Doanh nghiệp giảm đơn hàng, lao động bị ảnh hưởng
Những ngày gần đây, tình hình khó khăn của kinh tế Việt Nam đang được phản ánh một cách rõ nét qua việc thiếu đơn hàng, hàng loạt doanh nghiệp tính đến việc cho lao động nghỉ làm.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, đại diện Ban Quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM cho biết, đến nay, trong tổng số 17 khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn có 51 doanh nghiệp báo cáo giảm đơn hàng, khiến gần 6.000 công nhân, lao động bị ảnh hưởng.
Công ty TNHH Tỷ Hùng, quận Bình Tân, TP.HCM không có đơn hàng nên phải chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 công nhân
“Dù vậy, con số này chưa phản ánh đúng thực trạng”, vị đại diện nói và lý giải, theo ghi nhận một số doanh nghiệp vẫn còn che giấu thông tin, không công bố công khai, nhiều công đoàn cơ sở chưa mạnh dạn báo cáo...
Đơn cử, Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP.HCM) chuyên sản xuất giày thể thao xuất khẩu sang thị trường châu Âu, cho hay công ty không có đơn hàng sản xuất nên sẽ thu hẹp toàn bộ khối sản xuất và một số đơn vị gián tiếp phục vụ sản xuất với khoảng 1.185 lao động từ 1/12/2022.
Không chỉ ở TP.HCM mà tình trạng thiếu đơn hàng cũng đã lan rộng ở nhiều khu công nghiệp lớn khác như: Đồng Nai, Bình Dương, An Giang...
Tại Bình Dương, nhiều doanh nghiệp cắt giảm giờ làm, giảm lao động và quy mô sản xuất..., hiện đã có 13.000 lao động bị tạm hoãn hợp đồng. Phần lớn doanh nghiệp đang hoạt động chỉ từ 30 - 50% công suất.
Tương tự, tại Đồng Nai, Công ty TNHH gỗ Lee Fu dự kiến cho công nhân nghỉ Tết Âm lịch 2023 kéo dài 30 ngày. Đó cũng là kế hoạch của Công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien (KCN Tam Phước, TP Biên Hòa). Mỗi công ty nghỉ sẽ có hàng nghìn lao động bị tác động theo...
Còn tại An Giang, Công ty TNHH An Giang Samho, doanh nghiệp chuyên gia công giày da cho 2 khách hàng chủ lực là Adidas và Newbelan cho biết, đối tác đã giảm và ngừng đặt hàng nên đơn vị phải thu hẹp sản xuất. Theo đó, cuối năm nay, dự kiến sẽ cắt giảm, tạm hoãn hợp đồng lao động hơn 5.300 công nhân…
Bộ Tài chính nhận định, thu NSNN đối với thu từ hoạt động xuất nhập khẩu có xu hướng giảm dần theo từng tháng (quý III giảm 7,8% so với quý I và giảm 13,5% so với quý II) do hoạt động sản xuất kinh doanh của một số lĩnh vực khó khăn, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giảm.
Chưa kể, quý IV/2022 còn phải hoàn thuế nhập khẩu cho các doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện ô tô, cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại chỗ khi thực hiện xuất khẩu sản phẩm theo Nghị định 101 và Nghị định 18 khoảng 4.000 tỷ đồng...
Ngoài ra, thu từ bất động sản cũng giảm mạnh, thực tế, tốc độ tăng các khoản thu về nhà đất bình quân 3 năm 2020 - 2022 chỉ ở mức 6,3%/năm, trong khi trước đây, bình quân khoảng 14% tổng thu NSNN.
Tiếp tục giảm chi, không để thất thoát
“Thu NSNN khó khăn phản ánh rõ khó khăn của nền kinh tế và điều này cũng đã được dự báo trước”, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay.
Dẫn cơ cấu thu NSNN bao gồm các khoản thu như: Thu từ dầu thô, thu từ xuất nhập khẩu, thu viện trợ, thu tiền sử dụng đất, thu nội địa không kể tiền sử dụng đất, ông Lâm cho rằng, tất cả những hoạt động trên đều đang rất khó khăn.
