Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các địa phương, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi cho biết: “Nhiệt độ tại Ấn Độ đang tăng quá nhanh, cao hơn nhiều so với trước đây”.
Sau tháng 3 nóng nhất kể từ khi Cơ quan Khí tượng Ấn Độ bắt đầu thu thập dữ liệu cách đây 122 năm, tuần này, mức nhiệt cực cao lại xuất hiện trên diện rộng tại Ấn Độ và Pakistan.
Hơn 1 tỷ người đứng trước nguy cơ sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì nắng nóng, theo các nhà khoa học.
Tình trạng khói bụi, muội than tại các thành phố Ấn Độ khiến mức nhiệt trong đô thị càng cao hơn
Tại thủ đô New Delhi, nhiệt độ đã tăng hơn 40 độ C chỉ trong vài ngày và dự kiến có thể lên tới khoảng 44 độ C vào cuối tuần.
Cũng theo Thủ tướng Ấn Độ, vài ngày qua, nước này đang đối mặt với ngày càng nhiều sự cố hỏa hoạn ở khắp nơi từ trong rừng cho tới các tòa nhà lớn, trong bệnh viện.
Ông yêu cầu các bang phải đánh giá lại tình hình an toàn cháy nổ tại bệnh viện. Thực tế, tại Ấn Độ, mỗi năm có hàng chục người chết vì hỏa hoạn tại các bệnh viện và nhà máy ở Ấn Độ, chủ yếu do xây dựng bất hợp pháp và tiêu chuẩn an toàn yếu kém.
Việc đốt xử lý rác tại thủ đô New Delhi cũng góp phần khiến không khí thủ đô ô nhiễm nhất thế giới càng thêm độc hại.
Người lao động uống nước trực tiếp từ vòi để giải khát, bớt nắng nóng
Nhà nghiên cứu về khí hậu Arpita Mondal tại Viện Công nghệ Ấn Độ Bombay nhận định: Hiếm khi gần như cả nước bị bao phủ bởi nắng nóng, đến mức có nơi không thể chịu được như vậy.
Nhiệt độ cao không chỉ đe dọa tới tính mạng và kế sinh nhai của người dân tại Ấn Độ mà còn trở thành hiểm họa khi nhiệt độ cao kết hợp với độ ẩm khiến con người rất khó để làm mát cơ thể thông qua cơ chế tiết mồ hôi.
Hồi tháng 2, Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu đã cảnh báo Ấn Độ dễ bị tổn thương vì nhiệt độ cực cao. Ví dụ, khi nhiệt tăng thêm 1,5 độ so với mức nhiệt tiền công nghiệp, thủ phủ bang Tây Bengal có thể đối mặt với nguy cơ nhiệt độ lên cao ngang với mức nóng năm 2015, khi đó nhiệt độ ở mức 44 độ C và khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Tần suất nắng nóng này sẽ xảy ra khoảng 1 năm 1 lần.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này chính là biến đổi khí hậu. Ngoài ra, nghiên cứu của bà Mondal chỉ ra, ô nhiễm đô thị cũng là nguyên nhân rất lớn dẫn đến tình trạng nhiệt độ nóng lên ở các thành phố vì carbon đen (muội than) và khói bụi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận