Ngày 3/7, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Điện ảnh cho biết, cơ quan chức năng cấm chiếu tác phẩm vì có cảnh "đường lưỡi bò" phi pháp.
Quyết định do Hội đồng thẩm định và phân loại phim Quốc gia đưa ra sau buổi duyệt phim gần đây. Trước đó, phim dự kiến ra mắt trong nước ngày 21/7.
Tạo hình của Margot Robbie và Ryan Gosling trong phim
Theo ghi nhận, hiện trên website, fanpage các hệ thống cụm rạp lớn như Galaxy, CGV, phim bị gỡ bỏ lịch chiếu và các nội dung liên quan. Đại diện Galaxy - đơn vị phát hành phim tại Việt Nam chưa đưa ra phản hồi về sự việc.
Phim "Barbie" được đầu tư kinh phí khoảng 100 triệu USD, do Greta Gerwig làm đạo diễn, kịch bản của Noah Baumbach.
Diễn viên Margot Robbie vào vai búp bê Barbie, sống trong thế giới Barbieland. Một ngày nọ, cô bị loại bỏ khỏi thế giới này, tìm đến thế giới của con người để tìm hạnh phúc, với sự đồng hành của Ken (Ryan Gosling).
Trước "Barbie", nhiều phim cũng từng bị cơ quan chức năng xử lý do có hình ảnh đường lưỡi bò. Tháng 3/2022, phim "Thợ săn cổ vật" bị cấm chiếu tại Việt Nam do có hình ảnh đường lưỡi bò.
Tháng 7/2021, Netflix Việt Nam đã gỡ 6 tập phim "Pine gap" sau khi cơ quan chức năng phát hiện có hình ảnh phi pháp và lên tiếng.
Tháng 7/2020, đơn vị trên cũng gỡ bỏ những hình ảnh vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam trong phim "Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta". Tháng 8/2020, phim "Bà ngoại trưởng" cũng có sai phạm tương tự.
Tháng 12/2019, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phạt CGV 170 triệu đồng vì hình ảnh đường lưỡi bò trong phim "Người tuyết bé nhỏ". Phim được chiếu 10 ngày, trước khi bị rút khỏi các rạp.
Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết bác bỏ bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đối với Biển Đông
Đường “lưỡi bò”, “chữ U” hay “đứt đoạn”... đều là cách gọi khác nhau mà các học giả trên thế giới dùng để chỉ yêu sách của Trung Quốc đối với 80% diện tích của biển Đông, được vẽ sát vào bờ của các quốc gia ven biển Đông như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines.
Đường yêu sách này ban đầu có 11 đoạn, do chính quyền Trung Quốc (Quốc dân đảng) vẽ ra vào năm 1947 và sau đó được CHND Trung Hoa tiếp tục sử dụng nhưng có sửa đổi (bỏ bớt 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ nên chỉ còn lại 9 đoạn).
Đường lưỡi bò này đã bị Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) bác bỏ trong phán quyết năm 2016.
Báo Tuổi trẻ từng dẫn lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán.
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác định phù hợp với quy định Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982.
Theo đó, Việt Nam không công nhận bất kỳ yêu sách biển nào của Trung Quốc dựa trên cái gọi là "đường 9 đoạn" của Trung Quốc tại Biển Đông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận