Trần Mỹ Linh (Agnes Chan) từng là một nữ ca sĩ nổi tiếng ở Hồng Kông. Sau khi kết hôn với người chồng Nhật Bản, bà đã sinh 3 người con trai.
Bản thân bà cũng đã có bằng tiến sĩ ngành giáo dục tại Đại học Standford. 3 người con trai của bà cũng nối gót mẹ mình, liên tiếp được nhận vào Đại học Standford danh tiếng.
Trần Mỹ Linh và 3 người con.
Khi được hỏi về bí quyết nuôi dạy con cái, bà đã chỉ ra có 10 vấn đề trong cách giáo dục mà bố mẹ cần chú ý nhất:
1. Đừng so sánh trẻ với những người khác
Trong xã hội có tính cạnh tranh cao như hiện nay, nhiều bố mẹ cũng sẽ có những lúc vô thức so sánh con mình với con người khác. Nhưng điều này có thể sẽ làm giảm khả năng “tự khẳng định mình”, khiến bản thân trẻ cảm thấy ít có giá trị.
Một đứa trẻ biết được giá trị của bản thân sẽ không ghen tỵ với hạnh phúc của người khác và vui mừng với thành công của họ. Chúng cũng có xu hướng ham học hỏi, tích cực học từ những người giỏi hơn mình và sẵn sàng giúp đỡ khi thấy người khác khó khăn.
Ngược lại, nếu khả năng tự khẳng định bản thân của trẻ chưa cao, trẻ sẽ dễ ghen tị khi thấy người khác làm rất tốt, tự tạo áp lực tâm lý cho bản thân.
Nếu phải so sánh, bố mẹ nên dạy trẻ so sánh chính mình, hôm nay có làm tốt hơn hôm qua không và hy vọng sẽ làm tốt hơn nữa vào ngày mai.
2. Đừng bạo lực tinh thần và thể xác với trẻ
Trong quá trình nuôi dạy trẻ, nhiều bố mẹ sử dụng bạo lực về tinh thần và thể xác với con mình. Một khi lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương, chúng sẽ nghi ngờ tình yêu bố mẹ dành cho mình.
Chỉ cần bố mẹ cởi mở trò chuyện một cách chân thành với con cái, kiên nhẫn giải thích những điều đúng sai, dù trẻ còn nhỏ nhưng chúng vẫn sẽ hiểu được mong muốn của bố mẹ.
Ảnh minh họa.
Đặc biệt, bố mẹ đừng dùng bạo lực với trẻ, đó là điều khiến cản trở sự giao tiếp, khiến trẻ có xu hướng dễ nổi loạn và chống lại bố mẹ sau này. Khi trẻ làm sai một điều gì đó, nó không hẳn xấu mà còn là cơ hội tốt để bố mẹ dạy trẻ những điều đúng đắn.
3. Đừng để trẻ ghét ngôn ngữ
Nói hay viết là phương tiện để bộc lộ tất cả những gì suy nghĩ trong đầu ra ngoài. Trẻ thích chữ đương nhiên sẽ thích đọc và tích cực theo đuổi tri thức, để từ đó mở mang tầm hiểu biết và sống phong phú hơn. Đặc biệt là những từ ngữ có liên quan tới thời đại mới như ngôn ngữ lập trình, nó rất quan trọng trong kỷ nguyên AI sau này.
4. Đừng mong làm bạn với trẻ
Ngày càng có nhiều bố mẹ trẻ hy vọng được làm bạn với con cái mình. Họ tin rằng, hòa thuận với trẻ như những người bạn là bằng chứng của mối quan hệ cha mẹ - con cái tốt đẹp.
Tuy nhiên, ranh giới giữa bố mẹ và bạn bè hoàn toàn khác nhau. Trẻ cần hiểu rằng, bố mẹ là người đáng để chúng tôn trọng và có thể lệ thuộc. Họ sẽ dành cả đời để yêu thương và bảo vệ con cái, mang lại cảm giác an toàn thực sự cho con mình.
5. Đừng để cuộc sống của trẻ quá cứng nhắc
Ở một số gia đình, bố mẹ sẽ quy định chính xác thời gian thức dậy, ăn uống, học hành, đi ra ngoài, làm bài tập, tắm, ngủ… Nhiều người cho rằng, việc kỷ luật như vậy là tốt cho sự phát triển của con cái nhưng thực tế cách làm này không tốt cho sự phát triển trí não của một đứa trẻ.
Ảnh minh họa.
Đặc biệt đối với trẻ từ 3 đến 8 tuổi, việc làm cho cuộc sống hằng ngày trở nên phong phú và đa dạng là chìa khóa để não bộ phát triển tốt. Nếu ngay từ nhỏ trẻ đã phải sống ngày nào cũng giống ngày nào, khi hoàn cảnh thay đổi chúng sẽ không biết cách thích nghi và gặp áp lực lớn. Xã hội ngày nay thay đổi rất nhanh và mọi người buộc phải thích nghi nhanh với những sự thay đổi này.
6. Đừng ngăn trẻ yêu đương khi học trung học
Khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, việc thích người khác là điều rất bình thường. Sự quan tâm, trân trọng người ta là một cảm giác rất đẹp ở thời niên thiếu. Rất nhiều phụ huynh không đồng tình với việc con cái yêu quá sớm ảnh hưởng đến việc học. Nhưng nếu kìm hãm nhu cầu cảm xúc tự nhiên của trẻ, chúng sẽ có sự phản kháng theo hướng tiêu cực.
Ở tuổi dậy thì này, bố mẹ cần phải dạy con mình có những hiểu biết đúng đắn về tình yêu và tình dục. Sự ép buộc phải nghe theo lời bố mẹ có thể khiến trẻ cáu gắt, bực tức hoặc trầm cảm.
7. Đừng để trẻ lo lắng
Áp lực giáo dục ở Nhật Bản và Hồng Kông rất lớn, họ rất coi trọng việc con mình có được vào trường danh tiếng hay không. Suy cho cùng, cuộc đời còn rất dài và điều quan trọng nhất là để trẻ hiểu rằng, hạnh phúc lâu dài là được tìm thấy những gì chúng thích làm.
Cha mẹ chúng ta nên giúp trẻ khám phá những gì chúng thích từ trái tim, đồng thời khuyến khích và ủng hộ con thay vì chỉ nhìn vào bảng xếp hạng. Không ai biết trước được tương lai sau này sẽ như thế nào, điều mà bố mẹ có thể làm là khiến trẻ có được một tuổi thơ vui vẻ, có ý nghĩa, ham học hỏi.
8. Đừng quyết định con đường phát triển của con cái
Bố mẹ nào cũng muốn con cái thành công sau này nhưng con đường chúng trưởng thành phải do bản thân tự quyết định. Cách giáo dục của những “mẹ hổ” rất nguy hiểm và gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực với một đứa trẻ. Suy cho cùng, chỉ cần con cái được sống cuộc đời mà chúng muốn, như thế bố mẹ mới thấy hạnh phúc được.
9. Đừng đặt công việc lên hàng đầu
Nhiều người mẹ vừa muốn có sự nghiệp thăng tiến, vừa muốn chăm lo cho gia đình nhưng thực sự rất khó để cân bằng được. Vì vậy, tùy theo từng hoàn cảnh gia đình mà cần xác định mức độ ưu tiên hơn.
Khi một đứa trẻ ra đời, bố mẹ cần phải chịu trách nhiệm giáo dục chúng trở thành một người tốt. Nếu bố mẹ học cách dành thời gian và sức lực cho những điều quan trọng nhất, họ sẽ làm tốt hơn và buông bỏ những thứ không quan trọng. Trong trường hợp cần thiết, hãy nhờ sự giúp đỡ của người thân để làm tròn trách nhiệm nuôi dạy con cái đàng hoàng.
10. Đừng áp dụng cách giáo dục con cái cổ hủ
Xã hội đã thay đổi quá nhiều so với trước đây, nếu cố chấp dạy con những điều lạc hậu, nhưng vậy sẽ vô tình hại trẻ.
Chẳng hạn như AI hiện đang rất hot, 20 năm nữa có thể robot sẽ thay thế nhiều công việc của con người. Vậy thì phải như thế nào để không bị thay thế và đào thải? Đó không phải là một đứa trẻ học tốt trong các kỳ thi hay một người tốt nghiệp từ một trường danh tiếng, mà là một người có óc sáng tạo và làm được những điều mà máy móc không thể làm được.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận