Bạn cần biết

10 bé trai bị bắt cóc được giải cứu giờ ra sao?

30/10/2016, 07:08
image

Các cháu Hòa, Xã, Hội, Chủ, Nghĩa, Việt, Nam, Hùng, Mạnh đang cùng chúng bạn chơi đùa bên những chiếc xích đu, bập bênh...

16

10 bé trai Việt Nam được nhà chức trách Trung Quốc giải cứu khỏi tay bọn buôn người - Ảnh: Báo Chinanews.com

Niềm hạnh phúc lớn lao nhất của một đứa trẻ khi cất tiếng khóc chào đời là được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Thế nhưng, may mắn ấy là điều xa vời với 10 đứa trẻ từng bị bắt cóc bán sang Trung Quốc.

Chuyên án đặc biệt giải cứu 10 bé trai

Cách đây 5 năm, vào tháng 2/2011, trinh sát công an TP Đông Hưng, cảng Phòng Thành (Quảng Tây, Trung Quốc) nhận được tin một nhóm tội phạm bắt cóc trẻ em Việt Nam đưa sang bán tại một số địa phương như: Đông Hưng, Sán Đầu, Yết Dương (Quảng Đông, Trung Quốc). Nhà chức trách Trung Quốc nhận định, đây là một đường dây buôn bán trẻ em xuyên quốc gia và ngay lập tức chuyên án đặc biệt mang tên “8.6.2011” được lập. Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã làm rõ nhóm tội phạm buôn bán trẻ em xuyên biên giới kể trên do tên Hoàng Man Lệ và Hoàng Thanh Hằng cầm đầu.

Ngày 15/7/2011, Bộ Công an Trung Quốc chỉ đạo cơ quan Công an Quảng Tây, Quảng Đông phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an Việt Nam triển khai kế hoạch đồng loạt bắt giữ 43 nghi phạm trong đường dây buôn bán người xuyên quốc gia, đồng thời giải cứu 10 trẻ em Việt Nam. Các cháu đều sinh năm 2011 và trong tình trạng còi cọc, suy dinh dưỡng, thậm chí bị mắc một số bệnh như viêm phổi, sức khỏe yếu.

>>>Xem thêm video:

Đầu tháng 5/2013, phía Trung Quốc đã bàn giao 10 bé trai cho cơ quan chức năng của Việt Nam. Sau đó, cả 10 bé trai này đều được đưa về nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh.

Đặt niềm tin về sự trưởng thành, kiên cường và sống mạnh mẽ của các cháu trong tương lai, Cục Cảnh sát hình sự đã đặt tên cho 10 cháu lần lượt là Cộng, Hòa, Xã, Hội, Chủ, Nghĩa, Việt, Nam, Hùng, Mạnh.

“Hiện nay, các cháu đang theo học ở Trường mầm non Hoa Hồng, chuẩn bị đến tuổi vào lớp 1 và vẫn được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, thuộc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Quảng Ninh trong điều kiện sức khỏe tốt, phát triển bình thường”, một cán bộ Cục Cảnh sát hình sự cho biết.

15

 

“Con muốn được về với mẹ!”

Những ngày cuối tháng 10, chúng tôi quay trở lại Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt Quảng Ninh. Trong khuôn viên, các cháu Hòa, Xã, Hội, Chủ, Nghĩa, Việt, Nam, Hùng, Mạnh đang cùng chúng bạn chơi đùa bên những chiếc xích đu, bập bênh, cầu trượt. Tiếng cười đùa giòn giã, hồn nhiên của những đứa trẻ cứ thế vang lên, bởi dường như các cháu chưa thể cảm nhận được nỗi đau xa rời vòng tay cha mẹ.

Thấy chúng tôi đến, thay vì e dè, khép nép vào khung cửa như những năm trước khi mới được đưa về trung tâm chăm sóc, lần này, đám trẻ tíu tít cuời nói, rồi tíu tít với khách lạ để được ùa vào lòng. Đám trẻ không ngừng nói và kể về những câu chuyện riêng của mình cho chúng tôi nghe.

Để đảm bảo quyền lợi và lợi ích của các cháu, đồng thời đảm bảo việc trao trả và tiếp nhận đúng thủ tục pháp luật, Cục Cảnh sát hình sự đã thông báo rộng rãi để những ai có con trai sinh trong khoảng thời gian đó bị mất tích trước ngày 15/7/2011 hoặc những ai biết về các vấn đề liên quan đến sự việc, liên hệ với Cục Cảnh sát hình sự, số 14/55 đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội. Số điện thoại 06944763 hoặc ông Khổng Ngọc Oanh, số điện thoại 0912796229. Đại diện Cục Cảnh sát hình sự khẳng định, sau khi xác định được chính xác cha mẹ, người thân của các cháu, Cục sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các cháu đoàn tụ với gia đình, đồng thời đảm bảo giữ bí mật thông tin về sự việc và người cung cấp thông tin.

Việt và Nam là hai cậu bé năng động và hóm hỉnh nhất, chúng khoe về bộ quần áo mới, đồ chơi mới rồi cả những kiểu tạo dáng ngộ nghĩnh với nét mặt tự làm biến dạng hài hước. Khi được hỏi đã biết đọc chưa, cả đám trẻ hào hứng hô vang “Biết rồi ạ!”. Để chứng minh, Việt cùng Nam, Xã, Hội đứng trước bảng chữ cái đọc to từng chữ một cách lưu loát và chuẩn xác. Lúc này, Chủ, Nghĩa, Mạnh, Hùng cũng không chịu thua kém khi cùng hát đồng ca bài “Cháu yêu bà”. Cả căn phòng nhỏ rộn vang tiếng cười đùa của những đứa trẻ và cả những người đến thăm, chờ xin nhận nuôi các cháu.

Chị Nguyễn Thị Oanh (Từ Sơn, Bắc Ninh) chia sẻ: “Nhìn các con thương quá! Chỉ mong các con sớm tìm được bố mẹ để được yêu thương, chăm sóc như những đứa trẻ khác. Nghe tin có 10 bé trai được giải cứu từ Trung Quốc đang được chăm sóc ở đây nên tôi đến để thăm các con và có thể xin nhận nuôi khi cơ quan chức năng cho phép”.

Khác với chúng bạn, Hòa nhút nhát, ít nói. Cậu bé ngồi bên cửa sổ một hồi lâu rồi lẳng lặng đi về phía chúng tôi, sà vào lòng thủ thỉ: “Cộng được về với mẹ rồi, con cũng muốn được về với mẹ!”. Dứt lời, nét mặt của Hòa buồn trĩu và quay sang ôm chặt chị gái Lê Thị Vui. Vui, năm nay 14 tuổi, lớn lên ở trung tâm và là một trong những người chăm sóc cho 10 đứa trẻ từ ngày chúng được đưa về đây. “Tháng 7 vừa qua em về quê, khi trở lại trung tâm đã không thấy Cộng đâu. Hỏi ra mới biết Cộng đã được mẹ đón về Thanh Hóa. Chúng em buồn vì không được chơi đùa, chăm sóc Cộng nữa nhưng vui hơn vì em Cộng đã được về với gia đình, được chính người thân chăm nom”, Vui cho biết.

Bà Trần Thị Hồng, Phó giám đốc Trung tâm cũng cho biết, sau khi thi hành án xong, mẹ của cháu Cộng đã làm các thủ tục và đón cháu về quê Thanh Hóa sinh sống. Được biết, cháu Cộng được mẹ gửi gắm cho bà ngoại nuôi để đi làm ăn và vẫn thường về thăm nom Cộng. Cháu Cộng cũng đã được gia đình cho đi học mẫu giáo như những đứa trẻ khác để phát triển bình thường.

“Trong lúc chờ đợi người thân của các con có thể đến nhận về hoặc sau khi cơ quan công an khép lại vụ án, có quyết định cho phép cá nhân, tổ chức nhận nuôi các con thì chúng tôi sẽ tạo điều kiện để các con được đến với những gia đình có mong muốn chăm sóc trong tình cảm yêu thương và môi trường phát triển tốt. Chỉ mong các con được lớn lên trong sự bình yên và hạnh phúc để bù lại một quá khứ đáng quên”, bà Hồng chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Lư, người sống cạnh Trung tâm bảo trợ trẻ em chia sẻ, sau 5 năm, kể từ khi 10 cháu trai đang còn phải bế ngửa chăm sóc, đến nay tất cả đều cao lớn, mạnh khỏe, chạy nhảy nô đùa... Chúng nó ngoan ngoãn, lễ phép. Thấy người lạ, chúng đều đồng thanh “chào bố, chào mẹ” nên ai cũng vui.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.