Các bác sĩ Viện Sức khoẻ tâm thần chỉ ra 10 dấu hiệu nhận diện bệnh trầm cảm khiến nhiều người muốn tự sát. |
Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần (SKTT), tại VN có khoảng 30% dân số bị rối loạn tâm thần, trong đó 25% mắc trầm cảm. Nghiên cứu mới của Viện, năm 2016 ở những bệnh nhân từ 45 tuổi mắc trầm cảm, gần 40% trường hợp ý tưởng hoặc hành vi tự sát. Đa số tự sát do bệnh nhân cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, không xứng đáng sống. Phần lớn các trường hợp trầm cảm có khuynh hướng trở thành mạn tính và tái diễn cũng như phục hồi không hoàn toàn giữa các giai đoạn.
BS. Dương Minh Tâm, Viện SKTT cho biết, để nhận biết căn bệnh trầm cảm, căn cứ vào 10 yếu tố sau: Cảm giác buồn chán, trống rỗng; Khó tập trung suy nghĩ, hay quên; Luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì; Cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng; Mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều; Hay cáu gắt, giận dữ; Giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hàng ngày; Giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều; Nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát; Ngoài ra, nhiều bệnh nhân trầm cảm còn được biểu hiện bằng các triệu chứng như đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa… “nếu người nào có 2-3/10 dấu hiệu trên và kéo dài 2 tuần liên tiếp thì cần nghĩ đến dấu hiệu bệnh trầm cảm. Nhất là với 3 dấu hiệu như khí sắc kém, giảm ham thích, và mệt mỏi rõ rệt thì nên đến thăm khám ngay tại chuyên khoa tâm thần, hoặc BV tâm thần”, BS. Tâm khuyến cáo.
Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 - 40.000 người. Nghiên cứu mới nhất tại VSKTT năm 2016 ở những BN từ 45 tuổi bị trầm cảm có tỉ lệ 36,5% bệnh nhân có ý tưởng hoặc hành vi tự sát. |
Theo BS. Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị trầm cảm ngày càng tăng. Bệnh nhân mắc trầm cảm không giới hạn độ tuổi, giới tính, phần nhiều trải qua “cú sốc” trong cuộc sống.
Điển hình như bệnh nhân T.T P (21 tuổi), mới nhập viện điều trị. Vốn đang là sinh viên năm cuối của một trường Đại học, có tiền sử khỏe mạnh, tính cách sống vui vẻ hòa đồng, tuy nhiên, bệnh diễn biến 6 tuần nay. Khởi đầu sau khi chia tay người yêu cùng với với áp lực ở trường học. Từ đó bệnh nhân không thể ngủ hơn 3- 4 tiếng một tối. Bệnh nhân chán ăn, gày sút 4kg trong 6 tuần và thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, không muốn đi học và cũng không muốn làm việc gì. Theo người nhà, bệnh nhân hay ngồi khóc, và cảm giác cuộc sống của mình không còn có ý nghĩa. Đồng thời, bệnh nhân hay bị cáu gắt, giận dữ và nhiều lần nói với mẹ là không muốn sống nữa, muốn chết để không phải đau khổ như hiện tại.
Tính riêng trong năm 2016, Viện SKTT khám và điều trị ngoài trú hơn 18 nghìn lượt bệnh nhân trầm cảm, điều trị nội trú gần 500 lượt bệnh nhân. Trung bình mỗi ngày có 50 bệnh nhân đến khám và điều trị về trầm cảm tại Viện SKTT.
BS. Tâm, Viện SKTT lưu ý, phần lớn bệnh nhân nhập viện khá muộn, do thường bỏ qua các biểu hiện ban đầu, hoặc nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh khác. Chính vì vậy khi đến với đúng chuyên khoa Tâm thần, thì hầu hết bệnh nhân thể hiện rất rõ rệt các triệu chứng của bệnh và khiến việc điều trị hạn chế. Một trong những nguyên nhân khiến người bệnh chậm tìm đến các khoa, hoặc BV tâm thần để điều trị còn do yếu tố tâm lý, “e ngại” hai chữ “tâm thần”.
Cũng theo BS. Tâm, stress trong cuộc sống hàng ngày cộng với việc sống khép kín, ít chia sẻ cũng nguyên nhân khiến nhiều người dễ mắc trầm cảm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận