Theo ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, câu chuyện về chính sách cho nhà công vụ đã được đưa ra bàn cách đây 20 năm trước. Hiện nay, trước bối cảnh cải cách tiền lương cũng nên tiếp tục đặt vấn đề này.
Ông Minh cho rằng, chi phí về xe công vào lương của cán bộ công chức thì nhà công vụ cũng nên đưa vào. Cần phân biệt cán bộ đi công tác, biệt phái thời gian ngắn thì ở nhà công vụ theo đúng nghĩa. Khái niệm nhà công vụ chỉ áp dụng cho trường hợp ở ngắn hạn. Trước đây chúng ta đã duy trì chế độ phân nhà bất hợp lý. Văn phòng các bộ, ngành phải lo đi xin đất, làm thủ tục xây dựng rồi lại chia nhau mất cả năm mới phân được nhà. Việc này rất phiền hà, nhiều nơi còn kiện cáo nhau.
Theo ông Minh, chi phí nhà công vụ vào lương là hiệu quả nhất, tiện cho cả Nhà nước khi không phải duy trì quỹ nhà và cũng tiện cho cán bộ công chức có thể linh hoạt trong chọn nơi ở. Công chức có thể chọn căn nhà phù hợp với nhu cầu của mình. Cán bộ có thể thuê nhà 4 triệu đồng/tháng hoặc 10 triệu đồng/tháng.
Nếu duy trì chế độ nhà công vụ như trước đây đã từng xảy ra tình trạng cả nể, nhiều khi đòi cũng khó, thậm chí mãi không đòi được nhà.
Đồng thời, tiếp tục phải nuôi bộ máy quản lý, sinh ra người đi xây, đi trát, bảo dưỡng, bảo trì… rất tốn kém.
"Bây giờ chúng ta đã chuyển mạnh sang cơ chế thị trường, chế độ chính sách, ưu đãi được tính vào lương của cán bộ công chức. Cán bộ có khó khăn về nhà ở, hỗ trợ cũng được đưa vào tiền lương.
Bộ Nội vụ đang nghiên cứu đề tài khoa học áp dụng quản trị doanh nghiệp trong quản trị cơ quan nhà nước. Trước mắt áp dụng trong đơn vị sự nghiệp nhằm khắc phục hạn chế về quản lý hiện nay", ông Minh nói.
Trước đó, Bộ Xây dựng ký loạt thông báo gửi 12 cựu quan chức yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Đáng lưu ý thông báo đòi nhà đã được Bộ Xây dựng gửi tới 12 cựu quan chức này từ 2-3 lần nhưng họ vẫn chưa trả lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận