Bạn cần biết

10 mẹo hay chống say nắng mùa hè

09/05/2017, 05:27

Để đối phó với nguy cơ say nắng do thời tiết nóng bức gây ra, hãy ghi nhớ những mẹo phòng tránh sau đây.

say

Những mẹo hay chống say nắng mùa hè (Ảnh: báo Kiến thức)

Say nắng là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức, thường trên 40 độ C, hay xảy ra đối với người già, trẻ em, những người lao động, luyện tập với cường độ cao hoặc bị "phơi nắng" quá lâu.

Người bị say nắng thường có các biểu hiện như sốt cao, da nóng và khô, mệt mỏi, đau đầu, nôn mửa... Một số triệu chứng khác có thể xảy ra như giảm khả năng nhận thức, bị ảo giác, mất định hướng và hôn mê, co giật.

Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bị say nắng dễ mắc các biến chứng nghiêm trọng như phù phổi, suy thận cấp, hạ đường huyết, rối loạn đông máu, mất trí nhớ…

Để đề phòng tình trạng bị say nắng trong tiết trời nắng nóng, oi bức, cần tuân thủ một số việc làm sau:

- Tránh ra ngoài trời vào những giờ nắng nhất (thường từ 12 giờ trưa đến khoảng 3 giờ chiều).

- Nếu phải làm việc ngoài trời, tốt nhất nên có thời gian nghỉ giải lao, tránh trường hợp làm việc liên tục, quá sức dưới nền nhiệt cao. Có thể sau 1 tiếng làm việc, nghỉ ngơi khoảng 5-10 phút để hạ bớt thân nhiệt, sau đó tiếp tục công việc.

- Lựa chọn trang phục khi làm việc dưới trời nắng nóng cũng là việc rất cần thiết. Nên đội mũ và mặc quần áo dài, tránh ánh nắng tiếp xúc trực tiếp lên cơ thể. Tuy nhiên, cần lưu ý, quần áo không được quá chật vì sẽ cản trở quá trình toả nhiệt của cơ thể. Tốt nhất, nên mặc quần áo được may bằng chất liệu cotton, lanh và chọn các màu sáng vì màu tối, đặc biệt là màu đen thường dễ “bắt nắng” hơn, tăng nguy cơ hấp thụ nhiệt vào bên trong cơ thể.

- Khi đi ngoài trời nắng, hãy tìm những nới râm mát để đi, hoặc có thể nghỉ giữa chừng ở nơi râm mát, hoặc bóng cây mát nào đó để điều hòa không khí.

- Uống nhiều nước là giải pháp hạn chế tối đa việc mất nước của cơ thể. Do vậy, phải uống ít nhất 2 lít nước/ngày và có thể nhiều hơn trong những ngày nắng nóng, oi bức. Không chỉ đơn thuần uống nước lọc mà còn là nước ép hoa quả, nước ép rau xanh và tăng cường các loại trái cây để bổ sung vitamin cho cơ thể.

Ngoài ra, bạn nên lưu ý khi uống nước thì nên uống từng ngụm nhỏ. Không nên để đến khi cơ thể quá khát mới uống nước, bởi đó là lúc cơ thể bạn đã rơi vào tình trạng thiếu nước.

- Thường xuyên vận động, tập luyện để tăng cường sức khỏe giúp cơ thể chống chọi với sự "khắc nghiệt" của thời tiết.

- Áp dụng mọi biện pháp giúp môi trường xung quanh bạn được thoáng mát. Quạt gió, quạt phun sương, điều hòa, thậm chí là tưới nước hoặc đặt chậu nước trong phòng cũng giúp bạn tránh được khả năng bị mất nước, ngạt thở do say nóng.

- Nên định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 15 - 20 phút.

- Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt là các công xưởng, hầm lò rất có ý nghĩa trong việc phòng chống say nắng, say nóng.

- Ăn nhiều thực phẩm trị say nắng. Việc ăn nhiều rau xanh và hoa quả cũng giúp cơ thể chống lại say nắng. Một số loại hoa quả có tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm, thanh nhiệt, giải độc như: bí đao, mướp đắng, dưa chuột, đào, dưa hấu, táo....

Điều trị cho người bị say nắng

Báo Sức khỏe và đời sống cho biết, khi gặp trường hợp say nắng, say nóng cần nhanh chóng tiến hành những biện pháp sơ cứu ngay lập tức khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế hay phương tiện y tế:

- Nhanh chóng tiến hành giảm thân nhiệt cho nạn nhân: Chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ.

- Nếu nạn nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

Tại các trung tâm y tế, nạn nhân sẽ được truyền bù nước và điện giải cũng như các biện pháp hỗ trợ khác. Trong trường hợp nạn nhân sốt cao có thể dùng paracetamol để hỗ trợ hạ sốt. Nếu có co giật phải dùng các thuốc chống co giật cho bệnh nhân. Trường hợp nạn nhân hôn mê có thể phải đặt ống nội khí quản thở máy.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.