Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), ở giai đoạn 1, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ xây 6 nút giao lớn, 4 vị trí kết nối ra, vào đường cao tốc.
Trong số 6 nút giao, 4 nút được xây mới là Bến Lức - Long Thành; Tân Vạn; Bình Chuẩn; Tỉnh lộ 10 và 2 nút bổ sung hạng mục là nút cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Cũng theo thiết kế, đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ có 12,75km đường đi trên cao qua TP Thủ Đức (TP.HCM); cầu vượt ngang, cầu vượt trên đường cao tốc, hầm chui tại khu vực giao cắt với đường hiện hữu, đảm bảo giao thông cho các tuyến đường này.
Nút giao đường Vành đai 3 - Tân Vạn (Bình Dương) là điểm đầu, dài 2,4km, đoạn trùng với đường Mỹ Phước Tân Vạn đã xây dựng có quy mô 6 làn xe, dài 15,3km. Ảnh: TCIP
Đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34km (đoạn qua TP.HCM 47,51km; Đồng Nai 11,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,81km). Điểm đầu của dự án là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) và điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Công trình vừa được 3 địa phương (TP.HCM -18/6, Bình Dương - 29/6, Long An - 30/6) khởi công đồng loạt. Riêng, Đồng Nai dời kế hoạch khởi công vào tháng 7 để hoàn tất các thủ tục giải phóng mặt bằng. Dự kiến, cuối năm 2025, đầu năm 2026, TP.HCM thông xe toàn trục lõi trung tâm của tuyến.
Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Trong số này, hơn 41.500 tỷ đồng chi cho giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và gần 26.000 tỷ đồng cho cho xây dựng và thiết bị.
Việc khép kín đường Vành đai 3 sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực. Khi tuyến đường được đưa vào khai thác, phương tiện vận tải liên tỉnh không cần đi qua trung tâm thành phố, khu vực đông dân cư; tiết kiệm được thời gian hành trình, chi phí, tạo thêm hướng kết nối giữa TP.HCM với sân bay Long Thành ngoài cao tốc TP.HCM - Long Thành.
Theo quy hoạch, TP.HCM có 3 tuyến vành đai (2, 3, 4), tổng chiều dài 356km. Đến nay, thành phố chỉ đưa vào khai thác được 71 km (vành đai 2 khoảng 55km, vành đai 3 là 16km), riêng vành đai 4 chưa được đầu tư xây dựng.
Hệ thống đường vành đai TP.HCM có vai trò giải tỏa các luồng xe quá cảnh, kết nối thành phố với các tỉnh lân cận như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh... tăng khả năng kết nối đô thị vệ tinh, phát huy hiệu quả lợi thế các tỉnh, phát triển dịch vụ vận tải liên vùng.
Nút giao đường Vành đai 3 TP.HCM - cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: TCIP
Nhánh nút giao đường Vành đai 3 TP.HCM - cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: TCIP
Nút giao Tân Vạn, đoạn đường Vành đai 3 TP.HCM đi qua Bình Dương. Ảnh: TCIP
Nút giao Bình Chuẩn, thuộc địa bàn TP Thuận An (Bình Dương), với mức đầu tư dự kiến 571 tỷ đồng. Ảnh: TCIP
Nút giao đường Vành đai 3 TP.HCM - Tỉnh lộ 10. Ảnh: TCIP
Nút giao đường Vành đai 3 - cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Ảnh: TCIP
Sơ đồ 6 nút giao đường Vành đai 3 và hướng tuyến. Đồ họa: TCIP
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận