Tàu hỏa là phương tiện đi lại chính của người dân và du khách Anh |
Dù hội tụ nhiều ưu điểm, song đường sắt Anh có một hạn chế rất lớn đó là giá vé quá cao ngay cả khi hành khách chọn mua vé cả mùa để được ưu đãi. Giá vé tàu không chỉ cao hơn so với các phương tiện khác mà còn cao nhất ở châu Âu và sẽ còn tăng tiếp…
Gặp khó vì chi phí đi lại quá cao
Tuần trước, theo một điều tra của BBC, người dân phải dành trung bình 1/10 thu nhập hàng năm cho việc mua vé cả mùa nhằm đáp ứng cho nhu cầu đi lại. Cụ thể, theo số liệu từ Tập đoàn Cung ứng đường sắt và Chiến dịch Vì giao thông tốt hơn, trung bình người dân mất khoảng 2.446 bảng Anh (khoảng 72 triệu VND/ năm) cho chi phí đi lại bằng đường sắt. Trong khi đó, chi phí vé cả mùa năm 2016 vào khoảng 2.493 bảng Anh (khoảng 73 triệu VND). Điều đó có nghĩa là ngay cả khi người dân lựa chọn vé cả mùa để được ưu đãi hơn thì số tiền phải bỏ ra vẫn rất lớn.
Ngoài ra, đến tháng 1/2017, giá vé dự kiến sẽ tăng thêm 1,9% thì người dân sẽ phải chi trả 11% thu nhập cho việc đi lại. Đây là con số không nhỏ đối với việc đi lại. Cụ thể, hành khách đi tuyến Harlow Town - London Liverpool Street phải chi số tiền lớn nhất cho mỗi dặm. Một vé cả mùa giá 3.432 bảng Anh/năm (khoảng 100 triệu VND). Trong khi đó, nếu hành khách sử dụng vé thường thì tuyến Southampton Central - London là cao nhất, với số tiền lên đến 5.404 bảng Anh/năm (khoảng 159 triệu VND).
Không chỉ chịu chi phí đắt đỏ, các hành khách tuyến dịch vụ đường sắt miền Nam còn rất bất bình vì ảnh hưởng của các cuộc đình công, hủy chuyến khiến họ phải mất đến 13% thu nhập, tương đương 4.452 bảng Anh (khoảng 130 triệu VND). Đó là những cuộc đình công trong một tranh chấp kéo dài giữa Hiệp hội Giao thông, hàng hải, đường sắt và Công ty Đường sắt Govia Thameslink.
Một số trường hợp khác phải khắc phục tình trạng giá vé cao bằng cách từ bỏ công việc yêu thích để có thể làm gần nhà hơn: “Tôi đã có gia đình và không có nhiều thời gian cho vợ con, về nhà chỉ muốn đi ngủ”, Matt Steel, người từng đi làm bằng tuyến Horsham - London chia sẻ. Anh không còn di chuyển bằng tàu hỏa mà sử dụng xe đạp làm phương tiện đi lại.
Người đứng đầu Chiến dịch Vì giao thông tốt hơn, James MacColl nhận xét: “Giá vé hiện nay quá cao, đặc biệt là những tuyến đường mà vé cả mùa được sử dụng phổ biến”. Trước thực tế đó, vị này đề xuất giải pháp: “Trước mắt, hành khách phải đảm bảo rằng họ được bồi hoàn khi xảy ra gián đoạn hành trình, cùng với đó, giá vé phải công khai, minh bạch trên phạm vi toàn quốc. Còn về lâu dài, cần thiết để hành khách lên tiếng trong việc nhượng quyền đường sắt thì quản lý như thế nào và việc đảm bảo quyền lợi của họ ra sao…”.
Giới chức bao biện
Trước tình hình người dân bức xúc vì số tiền dành cho việc đi lại quá lớn, những đơn vị đang khai thác đường sắt cho biết, di chuyển bằng tàu hỏa so với việc dùng xe hơi rẻ hơn nhiều. Chính phủ cũng lên tiếng, đã tính toán giá vé đường sắt phù hợp với chỉ số giá bán lẻ (RPI) - chỉ số được dùng để tính tỷ lệ lạm phát và hoàn toàn có thể kiểm soát được việc tăng giá vé cả mùa lên 1,9% vào tháng 1/2017. Sở Giao thông vận tải cho biết thêm, việc bán vé sẽ linh hoạt hơn đặc biệt đối với đối tượng lao động bán thời gian.
Bộ trưởng Đường sắt Anh Paul Maynard, người vừa nhậm chức tháng 7 vừa qua cho biết: “Tiền lương đang tăng nhanh hơn so với giá vé đường sắt. Điều này có được chính là nhờ hành động của Chính phủ cũng như cam kết của chúng tôi trong việc kiểm soát giá vé quy định phù hợp với tình hình lạm phát. Theo đó, chúng tôi sẽ tiết kiệm cho hành khách trung bình 425 bảng Anh (khoảng 12 triệu VND) khi sử dụng vé cả mùa trong 5 năm đến năm 2020”.
Một phát ngôn viên ngành Đường sắt thông tin: “Hành khách muốn dịch vụ tốt và chúng tôi đã đầu tư một số tiền kỉ lục để hiện đại hóa đường sắt suốt hơn một thế kỉ nhằm cung cấp những dịch vụ cũng như cơ sở hạ tầng tốt nhất”. Phát ngôn viên này cũng cho biết thêm: “Chính phủ đang cố gắng cung cấp dịch vụ thích hợp hơn cho những người lao động bán thời gian, cùng với quá trình hiện đại hóa và tiến tới sử dụng các loại vé thông minh, những đối tượng này cũng sẽ được cung cấp vé cả mùa”.
Trong một diễn biến khác, ngày 13/9 vừa qua, Bộ trưởng Đường sắt Anh đã cam kết giải quyết các vấn đề nan giải tại dịch vụ đường sắt miền Nam như một nhiệm vụ cấp bách.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận