Chiều 13/9, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết: Trên địa bàn huyện vẫn còn 2 xã Bảo Thắng, Bảo Nam và một phần của xã Chiêu Lưu, Hữu Lập đang bị chia cắt do đường giao thông bị sạt lở, đứt đường.
Lực lượng chức năng nỗ lực thông đường sau mưa lũ tại Kỳ Sơn (Ảnh Kỳ Sơn)
Cũng theo ông Rê, tại những vị trí sạt lở, nước ngầm chảy mạnh nên rất khó xử lý, dùng máy múc đi, lại tiếp tục bị sạt lở nhưng nếu không múc thì bị tắc đường.
“Huyện đang huy động thêm máy móc để khẩn trương khai thông đường giao thông; ngoài ra tiếp tế nhu yếu phẩm cho các khu vực bị chia cắt, đồng thời kiên quyết di dời những hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở cao”, ông Rê nói.
Trong khi đó, theo báo cáo ban đầu của UBND huyện Kỳ Sơn, đợt mưa lũ từ tối 4/9 đến sáng 5/9 trên địa bàn các xã Tà Cạ, Phà Đánh, Huồi Tụ, Hữu Kiệm, Hữu Lập, Chiêu Lưu, Bảo Nam, Tây Sơn, Na Ngoi và thị trấn Mường Xén đã gây thiệt hại nặng nề.
Cụ thể, các tuyến đường từ bản Khe Nằn, xã Chiêu Lưu đến bản Phù Khả 2, xã Na Ngoi: Sạt lở ta luy âm tổng chiều dài khoảng 100m (cần phải xây dựng hệ thống kè, làm lại mặt đường...), sạt lở ta luy dương khoảng 200m (cần phải cắt cơ, giảm tải và bạt mái), hiện ô tô chưa thể lưu thông.
Tuyến đường giao thông Hữu Lập - Bảo Nam sạt lở ta luy âm tổng chiều dài khoảng 300m (cần phải kè và nắn hướng dòng chảy, làm lại mặt đường....); sạt lở ta luy dương khoảng hơn 1.000m (cần phải cắt cơ, giảm tải và bạt mái). Một số công trình trên tuyến (Tràn, cống, mương..) do hiện tại lượng nước đang chảy tràn trên mặt cầu, chưa kiểm tra được.
Tuyến Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu đi xã Bảo Thắng sạt lở ta luy âm, có nhiều đoạn đã đứt gãy gần hết phần đường nhựa, tổng chiều dài sạt lở ta luy âm khoảng 500m (cần phải kè và nắn hướng dòng chảy, làm lại mặt đường....); sạt lở ta luy dương khoảng hơn 1.000m (cần phải cắt cơ, giảm tải và bạt mái). Một số công trình trên tuyến (Tràn, cống, mương..) hiện tại lượng nước đang chảy tràn trên mặt cầu, chưa kiểm tra được.
Ngoài ra, trên địa bàn có 12 bản đang bị cô lập về giao thông và nhiều tuyến mới chỉ đảm bảo lưu thông tạm thời chứ chưa khắc phục triệt để. Tổng khối lượng sạt lở của các tuyến đường bản khoảng hơn 10.000m3 (cần phải đào hốt sạt lở, căt cơ, giảm tải, nắm tuyến..).
Đối với các công trình công cộng, như hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt. Do hiện tại lượng nước từ đầu nguồn chảy về còn lớn, khối lượng đất đá, cây cối bồi lắng nhiều cho nên chưa kiểm tra cụ thể được. Nhưng qua nắm thông tin hiện tại có khoảng 6 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, và 15 công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng.
Lực lượng Công an Kỳ Sơn hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ (Ảnh Kỳ Sơn)
Với trường học, sập bờ rào xây Trường mầm non Chiêu Lưu 2 với chiều dài 50m, và 90m bờ rào thép B40, hệ thống đồ dùng dạy học, đồ chơi của các cháu bị lũ cuốn trôi; sập 60m bờ rào tường xây Trường Tiểu học Chiêu Lưu 2. Sập bờ kè và hàng rào xây Trường mầm non Phà Đánh với chiều dài 50m, cao 2m. Sạt lở bờ kè Trường Tiểu học Huồi Tụ 2 và có nguy cơ sạt lở phần nhà nội trú của trường Tiểu học Huồi Tụ 2…
Tính theo thống kê đến thời điểm hiện tại, thiệt hại về giao thông, công trình công cộng ước tính lên đến 77 tỷ đồng.
Về nhà cửa của người dân, có 138 nhà bị thiệt hại. Trong đó, có 8 nhà thiệt hại hoàn toàn, 1 nhà thiệt hại từ 50 - 70%, 16 nhà thiệt hại 30% -50%... Ước tính thiệt hại về nhà ở là 4,8 tỷ đồng.
Về nông nghiệp, mưa lũ cũng đã làm hư hỏng trên 50ha ruộng lúa của nhân dân xã Phà Đánh, Chiêu Lưu, Hữu Lập, Huội Tụ; sạt lở và cuốn trôi trên 10ha ao hồ nhỏ và hàng chục tấn cá các loại của các hộ dân xã Hữu Lập, Hữu Kiệm, Chiêu Lưu, Phà Đánh; cuốn trôi và vùi lấp gây chết 6 con bò, 3 con trâu trên 6 tháng tuổi và hàng nghìn con gồm lợn, dê, gia cầm khác của các hộ dân xã Chiêu Lưu, Hữu Kiệm, Hữu Lập, Bảo Nam… Ước tính thiệt hại vê nông nghiệp trên: 6,4 tỷ đồng.
Tổng ước tính thiệt hại ban đầu do mưa cục bộ gần 90 tỷ đồng.
Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, lãnh đạo và UBND huyện Kỳ Sơn đã huy động tối đa lực lượng, máy móc san gạt đất đá, thông đường trong thời gian sớm nhất. Trực tiếp xuống các xã để kịp thời thăm hỏi, động viên nhân dân, hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho 741 hộ dân đang bị bị cô lập.
Bố trí nơi ở tạm thời cho các hộ gia đình nhà ở bị sập hoàn toàn; và di dời các hộ gia đình ở nơi có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn 25 nhà /150 khẩu đến ở xen ghép anh em trong bản và nhà sinh hoạt cộng đồng bản.
UBND huyện cũng đã kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, tổ chức hỗ trợ đợt 1 gồm 3,7 tấn gạo, 741 thùng mỳ tôm, 741 chai nước mắm, gần 1000 gói bột canh. Công an huyện; Ban chỉ huy Quân sự huyện đã hỗ trợ 240 thùng mỳ tôm và các nhu yếu phẩm khác…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận