Ông Nhu và cậu con trai - niềm hạnh phúc lớn nhất đời của tướng cướp một thời |
Trong quá khứ, “Hiền mèo trắng” đã từng là một tướng cướp khét tiếng, phải lĩnh án tử hình, sau đó giảm xuống chung thân rồi được ra tù sớm vì cải tạo tốt. Trở về quê, “Hiền mèo trắng” nên duyên với cô gái bị tâm thần cùng xã, sống cuộc đời lương thiện suốt 16 năm qua khiến nhiều người nể phục.
Thoát án tử, tìm đường hoàn lương
Một ngày đầu tháng 6 nắng rát miền Trung, chúng tôi có dịp ghé thăm gia đình tướng cướp khét tiếng một thời Trần Văn Nhu (SN 1958, trú tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Gần 10 năm nay, ông Nhu làm nghề thu phí kiêm quét dọn ở chợ làng. Đó là một người đàn ông gầy gò, nhỏ thó với gương mặt đen nhẻm và khắc khổ. Nhìn cảnh ông quét dọn chợ, tới bữa lại tất tả về lo cơm nước, tắm rửa cho người vợ tâm thần rồi đưa con đi học, chẳng ai có thể ngờ người đàn ông này hơn 35 năm về trước, từng là tên cướp của bang phái “Người không mang họ” với nhiều lần mặc áo số, ăn cơm tù.
Được biết, Nhu xuất thân trong một gia đình thuần nông nghèo khó, là anh cả của 7 đứa em thơ. Kinh tế của cả gia đình chỉ trông chờ vào đồng tiền ít ỏi người cha kiếm được sau những chuyến đánh cá dài ngày. Rồi trong một trận bão lớn, người cha mãi mãi nằm lại biển khơi. Từ ngày ấy, Nhu cũng thiếu vắng luôn tình thương của mẹ. “Tôi không rõ lý do, nhưng có lẽ một phần do tính cách ương bướng nên mọi người nhất là mẹ không chấp nhận tôi là thành viên trong gia đình”, người đàn ông khắc khổ, trên khuôn mặt không còn nét gì của một tướng cướp hung hãn thuở nào giãi bày. Bị ghẻ lạnh, xua đuổi, Nhu càng tỏ ra ương bướng hơn. Sau cú sốc mất cha, Nhu đã hoàn toàn trở thành một con người khác. Gã theo chân đám bạn xấu đi trộm cắp, rồi bị bắt và bị kết án 18 tháng tù giam vì lấy trộm đồng hồ của một hành khách trên tàu.
Mãn hạn tù, Nhu chán nản rồi tiếp tục đi vào “vết xe đổ” của chính bản thân. Lần này, gã gia nhập băng nhóm “Người không mang họ” chuyên đi móc túi, cướp giật và trấn lột. Thủ lĩnh của băng cướp này là tướng cướp Trương Hiền (tức Toọng) một kẻ dạt vòm từ Đông Hà (Quảng Trị) vào Vinh nhưng nhanh chóng thống lĩnh giới giang hồ tại đây nhờ bản tính hung hăng và liều lĩnh. Dưới sự thống trị của Toọng, băng cướp “Người không mang họ” đã trở thành nỗi ám ảnh và khiếp sợ trong suốt những năm 1976 - 1979 của người dân Thành Vinh nói riêng và dân chúng các tỉnh thành miền Trung nói chung thời bấy giờ.
Gia nhập băng cướp khét tiếng, Nhu được nâng lên hàng đệ tử ruột của đại ca Toọng. Cái tên “Hiền mèo trắng” cũng là biệt danh mà giới giang hồ dùng để gọi Nhu thay cho tên thật. Cũng vì “có số má”, nên tháng 4/1978, “Hiền mèo trắng” được Toọng giao nhiệm vụ dẫn đàn em thực thi một phi vụ quan trọng. Nhận nhiệm vụ, gã cùng đồng bọn đóng giả bộ đội, rồi bắt xe ra ga Si (Diễn Châu, Nghệ An) để hành động. Tại đây, băng nhóm do “Hiền mèo trắng” dẫn đầu đã cướp 12 khẩu súng của bộ đội cùng một bao tải chứa 50kg bột mỳ. Trên đường tẩu thoát, khi chạy về đến ga Yên Lý (Diễn Châu, Nghệ An) thì nhóm bị lộ và bị bắt.
Trong phiên tòa xét xử sau đó, với hai tội danh “Chống người thi hành công vụ” và “Cướp đoạt tài sản xã hội”, Trần Văn Nhu bị TAND Nghệ Tĩnh tuyên án tử hình. Sau đó, gã làm đơn kháng cáo. Tia hi vọng về con đường sống đã đến khi gã được tòa phúc thẩm giảm án từ tử hình xuống chung thân. Tháng 4/2000, sau 19 năm 11 tháng 14 ngày ăn cơm tù, “Hiền mèo trắng” được trả tự do nhờ cải tạo tốt.
Hai mảnh đời “chắp vá”
Ở trong ngục tù, nghĩ đến người cha khắc khổ cả đời sương gió, gã đã khóc và ân hận vì lỗi lầm của mình, để rồi âm thầm quyết tâm sẽ cải tạo tốt để sớm được ra tù.
Ngày mãn hạn tù về địa phương, ông sống một mình cô đơn và buồn tủi, luôn khát khao một mái ấm gia đình. Nhưng ông luôn nghĩ sẽ không người phụ nữ nào chấp nhận lấy một người từng vào tù, ra tội làm chồng cả. Thế rồi thương cảm, ông Nhu đã quyết định lấy người con gái bị tâm thần cùng xã về làm vợ và tự hứa với lòng mình, nhất định tên cướp ngang dọc một thời sẽ làm lại cuộc đời từ chính đôi bàn tay của mình. “Gần 10 năm gắn bó với công việc ở chợ, tính ra mỗi tháng tôi chỉ kiếm được vài triệu đồng. Nhưng đối với tôi đó là khoản tiền lớn, hơn hết là đồng tiền chính đáng, chứ không tội lỗi như trước kia...”, ông Nhu chia sẻ.
Ông Bùi Chung Thủy, Trưởng xóm Đại Tân, nơi gia đình ông Nhu sinh sống cho biết: “Ở địa phương, ông Nhu được biết đến là một người thẳng thắn, thật thà, sống cởi mở với bà con lối xóm. Sau khi ra tù, chính quyền địa phương đã giao cho ông quản lý khu chợ làng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giúp người lầm lỡ tái hòa nhập với xã hội. Đặc biệt, ông rất chịu khó làm việc và yêu thương người vợ tâm thần của mình. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn do vợ bệnh tật, nhưng không vì thế mà ông ấy làm liều, thu phí chợ một cách tùy tiện. Cũng vì vậy mà bà con tiểu thương ở chợ rất thương và luôn tạo điều kiện cho ông ấy làm việc thuận lợi”. |
Kể về lý do lấy người vợ tâm thần của mình, ông tâm sự: “Khi biết Định bị bệnh, tôi đã đồng cảm và rất thương. Tôi nghĩ mình phải che chở và chăm sóc cô ấy đến hết cuộc đời. Tôi làm như vậy là để trả nợ những lỗi lầm trong quá khứ. Mới đầu nghe chuyện tôi quyết định sang nhà để xin hỏi cưới người con gái tâm thần, nhiều người vô cùng sửng sốt và ngờ vực. Nhưng thấy tôi quyết tâm, gia đình nhà gái đã đồng ý. Một kẻ từng vào tù, ra tội như tôi, đến gia đình còn ruồng bỏ thì mong gì sự cảm thông của người ngoài. Tôi lấy Định vì nghĩ, chỉ có những người khiếm khuyết như cô ấy mới chấp nhận lấy một kẻ như tôi”.
Được biết, vợ ông, chị Tô Thị Định (SN 1972) những lúc bình thường vẫn cùng chồng làm lụng chăm lo cho gia đình, nhưng lúc lên cơn điên loạn thì lại biến thành một người khác, hết đập phá đồ đạc lại chửi bới chồng, con...
Hiểu hoàn cảnh, chính quyền địa phương đã tạo công ăn việc làm, giao cho ông quản lý khu chợ làng với nhiệm vụ đảm bảo an ninh, thu phí khu chợ và kiêm luôn việc giữ gìn vệ sinh. Hàng ngày, ông Nhu khoác trên mình chiếc áo bảo vệ đứng trước cổng chợ làng để làm công tác an ninh. Nhìn ông lúc này chỉ là một người nông dân chân chất, không còn chút vương vấn bụi giang hồ. Hiện tại, vợ bị bệnh nặng, con trai lại đang theo học lớp 7 nên ông trở thành lao động chính trong gia đình. Ngoài thu nhập 2,5 triệu đồng tiền công hàng tháng trông coi chợ, ông còn dành thời gian sửa xe đạp, nhặt phế liệu bán, kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình.
Có công việc gần nhà, ông vừa đi làm, vừa tranh thủ thời gian chăm sóc vợ con. Ông bảo, nhờ số tiền kiếm được mà ông có đồng ra, đồng vào để trang trải cuộc sống. Tuy vậy, chừng đó chẳng thấm vào đâu khi vợ liên tục phát bệnh thần kinh, phải nhập viện điều trị. Nhất là thời gian gần đây, số ngày vợ ông ở viện còn nhiều hơn ở nhà. Vì thế, suốt 16 năm nay, gia đình ông vẫn không thoát được danh hiệu hộ nghèo “bền vững” ở địa phương.
Nhưng bù lại, ông trời cho ông một cậu con trai ngoan ngoãn. Cậu bé tên Nhật, đang là học sinh lớp 7. Vì hiểu hoàn cảnh gia đình, nên hàng ngày sau mỗi buổi học Nhật lại đi nhặt sắt vụn bán phụ giúp bố. Năm 2012, nhờ sự hỗ trợ của địa phương, gia đình ông có được căn nhà tình thương cấp 4. “Giờ đây, tôi sống là vì vợ, vì con. Tôi sống lương thiện để tích đức cho con sau này, chỉ mong vợ luôn khỏe mạnh, con khôn lớn, ngoan, hiếu thảo là tôi hạnh phúc lắm rồi”, tướng cướp một thời trải lòng.
Xem thêm clip Những tiếng thét ám ảnh trong khoảnh khắc xe bán tải lật nhào
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận