Văn hóa - Giải Trí

128 tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước

19/05/2023, 12:09

Lễ trao tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật diễn ra sáng nay 19/5, tại Hà Nội.

Sáng nay 19/5, tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức lễ trao tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (năm 2021).

img

16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ảnh: Hà Phương

128 tác giả, đồng tác giả được trao, truy tặng giải thưởng

128 tác giả, đồng tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, trong đó có 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vào đợt này.

16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, gồm: nhạc sĩ Văn Ký (Vũ Văn Ký); tác giả Nguyễn Văn Chước (Bùi Trang Chước); tác giả Hoàng Châu Ký; tác giả Nguyễn Xuân Trình; tác giả Nguyễn Xuân Đức; tác giả Hoàng Trung Thông (Đặc Công, Bút Châm); tác giả Bùi Hiển; đồng tác giả, NSƯT Phan Thế Dõng (Trần Nhu, Nguyệt Hải); nhạc sĩ Hồng Đăng (Phan Đăng Hồng); tác giả Chu Chí Thành; tác giả Võ Nguyên Nhân (Võ An Khánh); đồng tác giả, Nghệ sĩ nhân dân Đặng Hùng; đồng tác giả, Nghệ sĩ nhân dân Vũ Việt Cường; đồng tác giả, Nghệ sĩ nhân dân Lê Văn Khình; đồng tác giả, PGS.TS, Nghệ sĩ nhân dân Ứng Duy Thịnh; đồng tác giả, PGS.TS, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thị Hiển.

Lần này, cũng có 87 tác giả, đồng tác giả được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và 25 tác giả, đồng tác giả được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Giải thưởng Nhà nước được trao cho nhiều tên tuổi như nhạc sĩ Đoàn Chí Bổng (Đoàn Bổng), nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, NSƯT Trần Ly Ly, NSND Lê Hồng Chương, nghệ sĩ Nguyễn Á...

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với cụm tác phẩm: Truyện ngắn "Tướng về hưu", tập truyện ngắn "Những ngọn gió Hua Tát".

Báo cáo về công tác xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2021, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước cho biết: Các hồ sơ đề nghị xét tặng được thực hiện qua 3 cấp Hội đồng: Hội đồng cấp cơ sở; Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước và Hội đồng cấp Nhà nước.

"Bộ VH,TT&DL có nhận được 10 đơn thư, kiến nghị liên quan đến một số hồ sơ xét tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Bộ VH,TT&DL đã xem xét đơn thư theo đúng quy định: kiểm tra hồ sơ tác phẩm, nhân thân tác giả; yêu cầu Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước báo cáo, giải trình và trả lời cá nhân có đơn thư, kiến nghị theo đúng quy định.

Tất cả các thông tin kiến nghị liên quan đến tác phẩm, cụm tác phẩm và tác giả có hồ sơ đề nghị xét tặng đều được kiểm tra, rà soát, xác minh kịp thời; công khai, minh bạch, không để tình trạng cứ có đơn thư là để lại hồ sơ", ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

img

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Hà Phương)

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng những thành tựu to lớn mà đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam đã đạt được trong những năm qua; nhiệt liệt chúc mừng các tác giả, thân nhân các tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Trên cơ sở ghi nhận những cố gắng trong việc đổi mới công tác xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đáp ứng yêu cầu, mục đích của giải thưởng cao quý này để phù hợp với thực tiễn văn học, nghệ thuật thời kỳ mới, Chủ tịch nước đề nghị thời gian tới, công tác xét tặng không được "bỏ sót" các tác phẩm thực sự có giá trị, không để các văn nghệ sĩ xứng đáng nhưng chưa được vinh danh.

"Trước những thách thức đang đặt ra hiện nay, trước sự đe dọa đối với phẩm giá con người, đất nước ta cần nhiều hơn nữa các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

Đó là những tác phẩm phản ánh được thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, tầm vóc của công cuộc đổi mới ở mọi lĩnh vực, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh, phản ánh vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam và khát vọng lớn lao của toàn dân tộc", Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu.

Chủ tịch nước cho rằng, chúng ta đang đứng ở bên thềm kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Cùng với việc nhìn nhận lại thành tựu chung của 50 năm qua, đây cũng là một dịp để đánh giá toàn diện, sâu sắc 50 năm nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Chủ tịch nước yêu cầu, cần chú trọng thiết lập môi trường dân chủ, tôn trọng đặc trưng sáng tạo nghệ thuật, mở rộng biên độ tự do trong sáng tác hơn nữa, phát huy tài năng văn học nghệ thuật. Chăm lo đời sống của văn nghệ sĩ, để văn nghệ sĩ có thể sống được với nghề, bằng tài năng và sự cống hiến.

Đặc biệt quan tâm, khuyến khích các văn nghệ sĩ trẻ dấn thân vào thực tiễn rộng lớn, sinh động của đời sống xã hội, khám phá những vẻ đẹp con người Việt Nam; đổi mới tư duy sáng tạo, tìm kiếm những thủ pháp nghệ thuật mới mẻ nhằm truyền tải một cách thuyết phục chiều sâu tư tưởng và nhân văn, phù hợp với giới trẻ, hấp dẫn được công chúng, đưa văn hóa truyền thống đi cùng với thời đại, lan tỏa tình yêu cuộc sống và những khát vọng đẹp đẽ.

Các cơ quan cần nghiên cứu, xây dựng những cơ chế hiệu quả để quảng bá, giới thiệu các tác phẩm hay, xuất sắc đến với công chúng trong và ngoài nước.

Thông qua văn học, nghệ thuật, nâng cao sức hấp dẫn của bản sắc văn hóa dân tộc; tiếp thu, tiếp biến có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; góp phần phát huy sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam; đưa hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ra với thế giới đồng thời xây dựng Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế", Chủ tịch nước phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

Nghệ sĩ rưng rưng xúc động khi được trao giải thưởng cao quý

Nhạc sĩ Hồng Đăng (Phan Hồng Đăng) được vinh danh với cụm tác phẩm: "Lênh đênh", "Đêm hành hương về huyền thoại", "Buổi tối chuyện một căn nhà nhỏ", "Khao khát", "Gửi một câu hát cho Tokyo".

Ông qua đời năm 2022 khi chưa kịp đón nhận Giải thưởng. Bà Lê Anh Thuý - vợ nhạc sĩ Hồng Đăng lên nhận giải thay chồng.

img

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho đại điện gia đình nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh: Hà Phương

Bà Lê Anh Thúy cho biết, bà xúc động không nói nên lời khi chồng mình nhận được giải thưởng cao quý nhất về văn học, nghệ thuật. Giải thưởng này là sự ghi nhận đóng góp, tôn vinh tác giả, tác phẩm được nhiều người yêu mến.

Theo bà Thúy, ông xã không chỉ là người sáng tác, là người thầy mà còn là người viết rất nhiều sách âm nhạc. Hiện nay, khoảng 10 giáo trình vẫn đang được dùng giảng dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

"Cả đời, nhạc sĩ luôn đau đáu sáng tác, cống hiến cho âm nhạc, nghệ thuật chứ không phải sáng tác để gửi cho các bảng đề cử. Với ông ấy, giải thưởng lớn nhất là sự ghi nhận của công chúng, sự đóng góp cho nền âm nhạc.

Ít ai biết rằng, tôi chính là người làm hồ sơ cho chồng. Khi tôi bảo ông ký, ông ngần ngừ lắm, tôi phải động viên ông rất nhiều. Tôi chỉ tiếc là giây phút nhận giải, ông không thể có mặt", bà Thúy tâm sự.

img

Các tác giả, thân nhân tác giả nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Ảnh: Hà Phương

NSND Nguyễn Thước được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho cụm tác phẩm phim tài liệu: "Không chỉ là thương hiệu", "Đất lạnh", "Cỏ xanh im lặng".

Chia sẻ cảm xúc khi nhận giải, nghệ sĩ gạo cội bày tỏ: "Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật là danh hiệu cao quý với những người làm văn học nghệ thuật nói chung, với người làm điện ảnh nói riêng và cụ thể hơn là làm điện ảnh tài liệu như chúng tôi. Đó là vinh dự, sự ghi nhận cả một đời làm nghề với các tác phẩm được đánh giá cao.

Đây là cột mốc trong chặng đường làm nghề của tôi. Tôi rất vui vì giải thưởng này là điều mà tôi có thể tự hào với các em sinh viên mình đang giảng dạy tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Đây cũng là điều động viên các em với con đường làm nghề sau này".

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật là những phần thưởng cao quý dành cho những tác phẩm đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng; là sự ghi nhận và đánh giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với văn nghệ sĩ, trí thức đã có nhiều cống hiến, vì sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.