Chất lượng sống

100 bệnh viện vệ tinh được chuyển giao kỹ thuật cao

15/11/2018, 09:26

Hiện, cả nước có 22 bệnh viện hạt nhân với trên 100 bệnh viện vệ tinh giúp bệnh nhân tiếp cận kỹ thuật cao...

17

Một ca phẫu thuật ở Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh 

Tuyến dưới làm chủ kỹ thuật cao

Mới đây, một cụ ông 90 tuổi (trú tại Nha Trang, Khánh Hòa) bị gãy xương đùi, bác sĩ chỉ định thay khớp háng phải. Thay vì vượt hơn 450km vào các bệnh viện lớn ở TP HCM điều trị, cụ ông được bác sĩ BV Đa khoa tỉnh Khánh Hoà thay khớp háng nhân tạo thành công. Các bác sĩ tại đây làm chủ được kỹ thuật cao nhờ chuyển giao từ đề án bệnh viện vệ tinh của BV Chợ Rẫy.

Tương tự, nam bệnh nhân 70 tuổi vừa được can thiệp tim mạch tại BV Đa khoa tỉnh Lâm Đồng sau cơn nhồi máu cơ tim cấp. Nhờ bác sĩ ở địa phương được chuyển giao kỹ thuật đặt stent can thiệp từ BV Nhân dân Gia Định (TP HCM), bệnh nhân không phải di chuyển đi xa vừa tốn kém lại ảnh hưởng sức khỏe, chữa trị kịp thời trong “thời gian vàng”.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Hiệp, Trưởng khoa Khám bệnh cấp cứu, Đơn vị Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, sau hơn 2 năm hoạt động, đơn vị triển khai can thiệp 387 trường hợp. Tỷ lệ thành công hơn 97%. Nhiều khách du lịch đột ngột nhồi máu cơ tim cấp được cấp cứu, can thiệp kịp thời. Hiện, đơn vị triển khai thêm can thiệp mạch máu não, tắc mạch trong u xơ tử cung, tắc mạch tiền liệt tuyến.

Mới đây, Khoa Ngoại và Chuyên khoa, BV Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận bé Nguyễn T.L. (1 ngày tuổi, thường trú tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) trong tình trạng dị tật vùng hậu môn. Qua hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán dị tật vùng hậu môn trực tràng và chỉ định phẫu thuật cắt khối u vùng cùng cụt cho trẻ. Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng hơn 1 giờ, các bác sĩ đã tiến hành cắt u, bảo tồn cơ thắt hậu môn cho trẻ. Sau ca mổ cấp cứu thành công, hiện tại mạch và huyết áp bệnh nhân ổn định. BS. Trịnh Trương Tuyên cho biết: Trường hợp bé L. tiên lượng nặng, cần chuyển mổ cấp cứu ngay, để lâu khối u sẽ có nguy cơ lớn nhanh ảnh hưởng đến sức khỏe, khó khăn cho việc phẫu thuật, sau mổ bệnh nhân có vết mổ dài, nằm gần vùng hậu môn nên bé được chăm sóc đặc biệt tại Khoa Sơ sinh...

Giảm gánh nặng cho tuyến trên

Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 được Bộ Y tế triển khai nhằm giảm tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao hoạt động khám chữa bệnh thông qua đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cấp các cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao ở tuyến dưới.

Là một đơn vị y tế hạt nhân, PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết, công tác chỉ đạo tuyến bệnh viện vệ tinh là 1 trong 7 nhiệm vụ chính của BV Chợ Rẫy. Với đề án này, mục tiêu chính là hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cao về các bệnh viện tuyến cơ sở, đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới, góp phần giảm tải cho các tuyến trên. Sau 6 tháng đầu năm 2018, kết quả đạt được với 12 chuyên khoa BV Chợ Rẫy được đào tạo chuyển giao kỹ thuật; triển khai 20 bệnh viện vệ tinh; 35 gói kỹ thuật được chuyển giao; 81 học viên nhận chuyển giao; học viên được đào tạo tại BV Chợ Rẫy đạt 85%; thực hiện chuyển giao kỹ thuật tại địa phương đạt 40% so với kế hoạch đề ra…

Đề án bệnh viện vệ tinh đã chuyển sang giai đoạn 2, mở rộng mô hình bệnh viện vệ tinh ra 63 tỉnh, thành. Hiện, cả nước có 22 bệnh viện hạt nhân với trên 100 bệnh viện vệ tinh nằm trong với 10 chuyên ngành là nội, ngoại - chấn thương, sản nhi, ung bướu, tim mạch, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, ngày càng nhiều người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến dưới, tuyến cơ sở. Các chỉ số sức khỏe của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, đặc biệt trong việc hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ của lĩnh vực y tế, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Còn theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, để việc chuyển giao giữa các bệnh viện vệ tinh và các bệnh viện hạt nhân đạt kết quả tốt cần có sự khảo sát giữa tuyến trên và tuyến dưới, giữa nhu cầu của tuyến dưới và sự đáp ứng của tuyến trên.

Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố cũng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như cải tạo, đầu tư xây mới nhiều bệnh viện; thành lập mạng lưới bệnh viện vệ tinh; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; thực hiện luân phiên bác sĩ; ban hành tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện; cải tiến quy trình khám, chữa bệnh; thí điểm mô hình bác sĩ gia đình. Những giải pháp đó đã mang lại kết quả tích cực, tình trạng nằm ghép tại các bệnh viện đã cải thiện; thời gian chờ khám bệnh giảm; người dân được khám, chữa bệnh với kỹ thuật cao tại nhiều bệnh viện vệ tinh, bệnh viện tuyến tỉnh; tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên giảm. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.