1. Thực phẩm siêu chế biến là những loại thực phẩm được chế biến công nghiệp, thường có từ 5 thành phần trở lên, bao gồm các chất phụ gia, phẩm màu, chất bảo quản với hàm lượng đường, natri, chất béo bão hòa rất cao... từ lâu chúng đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và béo phì. Theo một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Pháp và Brazil, thường xuyên ăn các loại thực phẩm này liên quan đến việc tăng 12% nguy cơ mắc bệnh ung thư nói chung và tăng 11% nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Các loại thực phẩm “siêu chế biến” quen thuộc bao gồm: bánh mì sản xuất hàng loạt, đồ nướng, soda, mì ăn liền và súp, đồ ăn nhẹ... |
2. Khoai tây chiên giòn: Theo một nghiên cứu từ Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm của Anh (FSA), thủ phạm gây ung thư có trong món ăn này là acrylamide, một hóa chất được tạo ra khi thực phẩm chứa tinh bột được nấu ở nhiệt độ cao. Lớp vỏ nâu giòn đầy hấp dẫn bao phủ ngoài miếng khoai tây chiên có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư và có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh và sinh sản. Để hạn chế việc tạo và tiêu thụ acrylamide, FSA khuyến nghị nên chế biến tinh bột thành màu vàng nhạt thay vì màu nâu sẫm. |
3. Rượu: Một nghiên cứu đã chỉ ra, uống một lượng rượu vừa phải mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú lên 5%, nguy cơ ung thư vòm họng lên 17%, và ung thư thực quản lên 30%. Theo Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO), những con số đó tăng lên đáng kể khi bạn uống nhiều hơn. Với những người uống nhiều hơn 4 ly mỗi ngày có nguy cơ mắc các bệnh ung thư vòm họng cao gấp 5 lần. ASCO cũng lưu ý rằng, ước tính 5% ca ung thư mới và 6% ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới có thể liên quan trực tiếp đến việc tiêu thụ rượu. |
4. Thịt xông khói bao gồm các loại thịt chế biến như xúc xích, giăm bông và thịt nguội. Sau khi xem xét hơn 800 nghiên cứu khoa học, Tổ chức Y tế Thế giới đã phân loại thịt đã được ướp muối, lên men hoặc hun có chứa các chất gây ung thư. Ăn 50 gram thực phẩm này tương đương với 4 dải thịt xông khói hoặc 1 cái xúc xích mỗi ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng lên 18%. Một nghiên cứu khác từ Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ và Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới cho thấy, nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày cũng ở mức tương tự. |
5. Thịt nướng: Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, nấu thịt ở nhiệt độ cao tạo ra 2 loại hóa chất có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư là amin dị vòng (HCAs) và hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs). Một nghiên cứu cho thấy, thường xuyên ăn thịt nướng làm tăng nguy cơ phát triển ung thư tuyến tụy lên 60%, trong khi một nghiên cứu khác cho thấy nó tăng gần gấp đôi nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh. |
6. Thịt đỏ: Ăn thịt đỏ có liên quan đến ung thư tuyến tụy, đại trực tràng và dạ dày. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu ở Đại học Leeds đã theo dõi hơn 32.000 phụ nữ trên 17 tuổi, phát hiện ra rằng những người thường xuyên ăn thịt đỏ có tỷ lệ mắc ung thư đại tràng cao hơn. |
7. Bánh mì trắng: Thường xuyên ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng carbs cao có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi lên 49%. Theo các nhà nghiên cứu, ăn thực phẩm có lượng carbs cao sẽ nhanh chóng làm tăng lượng đường trong máu và insulin có liên quan đến nguy cơ ung thư phổi gia tăng. |
8. Cà phê quá nóng: Các nhà khoa học thuộc Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, bản thân cà phê không gây ung thư nhưng uống ở nhiệt độ quá cao có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. |
9. Kẹo: Cắt giảm đường có thể cắt giảm nguy cơ ung thư. Một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ tiêu thụ nhiều đồ ngọt nhất sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú lên 27%. Khi glucose và insulin tăng lên, chúng làm tăng nồng độ estrogen và điều đó có khả năng dẫn đến ung thư vú. Một nghiên cứu khác, được công bố trên tạp chí Nature Communications cho thấy, đường kích thích sự phát triển của khối u. Các tế bào ung thư cần rất nhiều năng lượng để phát triển so với các tế bào thông thường, và tiêu thụ lượng đường cao giúp nuôi dưỡng chúng. |
10. Sản phẩm sữa: Tiêu thụ quá nhiều sữa có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Theo Healthline, một số nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân có thể do chất béo, canxi và hormone trong sữa làm thay đổi nồng độ vitamin D và testosterone. |
11. Bỏng ngô: nguyên nhân không nằm ở bỏng ngô mà do bên trong túi bảo quản có chứa hóa chất axit perfluorooctanoic, có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư gan và tuyến tiền liệt. Để tránh hóa chất này, hãy tự làm bỏng ngô. |
12. Chất béo bão hòa: Các nhà nghiên cứu tại UCLA đã nghiên cứu cholesterol ở chuột phát hiện ra rằng, hàm lượng chất béo bão hòa cao làm gia tăng sự sao chép của tế bào gốc ruột (ISCs), từ đó thúc đẩy sự phát triển của mô ruột và cũng thúc đẩy sự phát triển của tế bào khối u, khiến chúng phát triển nhanh hơn gấp 100 lần. Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh ung thư, bao gồm phổi, vú và tuyến tiền liệt. |
13. Nước ngọt: Theo các nhà nghiên cứu Úc, chỉ cần 1 ly nước ngọt mỗi ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, bao gồm gan, tuyến tiền liệt, buồng trứng và túi mật. Và đừng nghĩ rằng bạn an toàn khi chọn soda ăn kiêng: Các nghiên cứu trước đây đã liên kết chất ngọt nhân tạo trong thức uống này với nguy cơ béo phì, đột quỵ và mất trí nhớ, cũng như ung thư. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận