, vừa phải phải dùng móc để đưa được các nạn nhân xuống tàu chuyên dụng", anh Văn Anh chia sẻ.

Nỗi ám ảnh

Thuyền phó 2 tàu SAR 412 Trần Văn Khôi (Trung tâm Cứu nạn khu vực II) kể, nhiều lần tham gia cứu nạn, song có một tình huống khiến anh ám ảnh mãi không thôi.

Đó là thời điểm cơn bão Xangsane từng càn quét miền Trung vào năm 2006 từng làm 71 người thiệt mạng, 500 người bị thương.

Năm ấy, anh Khôi cùng đội ngũ cứu nạn hàng hải của trung tâm tham gia tìm kiếm cứu nạn đã bị ngợp khi phải tận tay vớt thi thể của những nạn nhân xấu số. 

Nhiều thi thể bị ngâm nước nhiều ngày tới biến dạng. Sau khi đưa thi thể các nạn nhân lên tàu, họ xử lý bằng dầu xả và đưa thi thể nạn nhân vào túi.

"Cả tháng sau, tôi vẫn cảm nhận được mùi dầu xả mùi tử thi và không nuốt trôi được đồ ăn", anh Khôi nhớ lại.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.