Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức Chủ tịch nước - Ảnh: TTXVN |
Năm 2018 khép lại với những thành tựu trên nhiều lĩnh vực và mọi mặt đời sống của đất nước. Dẫu vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, song kết quả của những nỗ lực trong năm vừa qua là tiền đề rất quan trọng cho sự bứt phá trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Báo Giao thông bình chọn 10 sự kiện nổi bật năm 2018.
1. Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước
Ngày 23/10, tại kỳ họp thứ 6, khóa XIV, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước với tỷ lệ tán thành 99,79%. Đây là lần thứ ba nước ta có người đứng đầu Đảng, đồng thời là người đứng đầu Nhà nước. Trước đó, hai người giữ chức vụ cao nhất trong Đảng từng đảm nhận chức danh đứng đầu Nhà nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh.
Sau lễ tuyên thệ của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhiều ĐBQH, chuyên gia đều bày tỏ mong muốn từ nay về sau, Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ trở thành chế định vì phù hợp với xu thế. Nói như ĐBQH, nhà sử học Dương Trung Quốc, điều này mở ra nhiều thuận lợi, nhất là về đối ngoại. Hơn nữa, nếu người đứng đầu Đảng đồng thời đứng đầu Nhà nước thì khi xử lý những công việc thuộc trách nhiệm, quyền hạn của mình sẽ rất nhanh, không phải trải qua các quy trình về nguyên tắc lãnh đạo, không cần triển khai nhiều thủ tục.
Nhà báo Nhị Lê, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, khi trả lời phỏng vấn Báo Giao thông đã bày tỏ, đây là thời điểm chín muồi để thực hiện chủ trương Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước. Và nếu chủ trương này được thực hiện từ Trung ương xuống cấp xã sẽ (bí thư đồng thời là chủ tịch) sẽ giảm ngay được khoảng 13.000 người giữ chức vụ lãnh đạo.
Công ty Điện tử Samsung đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của Việt Nam (Trong ảnh: Sản xuất ĐTDĐ tại SamsungThái Nguyên) - Ảnh: Bá Tân |
2. GDP tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2018 (VBF 2018), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ước tính tăng trưởng GDP 2018 đạt khoảng 7% (năm 2017 là 6,7%), mức cao nhất trong 10 năm qua.
Còn theo số liệu thống kê năm 2018 được Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) công bố chiều 27/12, GDP năm 2018 tăng 7,08%. GDP bình quân đầu người khoảng 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD. Mức này tăng 198 USD so với năm 2017.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, đây là mức tăng trưởng ấn tượng, cao hơn nhiều nước trong khu vực và cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008. Mức tăng trưởng GDP này cũng ghi dấu lần hiếm hoi tăng trưởng của Việt Nam cao hơn Trung Quốc.
Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Chính phủ đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã đề ra.
Đáng lưu ý, mức tăng trưởng ấn tượng này lại đạt được trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động. Nổi lên là cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc - hai đối tác thương mại lớn bậc nhất của Việt Nam trong suốt những năm qua.
Theo Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2018, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 nhờ vào động lực chính là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành dịch vụ; nông, lâm, thuỷ sản tăng trưởng tốt. Nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì và củng cố. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu kỷ lục trên 240 tỷ USD (riêng kim ngạch xuất khẩu nông sản lập kỷ lục với hơn 40 tỷ USD) góp phần làm cán cân thanh toán tổng thể thặng dư ở mức cao.
Kết quả trên cho thấy, phương châm hành động “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi vào cuộc sống, tạo ra những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế.
Bộ Công an bỏ cấp tổng cục, giảm hàng chục đơn vị cấp cục |
3. Quyết liệt triển khai sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế
Sau các Nghị quyết 18 và 19 của T.Ư về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, nhiều bộ ngành, địa phương đã gương mẫu, tiên phong thực hiện và đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Trong đó, điển hình là Bộ Công an. Sau khi sắp xếp lại, Bộ này xóa bỏ 6 tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp cục. Khi sắp xếp đơn vị cấp cục thì giảm gần 300 đơn vị cấp phòng. Ở công an địa phương, sau khi sắp xếp 20 đơn vị Cảnh sát PCCC về Công an tỉnh thì tại địa phương giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng và gần 1.000 đơn vị cấp đội. Tương tự, việc sắp xếp lại, giảm đầu mối tại các bộ ngành khác cũng được triển khai thực hiện rất quyết liệt.
Tại các địa phương, dù Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện chưa được ban hành nhưng nhiều địa phương đã chủ động sáp nhập các sở, ngành có chức năng tương đồng. Trong đó, tỉnh Lào Cai đã đi đầu hợp nhất Sở GTVT và Sở Xây dựng thành Sở GTVT - Xây dựng; Hà Giang quyết định hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh uỷ với Sở Nội vụ, cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ với Thanh tra tỉnh, Đảng bộ khối DN tỉnh với Đảng bộ khối cơ quan tỉnh; Hải Phòng tiến hành hợp nhất một loạt cơ quan Đảng với chính quyền ở cấp huyện...
Mặc dù vậy, việc sắp xếp lại bộ máy của các bộ ngành, địa phương dường như mới chỉ dừng lại ở việc sắp xếp một cách cơ học, mang tính lắp ghép, bởi cho đến nay vẫn chưa có một báo cáo đánh giá cụ thể về hiệu quả sau sắp xếp. Tương tự, việc tinh giản biên chế chủ yếu đều rơi vào những trường hợp sắp đến tuổi nghỉ hưu.
4. Kỷ lục quan chức, tướng lĩnh bị kỷ luật, dính vòng lao lý
Năm 2018 được coi là năm có nhiều quan chức từ Trung ương đến địa phương bị kỷ luật, khởi tố nhất. Đây là kết quả của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động. Một năm qua, cứ mỗi dịp cuối tuần, người dân lại trông ngóng thông cáo kết luận các phiên họp của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương xem những quan chức nào bị kỷ luật, hay ngóng tin trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an xem những ai là “thanh củi” tiếp theo bị cho “vào lò”.
Năm 2018, theo các thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đã có 39 người bị kỷ luật, trong đó có 3 Ủy viên Trung ương (nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Tất Thành Cang, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Trần Quốc Cường), 11 tướng lĩnh công an và quân đội. Tính đến nay, đã có 8 quan chức, cựu quan chức bị khởi tố, trong đó có hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến, hai cựu Phó chủ tịch UBND TP HCM là Nguyễn Hữu Tín và Nguyễn Thành Tài. Trong ngành công an, ông Bùi Văn Thành bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng và bị cách chức Thứ trưởng Bộ Công an, sau đó bị khởi tố; Ông Trần Việt Tân bị xóa tư cách Thứ trưởng Bộ Công an giai đoạn 2011-2016 và cũng bị khởi tố sau đó. Ba người đã bị kết án tù là nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo - Bộ Công an Phan Hữu Tuấn, nguyên Cục trưởng C50 - Bộ Công an Nguyễn Thanh Hóa.
Nói về cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, chống tham nhũng phải vừa kiên quyết, quyết liệt nhưng phải rất nhân văn. Ông cho rằng, bao che cho cán bộ mới làm mất uy tín của Đảng, làm cán bộ hư hỏng, còn xử lý cán bộ chỉ làm cho Đảng mạnh thêm, vì thế, cuộc đấu tranh này càng lấy lại uy tín của Đảng.
5. “Siêu ủy ban” quản lý vốn ra đời
Cuối tháng 9, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước chính thức ra mắt. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một cơ quan chuyên trách trong việc quản lý vốn Nhà nước tại DN. Theo đó, 19 tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế đã được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về “siêu ủy ban” với tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng (khoảng 100 tỷ USD).
“Siêu ủy ban” này ra đời hứa hẹn sẽ thay đổi căn bản cách thức quản lý vận hành của nhiều DNNN, quy về một mối thay vì phân tán, “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như lâu nay. Việc tách chức năng chủ sở hữu ra khỏi chức năng quản lý Nhà nước là bước tiến đáng ghi nhận, kỳ vọng sẽ cải thiện hoạt động quản trị của các DN Nhà nước, góp phần gia tăng hiệu quả của khối DN này.
Còn quá sớm để đánh giá về hiệu quả của mô hình này. Song, chỉ sau một thời gian ngắn chuyển về ủy ban, nhiều doanh nghiệp đã tỏ ra lo lắng khi cơ chế vận hành của ủy ban chưa hoàn thiện, chưa ra đời được cơ chế vận hành mới. Nếu không sớm hoàn thiện và đưa ra được cơ chế đột phá, “Siêu ủy ban” này dễ trở thành cơ quan chủ quản mới của doanh nghiệp và không khác gì so với cơ chế bộ chủ quản doanh nghiệp của các bộ, ngành trước đây. Khi đó, dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp sẽ chịu cảnh “một cổ nhiều tròng”.
Cầu Cao Lãnh hiện đại đi vào hoạt động thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp và vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển - Ảnh: Lê Quân |
6. Nhiều đại công trình giao thông đầu tư BOT hoàn thành
Năm 2018, ngành GTVT hoàn thành nhiều công trình giao thông lớn như: Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Hòa Lạc - Hòa Bình; Hạ Long - Hải Phòng; Hạ Long - Vân Đồn; cầu Bạch Đằng; cầu Ba Vì - Việt Trì, CHK quốc tế Vân Đồn... Trong bối cảnh hình thức đầu tư BOT giao thông gặp khó, nhưng phần lớn các công trình trên đều được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp.
Đặc biệt, CHK quốc tế Vân Đồn là dự án đầu tiên 100% do tư nhân tự bỏ vốn đầu tư. Sân bay này thuộc diện hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay với nhiều thiết bị đạt chuẩn quốc tế. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng. Thời gian đầu, Vân Đồn dự kiến đón khoảng 2 triệu khách/năm và có thể được mở rộng về lâu dài để đón được khoảng 10 triệu khách/năm. Đây là CHK quốc tế cấp 4E đón được những loại máy bay lớn và hiện đại nhất thế giới như: A350, B777 với nhiều hạng mục độc đáo, ấn tượng. Mái vòm nhà ga được thiết kế độc đáo, lấy cảm hứng từ hình ảnh những cánh buồm nâu no gió, xếp chồng lên nhau hướng ra biển lớn.
Các dự án hoàn thành, đưa vào khai thác góp phần thay đổi diện mạo giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tốt hơn của người dân.
7. Rúng động gian lận thi cử ở nhiều địa phương
Ngay từ khi nhậm chức, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thể hiện rõ quyết tâm, nỗ lực cải cách, đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, khi chưa kịp đổi mới thì ngành Giáo dục đã liên tiếp vướng vào những vụ việc gây xôn xao dư luận.
Ngày 11/7, Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT Quốc gia 2018 của hơn 900.000 thí sinh. Điểm giỏi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bất ngờ tăng vọt, trong khi đây đều là những tỉnh vốn có tỷ lệ học sinh bỏ học cao và tỷ lệ tốt nghiệp THPT thấp nhất cả nước.
Vào cuộc, Bộ GD&ĐT và Bộ Công an phát hiện hàng trăm bài thi tự luận và trắc nghiệm đã bị sửa chữa, nâng điểm. Công an điều tra vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại 3 tỉnh. 10 cán bộ ngành Giáo dục, trong đó có cả Phó giám đốc Sở đã bị khởi tố. Kể từ khi tổ chức thi THPT Quốc gia năm 2015, đây là vụ gian lận đầu tiên được phát hiện. Đây cũng là vụ bê bối có quy mô lớn nhất, diễn ra trên nhiều tỉnh, có sự tham gia của cán bộ, lãnh đạo ngành Giáo dục địa phương.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo về tình hình tổ chức thi THPT Quốc gia năm 2018 và việc xử lý tiêu cực trong khâu chấm thi ở một số địa phương, đồng thời, xin nhận trách nhiệm với tư cách người đứng đầu ngành về những sai phạm này.
Không chỉ gian lận thi cử, hàng loạt các sự việc nhỏ lẻ khác xảy ra trong ngành Giáo dục nhưng đã khiến dư luận dậy sóng như: Vụ cô giáo phạt tát học sinh 231 cái; vụ hiệu trưởng dâm ô hàng loạt nam sinh ở Phú Thọ... Chưa khi nào ngành Giáo dục khiến dư luận dồn sự chú ý như năm 2018 vừa qua.
Taxi truyền thống đang phải cạnh tranh khốc liệt với taxi công nghệ (Trong ảnh: Khách hàng dễ dàng đặt xe thông quaứng dụng gọi xe của Grab) |
8. Cuộc chiến pháp lý giữa taxi công nghệ và truyền thống chưa có hồi kết
Sự xuất hiện của taxi công nghệ như Grab, Uber đã tạo ra sự phản đối mạnh mẽ từ các hãng taxi truyền thống mà đỉnh điểm là vụ việc Vinasun khởi kiện Grab ra tòa, đòi bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng.
Vinasun cho rằng, hoạt động của Grab đã gây nhiều hệ lụy cho công ty này. Phía Grab lại cho rằng, tòa án không có thẩm quyền giải quyết vụ kiện. Sau nhiều tháng xét xử, đến ngày 30/11, khi được tòa hỏi “có muốn hòa giải không”, đại diện Vinasun và Grab lần lượt chấp nhận. Phiên tòa được hoãn lại và sẽ công bố lịch xét xử vào thời gian tới. Như vậy, dù hai bên bắt tay tạm dừng “cuộc chiến”, nhưng không vì thế những tranh cãi pháp lý sẽ chấm dứt.
Công bằng mà nói, câu chuyện quản lý hoạt động của Uber - Grab hiện là vấn đề hóc búa đối với nhiều quốc gia trên thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam.
Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, hiện nay các nước cũng đang chưa rõ về định hình loại hình kinh tế chia sẻ, nước thì phạt, nước thì cấm, nước thì đánh thuế kiểu này, nước đánh thuế kiểu kia.
Sau quá trình đi nghiên cứu ở nhiều nước, đa phần các nước khuyên chúng ta nên để kinh tế chia sẻ tự phát triển, không nên can thiệp quá sâu. Bởi vì, đây là loại hình quá mới, phát triển và thay đổi rất nhanh. “Ngay như trong vụ tranh chấp giữa Grab và Vinasun, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình có hỏi ý kiến tôi và tôi cho rằng nên tạm dừng vụ kiện lại, phải nghiên cứu thêm. Tôi thiên về hướng hoà giải giữa hai bên bởi kiện nhau cũng không có cơ sở pháp lý để xử”, ông Dũng chia sẻ.
Cú xoay váy của H"Hen Nie tại Chung kết Miss Universe 2018. Cô lọt Top 5 chung cuộc |
9. Nhan sắc Việt thăng hạng trên bản đồ thế giới
Theo chuyên trang sắc đẹp uy tín quốc tế Global Beauties, năm 2018 là năm “leo thang” của nhan sắc Việt. Cụ thể, nhan sắc Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 8 trên bản đồ sắc đẹp thế giới, tăng 11 bậc so với năm 2017. Danh sách này dựa trên thành tích của các người đẹp ở những “đấu trường” nhan sắc lớn trên thế giới như: Miss World, Miss Universe, Miss Earth, Miss Supranational và Miss Grand International.
Năm qua, các người đẹp Việt đã có nhiều thành tích đáng nể như: H’hen Niê (Top 5 Miss Universe), Minh Tú (Top 10 Miss Supranational), Tiểu Vy (Top 30 Miss World, top 5 dự án nhân ái ấn tượng của Miss World), Phương Nga (Top 10 Miss Grand International), Phương Khánh (đăng quang Miss Earth 2018). Ngoài ra, Hương Giang cũng là quán quân của một cuộc thi nhan sắc khá đặc biệt là Hoa hậu Chuyển giới quốc tế (Miss International Queen 2018).
Đặc biệt, hiếm có khi nào nhan sắc Việt Nam lại được bạn bè quốc tế chú ý với câu chuyện truyền cảm hứng như Hoa hậu H’hen Niê. Gạt bỏ những nghi ngại của khán giả trong nước từ khi đăng quang vì không đẹp theo “mẫu chuẩn”, H’hen Niê đã cho thấy, sự khác biệt không phải lúc nào cũng là yếu thế, mà khác biệt chính là lợi thế. Chỉ cần nỗ lực, tài năng sẽ được công nhận.
Đội tuyển Việt Nam đoạt cúp vô địch AFF Cup 2018 |
10. Năm thành công nhất của bóng đá Việt Nam
2018 có thể coi là năm thành công nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam từ trước đến nay. Ngay đầu năm, đội tuyển U23 Việt Nam đã thi đấu xuất sắc, giành ngôi Á quân giải U23 châu Á 2018 diễn ra tại Trung Quốc. Tới tháng 8, tuyển Olympic Việt Nam tiếp tục chơi bùng nổ để lần đầu tiên góp mặt trong top 4 đội mạnh nhất môn bóng đá nam ASIAD 2018. Cả hai đều là những chiến công lịch sử, gây tiếng vang lớn và đưa bóng đá Việt Nam lên một vị thế mới trên trường quốc tế.
Tiếp đà hưng phấn, tháng 12/2018, đội tuyển Việt Nam tiến một mạch tới trận chung kết AFF Cup 2018 và đánh bại Malaysia để lên ngôi vô địch sau 10 năm chờ đợi.
Để có được những chiến công này, bóng đá Việt Nam đã phải trải qua quá trình bồi đắp, tích lũy lực lượng suốt nhiều năm qua. Công tác đào tạo trẻ phát triển rộng khắp, các lò đào tạo cũng chú trọng tới việc rèn đức cho các cầu thủ bên cạnh luyện tài. Nhờ vậy, U23 Việt Nam, Olympic Việt Nam và đội tuyển Việt Nam mới có được dàn cầu thủ toàn diện.
Tất nhiên, không thể không nhắc tới vai trò của HLV Park Hang-seo. Dù mới chỉ tới Việt Nam khoảng 1 năm nhưng nhà cầm quân người Hàn Quốc đã nhanh chóng thể hiện tài cầm quân. Những tố chất nhanh, khéo của cầu thủ Việt Nam được phát huy tối đa, đặt trong hệ thống chiến thuật hợp lý, tạo ra một tập thể gắn kết. Từ tiền đề như vậy, bóng đá Việt Nam có quyền kỳ vọng vào năm 2019 với nhiều thành công hơn nữa.
Thậm chí, phát biểu tại hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam giữa tháng 12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn lại câu chuyện thành công của Đội tuyển Việt Nam và mong muốn “tinh thần Park Hang-seo” cần được áp dụng trong phát triển kinh tế, thể hiện “có tầm nhìn trong bố trí đội hình, dành nguồn lực, thể lực và tiến lên”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận