Chiều 30/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022; báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN 2022 và thẩm tra báo cáo quyết toán NSNN 2022.
Thu ngân sách năm 2022 đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng
Thay mặt Chính phủ, trình bày báo cáo quyết toán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc thu ngân sách năm 2022 đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng gần 407 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Tỉ lệ huy động vào NSNN đạt 19,1% GDP; riêng từ thuế và phí đạt 15,16% GDP.
Trong đó, thu dầu thô vượt 177,1% so với dự toán, chủ yếu do giá dầu tăng cao vượt 74,5% so với thời điểm lập dự toán và dự kiến sản lượng dầu của PVN thấp so với khả năng thực hiện.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra một số khoản thu đạt thấp như thuế bảo vệ môi trường đạt 72,2% dự toán giao; thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi Ngân hàng Nhà nước đạt 83,5% dự toán giao.
Với nội dung này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí từ đó tính thiếu thuế cũng như các khoản thu khác được Kiểm toán Nhà nước phát hiện qua kiểm toán và kiến nghị tăng thu NSNN hơn 3,8 nghìn tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, công tác quản lý thu của cơ quan thuế còn hạn chế.
Theo đó, trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế còn tình trạng một số cơ quan thuế xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế chưa đầy đủ; chưa kiểm tra đầy đủ các loại hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế lựa chọn kiểm tra tại cơ quan thuế theo quy định; chưa phối hợp với các cơ quan có liên quan để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử của các hộ, cá nhân có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.
10 tỉnh chuyển thiếu hơn 12,6 nghìn tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương
Về nội dung chi Ngân sách Nhà nước, báo cáo của Chính phủ đề nghị quyết toán 1,75 triệu tỷ đồng, bằng 94,3% dự toán (giảm 104.851 tỷ đồng). Trong đó, chi đầu tư phát triển được quyết toán hơn 615 nghìn tỷ đồng, bằng 103,1% dự toán giao.
Qua kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, còn tình trạng 44 dự án nguồn ngân sách Trung ương được kéo dài thời gian giải ngân, thanh toán từ năm 2021 sang năm 2022 nhưng không giải ngân hết trong năm 2022 phải hủy bỏ với số tiền 348,7 tỷ đồng.
Sau đó, số dự án này tiếp tục được bố trí kế hoạch vốn năm 2022 nhưng vẫn không giải ngân được, phải kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 là 611 tỷ đồng hoặc hủy bỏ hơn 1,4 nghìn tỷ đồng, bằng 80% kế hoạch vốn giao năm 2022.
Về chi chuyển nguồn, tổng chi chuyển nguồn hơn 1 triệu tỷ đồng; chi chuyển nguồn tiếp tục tăng cao cả về số tương đối (tăng 47,7%) và số tuyệt đối (tăng 370 nghìn tỷ đồng) so với năm 2021, nếu không tính chuyển nguồn cải cách tiền lương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thì chuyển nguồn năm 2022 sang năm 2023 là hơn 426 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 55 nghìn tỷ đồng so năm 2021.
"Qua kiểm toán cho thấy, một số địa phương chuyển nguồn kinh phí không phù hợp quy định hơn 11,7 nghìn tỷ đồng; 10/60 địa phương chuyển thiếu gần 13 nghìn tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương năm 2022 sang 2023; một số địa phương thực hiện chi chuyển nguồn chưa đủ thủ tục", báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận