Thời sự Quốc tế

11 giờ căng thẳng và hy vọng mong manh cho toàn cầu

14/11/2021, 15:00

Sau 11 giờ đàm phán căng thẳng, 200 phái đoàn tham dự Hội nghị Khí hậu COP 26 đã đạt được đồng thuận ngăn thảm họa khí hậu.

Tối 13/11, theo giờ Glasgow (Anh), toàn thể Hội nghị Khí hậu COP26 của Liên hợp quốc đạt thỏa thuận duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5°C nhằm ngăn thảm họa khí hậu, khép lại gần 2 tuần đàm phán.

Chỉ cách đó ít giờ, hội nghị diễn ra trong không khí căng thẳng khi hai đất nước đông dân nhất thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc yêu cầu bỏ cụm từ "loại bỏ hoàn toàn than đá" trong tuyên bố của COP26.

Vào phút chót, các phái đoàn thống nhất thay đổi cụm từ này thành “giảm sử dụng than đá dần dần”. Tuy vẫn còn một số quốc gia như quốc đảo Thái Bình Dương, trong đó có Fiji, nơi đang hứng chịu hậu quả nặng nề của nước biển dâng, còn chưa hài lòng nhưng cuối cùng vẫn chấp nhận.

img

Các nhà đàm phán vui mừng chụp ảnh kỷ niệm sau khi đạt thoả thuận, khép lại Hội nghị Khí hậu COP 26. Ảnh - UN

Thoả thuận đánh dấu lần đầu tiên nhiên liệu hóa thạch được đề cập rõ ràng trong một thỏa thuận về khí hậu của Liên Hợp Quốc.

200 phái đoàn cũng đồng ý cùng nhau giải quyết quy tắc cho thị trường mua bán định mức carbon, nhằm hiện thực hóa Điều 6 của Thỏa thuận Paris 2015 trong đó các quốc gia được mua định mức phát thải dư thừa của các nước khác để đáp ứng mục tiêu trung hoà khí thải.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hoan nghênh thỏa thuận tại COP26. Dù thừa nhận vẫn còn nhiều mục tiêu đặt ra trước Hội nghị chưa đạt được nhưng ông Guterres khẳng định, "chúng ta đang xây nên từng viên gạch để hướng tới tiến trình đó".

Đồng thời, Tổng thư ký LHQ cảnh báo: "Hành tinh mỏng manh của chúng ta đang trong tình trạng nghìn cân treo sợi tóc... Chúng ta vẫn đứng trước ngưỡng cửa thảm họa khí hậu".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.