Cảng nước sâu đắt khách
Nhiều tháng trở lại đây, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhộn nhịp hàng chục chuyến tàu mẹ ra vào.
Số lượng tàu tăng, những chuyến tàu có kích cỡ lớn với trọng tải khoảng 200.000 DWT giúp cụm cảng này đang trở thành "ngôi sao" mới của khối cảng biển.
Thống kê của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, trong số 50 tuyến tàu container hàng tuần ghé Cái Mép - Thị Vải, có 22 tuyến dịch vụ tàu mẹ đi thẳng đến Hoa Kỳ và châu Âu.
Hiện nay, Cái Mép - Thị Vải đang xếp thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Singapore) về khả năng cung cấp các tuyến dịch vụ tàu container đi thẳng tới Hoa Kỳ và châu Âu.
Nhưng tàu mẹ chỉ là một phần trong số những con tàu có trọng tải lớn ra vào cảng biển này. Trung bình mỗi năm có hơn 1.600 lượt tàu trọng tải trên 80 nghìn tấn vào và rời cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Mức tăng trưởng hàng hóa tại khu vực cũng ngày càng cao, trung bình trên 20%.
Ông Trần Khánh Hoàng, Phó chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho biết, hiện các hãng đang có xu hướng tăng kích cỡ tàu nhằm tối ưu hóa chi phí khai thác, góp phần giảm chi phí logistics.
Xu hướng dịch chuyển hàng hóa
Theo ông Hoàng, xu hướng tăng kích cỡ tàu khiến các cảng nước sâu có nhiều lợi thế, song có thể gây ra những thách thức nhất định cho khối cảng nằm trong các sông có luồng nông, vị trí không thuận lợi.
Điều này thấy rõ nhất trong xu hướng dịch chuyển hàng hóa từ TP.HCM ra cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Thống kê của Cục Hàng hải VN, tỷ trọng hàng hóa qua cảng biển TP.HCM lại có xu hướng giảm từ 61,8% (năm 2015) xuống 55,1% (năm 2022). Hàng container giảm từ 76,3% (năm 2015) xuống 46,7% (năm 2022).
Trong khi đó, tỷ trọng hàng hóa qua cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng từ 31,7% (năm 2015) lên 36,6% (năm 2022), riêng container tăng từ 19,3% (năm 2015) lên 48,2% (năm 2022).
Theo các chuyên gia, việc dịch chuyển hàng hóa phản ánh phần nào xu hướng tăng kích cỡ tàu của thế giới. Xu thế tăng kích cỡ tàu container 18.000 - 24.000 Teu ngày càng rõ rệt.
Cơ hội nào cho khối cảng sông?
Tháng 9/2024, Công ty CP Cảng Nam Đình Vũ chính thức hoàn thành dự án nâng cấp luồng Hải Phòng (đoạn từ vũng quay tàu cảng container quốc tế Hải Phòng đến cảng Nam Đình Vũ) xuống độ sâu -8.5m.
Theo ông Trần Khánh Hoàng, nhu cầu vận tải nội địa và giao thương giữa Việt Nam với các quốc gia Đông Nam Á hay Trung Quốc rất lớn. Hiện tại và trong tương lai, khối cảng sông có thể đảm nhận vai trò như cảng nội địa và cảng nội Á. Bởi với khoảng cách ngắn, các cỡ tàu vẫn tận dụng mức trung bình và nhỏ.
Theo lãnh đạo Cảng Nam Đình Vũ, điều này giúp các tàu lớn ra vào cảng biển khu vực không phải giảm tải và không tốn thời gian chờ thủy triều, tiết kiệm được 4-5 giờ hành hải.
Có thể nói, nâng cấp luồng hàng hải đang là một trong những hướng đi của nhiều doanh nghiệp cảng biển (nằm trong sông) tại Hải Phòng trong bối cảnh cỡ tàu ra vào khu vực đang tăng gấp 3 lần so với trước đây. Các trọng tải tàu phổ biến hiện khoảng 30.000 DWT, có mớn nước khoảng 8,5m.
Vừa qua, Bộ GTVT đã chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Container Việt Nam (Viconship) nâng cấp luồng Hải Phòng (đoạn từ thượng lưu bến cảng Nam Đình Vũ đến khu vực cảng Nam Hải Đình Vũ).
Công ty CP Cảng Hải Phòng cũng được phép nâng cấp đoạn từ thượng lưu bến cảng Nam Đình Vũ đến bến cảng Đình Vũ với đáy đoạn luồng được nạo vét đến cao độ -8,5m hệ Hải đồ (chuẩn tắc hiện hữu là -7,2m).
Dù vậy, ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam (Visaba) cho rằng, việc nạo vét luồng chỉ có thể thực hiện tại những khu vực quan trọng và thực sự cần thiết.
Hiện nay, quy hoạch cảng biển đã định hướng phát triển ra các khu vực cảng nước sâu và di dời nhiều cảng sông ra khỏi thành phố, tránh ô nhiễm, ùn tắc giao thông. Do đó, khối cảng trong sông cần có những hướng đi khác trong tương lai nếu không đáp ứng được xu hướng của thế giới.
"Các doanh nghiệp hiện nay cạnh tranh sòng phẳng. Nếu không đáp ứng nhu cầu sẽ phải tự chuyển đổi, bằng không sẽ phải tự đào thải khỏi thị trường.
Trường hợp không còn tàu, doanh nghiệp cũng có thể chuyển đổi mục đích kinh doanh. Nếu có nguồn lực, doanh nghiệp cũng có thể đề xuất làm cảng tại các khu vực đã được quy hoạch", ông Long nói và gợi ý khối cảng sông có thể tính đến việc phát triển các bến tàu khách du lịch, bến du thuyền, hoặc thành các cảng chuyển tải để phục vụ cho cảng nước sâu.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Visaba, việc chuyển đổi thành các cảng chuyển tải không phải khu vực nào cũng thuận lợi.
Đồng tình sẽ có những cảng gặp khó khăn trước xu hướng này, song ông Trần Khánh Hoàng cho rằng, phân khúc cảng nước sâu và cảng sông vẫn có vai trò riêng.
Bằng chứng là nhiều cảng tại khu vực TP.HCM vẫn tăng trưởng, sản lượng hàng hóa tăng đều các năm. Do đó, việc duy trì cả phân khúc cảng nước sâu và cảng sông là điều cần thiết, trong đó có duy trì độ sâu luồng lạch, tĩnh không cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận