Giải mã những kiêng kỵ ngày Tết của người Việt. (Ảnh: internet) |
Người có tang không nên xông nhà
Xuất phát từ phong tục xông nhà, xông đất đầu năm, người đầu tiên bước vào nhà ai trong ngày mùng 1 tết chính là người quyết định đem lại sự may mắn hoặc xui xẻo cho gia đình ấy trong cả năm.
Vì vậy, những người “nặng vía”, không hợp tuổi với gia chủ đừng nên đến xông nhà ngày đầu năm. Người có tang cũng không nên xông đất nhà người khác để tránh xui xẻo.
Kỵ vay mượn, trả nợ ngày đầu năm
Điều kiêng kỵ này xuất phát từ quan niệm ngày đầu xuân con người mở cửa để đón lộc vào nhà, còn nếu cho mượn hoặc trả giống như “dâng” tài lộc vào tay khác.
Vì vậy, trong dịp tết không nên vay tiền hay mượn đồ đạc của người khác, để tránh cho cả năm sẽ rơi vào cảnh túng thiếu, nợ nần, không may mắn trong công việc, làm ăn.
Kiêng quét nhà, hót rác
Theo quan niệm dân gian, việc quét nhà trong ngày Tết sẽ quét đi theo cả lộc xuân, gia đình sẽ bị xui xẻo.
Tục này bắt nguồn từ một điển tích của Trung Quốc ghi trong "Sưu thần ký". Có người lái buôn tên là Âu Minh, đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một người hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà được vài năm thì Âu Minh ăn nên làm ra, nhà rất giàu.
Một hôm, nhân ngày mồng một Tết, không biết vì lý do gì Âu Minh đánh Như Nguyệt, cô sợ quá chui vào đống rác ở góc nhà. Vợ Âu Minh không để ý nên vô tình quét nhà hót luôn cả đống rác có Như Nguyệt bên trong đổ đi. Từ đó nhà Âu Minh lại nghèo đi.
Người ta bảo Như Nguyệt chính là thần tài và lập bàn thờ để thờ. Từ đó có tục kiêng hót rác trong ba ngày đầu năm do người ta sợ hót mất thần tài ẩn trong đó đổ đi, sự làm ăn sẽ không phát đạt.
Kiêng cho nước, lửa
Ngày mùng 1 Tết, người ta rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình, vì quan niệm lửa có màu đỏ, màu mang lại may mắn đầu năm mới. Cho lửa là cho đi cái đỏ, cái may mắn trong năm mới sẽ khiến gia đình không giữ được tiền bạc, trong nhà sẽ gặp nhiều điều xui rủi, ra đường hay gặp tai vạ…
Ngoài ra, cũng kiêng cho nước đầu năm vì nước vốn được ví như nguồn tài lộc trong câu chúc: “Tiền vào như nước”. Thường thì trước khi bước sang năm mới, ở nông thôn nhà nào cũng lo đổ đầy nước vào bể, vào chum hoặc vại. Từ trong tâm thức người ta tin rằng, năm mới đến sẽ đem theo của cải nhiều như nước.
Làm rơi vỡ đồ dùng gia đình
Gương, bát, đĩa, ly… là những vật dụng rất dễ vỡ. Trong khi đó, dân gian vẫn luôn có quan niệm việc rơi vỡ đồ dùng vào những ngày đầu năm sẽ khiến gia đình không gặp được điều cát lành.
Không chỉ vậy, rơi vỡ đồ còn báo hiệu sự chia lìa, đổ vỡ của gia đình.
Giặt quần áo vào mùng 1, mùng 2
Theo quan niệm dân gian, hai ngày đầu năm là ngày sinh thủy thần, do đó kiêng giặt quần áo sẽ giúp tránh mạo phạm thần thánh, dẫn đến xui xẻo.
Kiêng khóc lóc, buồn tủi, bực tức
Điều này thật dễ hiểu, vì đây là những hành động không hay mà bất cứ ai cũng không muốn làm vào dịp Tết. Nhưng nếu bất đắc dĩ phải rơi vào hoàn cảnh không vui, chúng ta nên cố gắng kìm chế để hưởng thụ một năm mới trọn vẹn niềm vui bên người thân, bạn bè, gia đình.
Và đặc biệt trong ngày Tết nếu ai khóc, buồn bã và bực tức thì cả năm sẽ phải khóc, có nhiều chuyện buồn, lo lắng, suy nghĩ. Vì thế người ta kiêng kỵ điều này để tránh gặp phải xui xẻo cả năm.
Kiêng ngồi hoặc đứng trước cửa
Việc đứng hay ngồi án ngữ trước cửa chính trong dịp năm mới không chỉ vô duyên mà còn được coi là hành động gây phương hại đến vượng khí gia đình.
Luồng khí tốt lành của năm mới trên đường vào nhà sẽ bị chặn lại, hao tán đi, khiến gia đình đó không được may mắn, thành công, hạnh phúc.
Kiêng bất hòa ngày đầu năm
Đầu năm, dù có bất đồng, khó chịu với nhau tới mức nào, vì bất cứ chuyện gì, người ta vẫn cần phải giữ hòa khí, tránh cãi vã, xích mích đầu năm. Đó thực tế là một cách để tránh không khí không vui xảy tới với gia đình trong ngày Tết.
Trong ngày này, để tránh không khí căng thẳng trong nhà, ngay cả trẻ con nghịch ngợm, phạm lỗi cũng sẽ dễ dàng được bỏ qua hơn để cha mẹ không phải cáu giận, quát mắng mà trẻ cũng không khóc lóc, nhăn nhó.
Sử dụng kim chỉ
Người xưa quan niệm rằng, việc may vá trong năm mới sẽ khiến gia chủ vất vả, khổ sở, chịu cảnh thiếu trước hụt sau trong năm đó.
Nhiều người còn quan niệm rằng, phụ nữ có thai đụng tới kim chỉ trong ngày mồng 1 Tết sau này mắt con sẽ bị dẹt như cây kim.
Ăn món xui xẻo
Trong những ngày đầu năm, người Việt thường không ăn thịt vịt, thịt chó, cá mè, mực, ốc,… vì theo quan niệm dân gian, những món ăn này sẽ mang tới điềm xấu.
Đóng cửa nhà
Đóng cửa nhà ngày Tết sẽ khiến gia đình nghèo đói, túng thiếu, trừ khi đi chúc Tết, thăm hỏi. Bởi theo quan niệm dân gian, đóng cửa nhà sẽ khiến các vị thần linh không thể vào chơi nhà, đồng thời thể hiện sự bất kính đối với các vị thần linh, do đó, gia đình sẽ nghèo khó quanh năm.
Nói những điều xui xẻo
Theo người xưa, lời nói đầu năm sẽ ảnh hưởng tới cả năm. Vì vậy, nếu nói lời hay ý đẹp, bạn sẽ gặp nhiều may mắn, ngược lại, nếu nói những điều xui xẻo như “hỏng rồi”, “chết rồi”,… sẽ khiến cả năm gặp vận xui.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận