Chính trị

10 sự kiện nổi bật năm 2022

03/01/2023, 06:00

Năm 2022, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, thế giới xảy ra nhiều biến động, bất ổn, tác động tiêu cực trên quy mô toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam là điểm sáng khi sớm kiểm soát được dịch bệnh, phục hồi phát triển kinh tế và đạt được những thành tựu ấn tượng, được thế giới ghi nhận. Báo Giao thông bình chọn 10 sự kiện nổi bật năm 2022.

1. Trung ương ban hành hàng loạt Nghị quyết quan trọng

img

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5 (Khóa XIII)

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5 và 6 ban hành nhiều nghị quyết quan trọng để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trong đó nổi bật là Nghị quyết số 27 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 28 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 29 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Nghị quyết số 18 được xem là sẽ tạo ra sự đột phá trong quản lý sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Nghị quyết mở đường để Chính phủ xây dựng dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và chính thức trình Quốc hội với nhiều chủ trương quan trọng như bỏ khung giá đất, việc thu hồi đất chỉ làm sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt.

Đất công dùng không đúng mục đích sẽ bị thu hồi. Người có nhiều nhà, đất, đầu cơ đất, chậm sử dụng hoặc bỏ đất hoang sẽ bị áp thuế cao.

Lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 của 6 vùng kinh tế nhằm phát huy lợi thế của mỗi vùng, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên kết vùng.

2. Nhiều dấu ấn ngoại giao nâng tầm vị thế Việt Nam

img

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bắt tay Tổng thống Yoon Suk Yeol trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc hồi đầu tháng 12/2022

Việt Nam được bầu là Phó chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc và thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (lần thứ hai).

Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc Abdulla Shahid nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia hình mẫu của Liên hợp quốc, có nhiều đóng góp quan trọng củng cố chủ nghĩa đa phương.

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế của Việt Nam được tăng cường, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của nước ta và giữ vững môi trường ổn định, thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước.

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cuối tháng 10 là sự kiện đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc. Chuyến thăm thành công tốt đẹp trên tất cả các phương diện.

Trong năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có các chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore, Hàn Quốc, Indonesia...; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Campuchia; tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, Hội nghị cấp cao ASEAN, thăm chính thức Bỉ, Hà Lan, Luxembourg...; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Hungary, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Lào, Campuchia, Philippines, Australia, New Zealand...

Nhiều lãnh đạo và đoàn cấp cao của các nước và đối tác từ các khu vực khác nhau đã đến Việt Nam như Nhật Bản, Úc, Malaysia, New Zealand, Ấn Độ, Đức, Nigeria, Singapore…

3. Chống tham nhũng không ngơi nghỉ

Năm 2022, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng tiếp tục được đẩy mạnh.

Toàn bộ 63 Ban Thường vụ Tỉnh ủy/Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các địa phương.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ và đồng bộ của các Ban Chỉ đạo ở trung ương và địa phương, nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực có sự móc ngoặc, thông đồng từ trung ương đến địa phương, giữa một số lãnh đạo các cấp với doanh nghiệp và đặc biệt các đại án có sự tham gia của các doanh nghiệp ngoài Nhà nước như: Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, AIC… đã được đưa ra ánh sáng.

Hàng loạt quan chức cấp cao tiếp tục bị kỷ luật, xử lý hình sự, cho thôi giữ các chức vụ tiếp tục cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đồng thời kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp theo phương châm: “Có vào, có ra, có lên, có xuống”… được cán bộ, nhân dân đồng tình ủng hộ.

4. Tăng trưởng GDP cao nhất khu vực

img

Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 ghi nhận mức cao nhất giai đoạn 2011-2022 (Ảnh minh họa)

Bất chấp tình hình thế giới và trong nước biến động, Chính phủ vẫn chỉ đạo thực hiện được 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao trong năm 2022.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,03%, ghi nhận mức cao nhất giai đoạn 2011- 2022, (vượt mục tiêu 6- 6,5% do Quốc hội giao), cao nhất trong khu vực. Lạm phát đi ngược với lạm phát cao của toàn cầu, được kiểm soát ở mức thấp 3,15% (đạt mục tiêu Quốc hội giao dưới 4%).

Kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 700 tỷ USD, lập đỉnh mới sau kết quả gần 670 tỷ USD năm ngoái; vốn FDI thực hiện gần 20 tỷ USD, mức tăng cao nhất trong 5 năm qua; thu ngân sách Nhà nước tăng gần 8% so với 2021. Số doanh nghiệp quay lại hoạt động gấp 1,5 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Theo đánh giá, đây chính là thắng lợi kép của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường.

5. Mở cửa bầu trời, khống chế dịch Covid-19

Gần hai năm đóng cửa bầu trời, từ 15/2, Việt Nam mở lại toàn bộ đường bay quốc tế và tiến tới dỡ bỏ nhiều quy định phòng chống Covid-19 như xét nghiệm, khai báo y tế… giúp khơi thông giao thương giữa Việt Nam với các nước, khôi phục du lịch.

Tháng 3/2022, cả nước ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc Covid-19 mỗi ngày nhưng bằng kinh nghiệm chống dịch trong thời gian dài cộng với tỉ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cao và hiệu quả, biến chủng mới làm ca mắc tăng nhanh nhưng tỉ lệ ca nặng giảm đã giúp Việt Nam khống chế được dịch.

Tuy nhiên đến nay, ngành y tế vẫn ngổn ngang khó khăn, thách thức. Nổi cộm là tình trạng thiếu thuốc, vật tư, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh.

6. Đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

img

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành bấm nút phát lệnh khởi công cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025..Ảnh: Lê Đức

Sáng 1/1/2023, tại Quảng Ngãi, Thủ tướng Phạm Minh Chính bấm nút khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công.

Lễ khởi công được triển khai đồng loạt tại 12 điểm cầu đã tạo khí thế mới trong năm 2023.

Đây là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt sát sao của Quốc hội, Chính phủ khi thông qua chủ trương đầu tư dự án, cho phép áp dụng nhiều cơ chế đặc thù, xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương nhằm thực hiện được mục tiêu đến năm 2025, cả nước có được 3.000km cao tốc và 5.000km vào năm 2030.

Chỉ trong gần 1 năm, một khối lượng công việc lớn đã được giải quyết, từ khâu chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng, đảm bảo đủ điều kiện khởi công theo quy định của pháp luật toàn bộ 12 dự án thành phần, rút ngắn 1/2 thời gian làm thủ tục so với cách làm trước đây.

Dự án có tổng chiều dài 729km được chia thành 12 dự án thành phần, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (109km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau).

Sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. Dự án được đầu tư quy mô phân kỳ với mặt cắt ngang quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, tốc độ thiết kế 100 - 120km/h trên tất cả 12 đoạn tuyến.

7. Thu phí tự động không dừng trên toàn quốc

img

Từ ngày 1/8, các tuyến cao tốc trên toàn quốc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC)

Từ ngày 1/8, các tuyến cao tốc trên toàn quốc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) với sự chuẩn bị chu đáo của ngành GTVT, các địa phương đặt trạm thu phí và nhận được sự đồng thuận rất lớn của chủ xe, lái xe.

Đến nay, đã có hơn 4 triệu phương tiện (hơn 90%) dán thẻ thu phí không dừng, đạt mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Toàn bộ 141 trạm thu phí trên toàn quốc đủ điều kiện triển khai lắp đặt hoàn thiện thiết bị thu phí ETC. Trong số này, có 66 trạm với 382 làn thu phí do Bộ GTVT quản lý; 29 trạm với 117 làn do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý và 46 trạm với 302 làn do địa phương quản lý.

Việc chỉ thu phí ETC giúp xe qua trạm nhanh hơn, không ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường, minh bạch nguồn thu.

8. Lần đầu tiên khan hiếm xăng dầu

img

Nhiều cây xăng tại Hà Nội tạm ngừng hoặc bán nhỏ giọt vào thời điểm tháng 10, tháng 11

2022 là năm thị trường xăng dầu có nhiều biến động khi chịu ảnh hưởng mạnh từ thế giới và bộc lộ rõ nhiều bất cập trong việc quản lý. Đỉnh điểm là vào tháng 8, hàng loạt cây xăng tại TP.HCM, các tỉnh phía Nam đồng loạt đóng cửa. Người dân chen chúc hàng giờ chờ tới lượt đổ nhiên liệu. Khan hiếm xăng dầu sau đó lan ra phía Bắc, nhất là tại Hà Nội, nhiều cây xăng ngừng hoặc bán nhỏ giọt vào tháng 10, tháng 11.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước đã gấp rút đưa ra giải pháp tháo gỡ tình trạng này.

Thị trường xăng dầu hiện đã ổn định hơn sau những nỗ lực điều phối từ cơ quan quản lý. Bộ Công thương đang trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi một số quy định trong kinh doanh xăng dầu (Nghị định 95/2022).

9. Xử lý nhiều sai phạm thị trường bất động sản, trái phiếu

Năm 2022, lĩnh vực bất động sản đối mặt hàng loạt khó khăn xuất phát từ việc thị trường đóng băng trong bối cảnh ngân hàng siết tín dụng, nguồn vồn từ phát hành trái phiếu bị tắc, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn như: FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát vướng vòng lao lý.

Chứng khoán Việt Nam cũng trải qua một năm đầy sóng gió khi VN-Index giảm khoảng 30% so với cuối năm 2021, có lúc chạm đáy 874 điểm. Thanh khoản giảm mạnh, chứng khoán trong nước nhiều lần là thị trường có chỉ số đại diện đội sổ trên bảng xếp hạng toàn cầu. Nhiều cổ phiếu chia 2-3 lần thị giá từ đỉnh xuất phát từ các thông tin tiêu cực về thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực khi một số vụ án liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị khởi tố. Ngày 16/9, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán trái phiếu doanh nghiệp; yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục rà soát sửa đổi các quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và an toàn, an ninh thị trường tài chính tiền tệ.

10. Ấn tượng SEA Games 31 và kỳ tích bóng đá nữ Việt Nam

img

Tại kỳ SEA Games trên sân nhà, Đoàn Thể thao Việt Nam xuất sắc đứng đầu bảng với 205 HCV (Trong ảnh: VĐV Lương Đức Phước vỡ òa trong giây phút giành HCV nội dung chạy 1.500m nam vào chiều 14/5)

Tháng 5/2022, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) đã diễn ra tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố. Dù quá trình chuẩn bị ngắn, trong điều kiện dịch bệnh song Việt Nam vẫn tổ chức thành công, gây ấn tượng với bạn bè quốc tế.

Tại kỳ SEA Games trên sân nhà, Đoàn Thể thao Việt Nam xuất sắc đứng đầu bảng tổng sắp với 205 HCV, 125 HCB và 1116 HCĐ. Đáng chú ý, cả đội tuyển U23 Việt Nam và đội tuyển nữ Việt Nam đều bảo vệ thành công tấm HCV bóng đá.

Ngoài việc bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games, đội tuyển nữ Việt Nam gây tiếng vang lớn khi giành vé chính thức tham dự World Cup 2023. Đây là lần đầu tiên bóng đá nữ Việt Nam góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.