Tình hình kinh tế thế giới đang trong bối cảnh suy thoái. Lạm phát lên đỉnh điểm, kéo theo tổng cầu suy giảm, tác động đến xuất khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó, biến động mạnh thị trường tài chính Việt Nam thời gian qua khi có hàng loạt “ông lớn” vướng vòng lao lý cũng phần nào tăng thêm sự ảm đảm cho kinh tế. Thị trường chứng khoán cũng từ đó mà liên tiếp lao dốc, khiến cho tiền của nhà đầu tư gần như “đóng băng” ở đây.
Cùng thời điểm, bất động sản cũng khó bán sau thời gian dài “sốt xình xịch” với giá cao vút cũng khiến không ít nhà đầu tư lao đao.
Trong bối cảnh ngân hàng siết roon tín dụng, và nâng lãi suất cũng thêm một phần khó khăn cho doanh nghiệp muốn vay vốn, tuy nhiên, ông Lâm cho rằng, NHNN đang tính toán trên bức tranh toàn cảnh để đáp ứng rất nhiều mục tiêu về kiểm soát lạm phát, giữ tỷ giá hối đoái cho phù hợp, giữ tỷ lệ lãi suất để dòng vốn không bị chảy ra nước ngoài và thất thoát…
Chưa kể, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, việc phải giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh này là rất khó khăn cho ngân hàng.
Đưa ra giải pháp trong thời gian tới, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Bộ Tài chính cần rà soát lại để thu đúng, thu đủ kế hoạch, không để thất thoát.
Với những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, nhấn mạnh giải pháp giãn nộp thuế, ông Lâm cho rằng “đây là giải pháp nuôi dưỡng nguồn cho doanh nghiệp tốt nhất trong thời gian tới”. Cùng đó, thu đủ những khoản cần thu theo kế hoạch.
Lo ngại khó khăn sẽ dồn vào năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động; áp lực lạm phát gia tăng có thể ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu vĩ mô như tăng trưởng, lạm phát, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội bày tỏ, cần tính đến cả khó khăn bên trong và bên ngoài.
“Về nội tại, việc xử nghiêm các vụ vi phạm liên quan đến các vụ đại án bất động sản, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, có thể một mặt tích cực là lập lại kỷ cương, làm lành mạnh các quan hệ kinh tế. Nhưng mặt khác, nó cũng lại tác động nhất định đối với doanh nhân và cả cán bộ công chức”, ông Vân nói.
Khó khăn nội tại khác được ông Vân nhắc đến là thời gian qua, chúng ta đã sử dụng khoản hỗ trợ từ phía Nhà nước thông qua các gói hỗ trợ doanh nghiệp, nên việc phục hồi phải có thời gian.
Về tình hình ngân sách 2023, cần chuẩn bị tâm thế để phòng chống khủng hoảng về tài chính tiền tệ có thể tác động đến Việt Nam. Chính sách tài khóa và tiền tệ phải ăn khớp, phải linh hoạt và thắt chặt khi cần.
Một giải pháp đặc biệt quan trọng nữa là đẩy mạnh cải cách hành chính để cắt giảm các khoản chi tiêu hành chính của cả hệ thống, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Đồng thời, phải thực hành tiết kiệm triệt để trong bộ máy hành chính; duy trì nghiêm kỷ luật tài chính, chống thất thu ngân sách.
Thu ngân sách chậm lại
Tại Báo cáo trình Quốc hội lần này, Chính phủ đánh giá, thu NSNN cả năm 2022 ước đạt 1,61 triệu tỷ đồng, vượt 202,4 nghìn tỷ (tăng 14,3%) so với dự toán.
Dù kết quả thu 9 tháng tích cực (đạt 94% dự toán), nhưng số thu một số ngành, lĩnh vực đang có xu hướng giảm dần từ tháng 7 trở đi.
Cụ thể, mức thu bình quân trong 7 tháng đầu năm đạt 11,15% dự toán/tháng, nhưng tháng 8 chỉ đạt 9,2% và đến tháng 9 mức thu giảm gần 50%, chỉ đạt 6,7% dự toán. Trong đó, thu nội địa (không bao gồm tiền sử dụng đất) bình quân 5 tháng đầu năm thu đạt 11% dự toán (114 nghìn tỷ đồng/tháng), từ tháng 6 đến nay thu bình quân chỉ đạt dưới 6% dự toán.
Nguyên nhân là do tình hình kinh tế thế giới có những diễn biến rất nhanh theo chiều hướng xấu, kết hợp với một số biến động trên thị trường tài chính - ngân hàng khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận