Sức khỏe bệnh nhân nhiễm độc methanol điều trị ở BV Bạch Mai ra sao?
Liên quan tới vụ nhiều công nhân của công ty HS Tech Vina ở Bắc Ninh ngộ độc methanol, BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết: “Tại đây đang điều trị 1 bệnh nhân nhiễm độc methanol tổn thương não và mắt nặng, tiên lượng di chứng cả não và mắt. Còn 3 bệnh nhân nhiễm độc methanol khác giảm thị lực nặng đang điều trị tại khoa Mắt và tiên lượng nguy cơ di chứng”.
Được biết, tổng số công nhân được khám, xét nghiệm, cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai và BV ĐK tỉnh Bắc Ninh từ cuối tháng 2 đến nay là 108 người, trong đó 37 người bị nhiễm độc methanol với các mức độ khác nhau, cụ thể gồm: 22 người nhiễm methanol chưa có triệu chứng; 8 người nhiễm độc methanol mức độ nhẹ chỉ có thay đổi nhẹ trên khí máu động mạch, chưa có tổn thương cơ quan, chưa có triệu chứng lâm sàng; 7 người nhiễm độc methanol mức độ nặng hoặc nguy kịch, trong đó tử vong 1 người, 4 người tiên lượng di chứng giảm nặng hoặc mất khả năng nhìn, 1 người di chứng nặng với não (rối loạn ý thức, rối loạn vận động,…).
Một công nhân của Công ty HS Tech Vina - Bắc Ninh bị ngộ độc methanol được điều trị tại BV Bạch Mai
Theo chia sẻ của các bệnh nhân, họ cùng làm việc tại Công ty HS Tech Vina ở Bắc Ninh, sản xuất linh kiện điện tử; tại đó, có một loại linh kiện bằng kim loại được sản xuất từ công đoạn cắt bằng dao. Trong công đoạn này, máy có phun cồn ethanol để làm mát dao cắt.
Đồng thời, một số linh kiện sau đó không sạch sẽ được các công nhân chấm lau sạch bằng cồn ethanol.
Biểu hiện nhiễm độc của methanol:
Ngộ độc/nhiễm độc cấp tính: mờ mắt, giảm thị lực, mù, đau đầu, buồn nôn, nôn, rối loạn ý thức, hôn mê, co giật, tổn thương não, nhiễm toan chuyển hóa, sốc, tổn thương đa tạng, tử vong hoặc di chứng mù mắt, giảm thị lực, hôn mê, rối loạn vận động,…
Ngộ độc/nhiễm độc mạn tính: đau đầu, chóng mặt, choáng váng, mất ngủ, viêm kết mạc, nhìn mờ, mù. Trên thai nhi: các nghiên cứu trên động vật cho thấy methanol có thể gây dị tật trên xương, tim mạch, tiết niệu và thần kinh trung ương.
Sau khi hàng loạt công nhân tại đây được phát hiện nhiễm độc methanol, thì loại cồn được sử dụng đã gửi tới Trung tâm Chống độc xét nghiệm, kết quả cho thấy nồng độ methanol là 77,83%, không có ethanol.
Các công nhân ở đây đã nhiễm độc methanol qua đường hô hấp do hít phải không khí có nhiễm methanol và có thể một phần qua da khi da tiếp xúc trực tiếp với cồn.
Cồn methanol độc hại “núp” bóng ethanol
BS. Nguyễn Trung Nguyên cho biết, cồn methanol được dùng làm dung môi tẩy sơn, véc ni, trong sơn, dung môi công nghiệp, chất tẩy rửa, làm sạch, lau chùi, các loại nhiên liệu thay thế cho động cơ, làm nguyên liệu cho sản xuất nhiều hóa chất, sản phẩm khác nhau. Methanol là hóa chất rất độc, không được uống, tác dụng sát trùng cũng rất kém.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, do lượng hóa chất methanol nhiều lại chưa được kiểm soát tốt, dẫn tới lượng lớn hóa chất methanol bị “tuồn” ra ngoài, vào tay kẻ xấu hoặc nhiều nhà sản xuất không chính đáng đóng chai thành các loại rượu rởm, nhiều loại cồn sát trùng, cồn y tế rởm và có thể nhiều sản phẩm khác bị làm rởm, đã và đang gây tử vong, ngộ độc và di chứng nặng nề cho nhiều người và ảnh hưởng xấu đến công tác khám chữa bệnh cho người dân.
Các loại cồn methanol gây ngộ độc, nhiễm độc được người nhà bệnh nhân nộp lại cho bác sĩ BV Bạch Mai
“Do lượng hóa chất cồn công nghiệp methanol rất nhiều, được bán với giá rất rẻ nên cồn methanol rất dễ bị kẻ xấu dùng thay cho ethanol, dẫn tới nhiều sản phẩm ethanol có nguy cơ bị làm giả (thay vì chứa ethanol, nay lại bị thay bằng methanol) và gây ngộ độc/nhiễm độc cho người sử dụng. Do đó, người dân, người sản xuất cần hết sức cảnh giác và các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm soát”, BS. Nguyên khuyến cáo.
Methanol ở dạng lỏng, được hấp thu và gây ngộ độc dễ dàng qua đường tiêu hóa (chủ yếu do uống phải rượu rởm, cồn sát trùng rởm) và qua da (do tiếp xúc trực tiếp với dung dịch cồn sát trùng trên da hoặc dùng cồn rởm chứa methanol để sát trùng trên diện da rộng hoặc nhiều lần) hoặc qua đường hô hấp (do hít phải hơi, không khí chứa cồn methanol với nồng độ vượt ngưỡng cho phép).
Do methanol được cơ thể chuyển hóa và thải trừ chậm, gây ngộ độc cũng chậm nên khi tiếp xúc mức độ ít nhưng kéo dài hoặc lặp lại (hay gặp trong lao động) sẽ tích lũy dần và gây ngộ độc nhiều ngày sau. Hoặc người có thể tiếp xúc với methanol liều cao một lần nhưng không biết và tới 1-2 ngày sau mới biểu hiện nhiễm độc.
Theo khuyến cáo của BS. Nguyên, trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay, luôn cảnh giác với tất cả các loại cồn, các sản phẩm được cho là ethanol hoặc gắn nhãn mác là ethanol, vì các sản phẩm này rất dễ có nguy cơ bị làm giả và có chứa methanol.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận