Bộ Công thương vừa có báo cáo về kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.
Báo cáo cho biết: Mặc dù số lượng nhiệm vụ giai đoạn 2017-2019 mà các bộ, cơ quan, doanh nghiệp đã hoàn thành đạt khoảng 75,36% nhưng những vướng mắc, mấu chốt nhất của các dự án, doanh nghiệp chưa được giải quyết, phần lớn tập trung ở các nhiệm vụ còn lại với 3 nhóm vấn đề: Xử lý dứt điểm tranh chấp, vướng mắc để quyết toán hợp đồng EPC, quyết toán toàn bộ dự án; Khó khăn về tài chính, cơ cấu lại nợ, giãn khấu hao, điều chỉnh lãi suất vay; Xây dựng phương án thoái vốn.
Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án 1468, đến nay, một số dự án, doanh nghiệp đã có những chuyển biến nhất định nhưng nhìn chung vẫn còn rất nhiều khó khăn, tồn tại.
Chỉ có 2 DA, doanh nghiệp (DN) có lãi (trong đó 1 doanh nghiệp vẫn còn lỗ lũy kế) gồm nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 227,5 tỷ đồng, năm 2019 ước đạt 6,262 tỷ đồng; Nhà máy thép Việt - Trung lợi tương ứng đạt 397 tỷ đồng và 177,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, có 2 DA, DN giảm được lỗ nhưng chưa bền vững, gồm: Nhà máy Phân đạm Hà Bắc năm 2018, giảm lỗ 342 tỷ đồng so năm 2017; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai giảm lỗ 208,8 tỷ đồng; Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 417,2 tỷ đồng. Nhưng cùng năm 2019 so năm 2018, chỉ có Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 134 tỷ đồng, Công ty DQS giảm lỗ 64,04 tỷ đồng, còn Nhà máy đạm Hà Bắc và Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai đều tăng lỗ tương ứng 239 tỷ đồng và 178,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, hiện có 7 DA, DN còn thua lỗ hoặc dở dang, dừng hoạt động và 1 DA, DN dừng hoạt động nay đã vận hành trở lại (Dự án Nhà máy sản xuất Xơ sợi Đình Vũ).
Trong đó, 5/12 DA, DN có tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC, nhiều nội dung được DN đàm phán nhiều lần với đối tác nhưng vẫn không thành công. Đó là các DA xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, DA cải tạo - mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, DA Nhà máy đạm Ninh Bình, DA Xây dựng Nhà máy công nghiệp tàu thủy Dung Quất, DA mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên.
Đáng chú ý, dư nợ của các DA, DN tại các tổ chức tín dụng lớn, đa số không trả được nợ đúng hạn. Hiện nay, có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án với tổng số dư nợ đến thời điểm 31/12/2019 là 20.938 tỷ đồng.
Hướng xử lý cho các vướng mắc về hợp đồng EPC trong thời gian tới, được đề xuất theo hai giải pháp. Một là, đưa ra trọng tài hoặc tòa án để phân xử; Hai là, chủ đầu tư tự quyết toán theo quy định của Thông tư 64/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính về quyết toán DA hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước, đối với trường hợp nhà thầu không thực hiện quyết toán hợp đồng theo quy định hoặc không thực hiện các nội dung công việc để hoàn thành quyết toán.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận