Ông Lê Văn Bán, con cả của cụ Lê Thị Là trước hồ nuôi trồng thủy sản, là nguồn mưu sinh của 3 gia đình nhưng sắp bị cưỡng chế thu hồi. |
Mới đây, cụ bà Lê Thị Là (sinh năm 1933) cùng các con Lê Văn Bán, Lê Văn Dũng, Lê Ngọc Hùng ở tổ 1, KV 1, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn (Bình Định) đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng và Báo Giao thông về việc đại gia đình bị thu hồi toàn bộ diện tích đất đai, nhà cửa, ao hồ với tổng diện tích gần 1,5ha nhưng chỉ được đền bù 3 lô đất tái định cư với tổng diện tích 240m2.
Nửa diện tích dự án đổi 240m2 tái định cư
Trong đơn, cụ Là cho biết lô đất trên hiện là nơi sinh sống của bà và các con, được chồng bà là ông Lê Quáng mua từ năm 1958 và sử dụng ổn định từ đó đến nay. Cụ thể, khu đất của bà Là có một hồ lớn diện tích 11.858m2, 1 hồ nhỏ diện tích 1.549m2 (đã được cấp giấy CNQSD đất nuôi trồng thủy sản)
Tổng diện tích đất thổ cư là 1.580m2, vợ chồng bà Là chia cho 3 người con trai là Lê Văn Bán (SN 1955), Lê Văn Dũng (SN 1969), lần lượt mỗi người vài trăm m2 khi các con lập gia đình. Ba anh em trai cất 3 căn nhà sát nhau, sống quây quần, ổn định mấy chục nay và không có tranh chấp với ai.
Theo bà Là, diện tích đất ở này gia đình bà đã sử dụng ổn định mấy chục năm nay và đã được địa phương xác nhận. Khi tách hộ, các con bà cũng đóng thuế nhà, đất hàng năm và còn lưu giữ đầy đủ biên lai.
“Vì đại gia đình tôi sinh sống ổn định gần 60 năm trời ở đây nên đất này hoàn toàn đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận đất ở, nhà ở và cơ quan chức năng cũng xác nhận điều này. Tuy nhiên do chủ quan nên đến khi chúng tôi đi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận thì đã bị vướng vào quy hoạch. Mặc dù đủ điều kiện nhưng không làm được”, cụ Là cho hay.
Trước đó, năm 2012, UBND TP Quy Nhơn xây dựng đồ án quy hoạch chi tiết khu đất tại khu vực này. Sau khi “quy hoạch treo” ba năm và trải qua nhiều thủ tục, đến tháng 12/2015, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn đã ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư khu vực 1, phường Đống Đa.
Dự án này do UBND TP Quy Nhơn làm chủ đầu tư với mục tiêu xây dựng đồng bộ kết nối các khu vực; phục vụ công tác chỉnh trang đô thị, chống lấn chiếm đất đai; từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương; tạo quỹ đất ở để bố trí tái định cư và quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Dự án này có tổng diện tích 2,8ha với tổng mức đầu tư hơn 27,7 tỷ đồng bằng vốn ngân sách nhà nước. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2015-2017.
Theo đó, toàn bộ diện tích đất đai, nhà cửa, ao hồ của gia đình, con cháu nhà cụ Là nằm gọn trong dự án và chiếm đến hơn 1 nửa diện tích của dự án này (1,5h/2,8ha).
Tuy vậy, khi lên phương án đền bù giải phóng mặt bằng, đơn vị được giao quản lý thực hiện dự án là Trung tâm phát triển quỹ đất TP Quy Nhơn chỉ đền bù cho 3 hộ gia đình với hơn 30 con người vỏn vẹn 3 lô đất tái định cư, với diện tích 80m2/lô.
Ngoài ra, tổng số tiền đền bù nhà, đất và hỗ trợ ngành nghề cho 3 anh em là: ông Bán gần 727 triệu đồng; ông Hùng hơn 464 triệu đồng; ông Dũng hơn 578 triệu đồng.
Mong được đền bù thỏa đáng
Sau khi nhận quyết định, cụ Là cùng các con đã gửi đơn khiếu nại lên UBND TP Quy Nhơn, yêu cầu được giao thêm một lô đất tái định cư vì số đất thu hồi là quá lớn (tổng cộng là 4 lô cho bà Là và 3 người con trai). Đồng thời bà Là cũng yêu cầu cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ lại nguồn hồ nuôi trồng thủy sản tương ứng để gia đình tiếp tục có kế sinh nhai.
“Trong khu đất tổng cộng hơn 1500m2 đất ở, tôi chia cho các con xây nhà để ở khi lập gia đình. Đến nay khi nhà nước thu hồi thì chỉ đền bù cho 3 hộ, mỗi hộ 80m2 đất ở. Cạnh đó, hai hồ nuôi chồng thủy sản là nguồn thu nhập chính của 7 hộ gia đình con, cháu với hơn 30 con người. Nay đất đai của cả dòng họ bị thu hồi toàn bộ, chúng tôi không biết lấy gì để mưu sinh. Đó là những thiệt thòi lớn cho đại gia đình chúng tôi”, bà Là than thở.
Giải quyết khiếu nại, UBND TP Quy Nhơn cho rằng hộ gia đình bà Là là hộ sản xuất nông nghiệp có diện tích đất thu hồi là đất nuôi trồng thủy sản nên không được xem xét giao đất tái định cư.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Văn Sáng, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Quy Nhơn (đơn vị được giao quản lý, thực hiện dự án) cho biết theo Quyết định 52/2009 của UBND tỉnh Bình Định, thửa đất có nhà ở hình thành trước ngày 1/7/2004 nhưng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, được UBND phường xác nhận là đất sử dụng ổn định, không có tranh chấp thì được bồi thường, hỗ trợ theo giá đất ở đối với phần diện tích đất thực tế sử dụng bị thu hồi nhưng không vượt quá hạn mức giao đất ở. Gia đình bà Là rơi vào trường hợp này, mặc dù mỗi hộ có diện tích đất ở hàng trăm mét vuông nhưng hạn mức đất ở phường Đống Đa chỉ là 80m2.
Đối với phần diện tích xây dựng nhà trên đất không đủ điều kiện bồi thường đất ở (phần xây dựng vượt 80m2 so với hạn mức giao đất ở) trước ngày 1/7/2004 thì không được bồi thường, chỉ xem xét hỗ trợ theo tỷ lệ phần trăm so với giá trị bồi thường về nhà (theo quy định của UBND tỉnh Bình Định là 80%).
“Do đó, việc bồi thường về đất đai, nhà cửa, tài sản trên đất đối với hộ ông Dũng là đúng theo quy định của pháp luật. Việc gia đình yêu cầu cấp lại hồ nuôi trồng thủy sản tương ứng cũng không thể thực hiện được vì hiện nay trên địa bàn phường không còn quỹ đất tương ứng, buộc phải bồi thường bằng tiền”, ông Sáng cho biết.
Cho rằng chính quyền địa phương giải quyết như vậy là chưa thỏa đáng, tới thời điểm hiện tại, cụ Là và các con vẫn chưa nhận đền bù mặc dù chính quyền địa phương đã ra thông báo cưỡng chế thu hồi đất từ tháng 10/2016.
“Gia đình chúng tôi mất hơn một nửa diện tích nhà, đất, ao hồ trên tổng diện tích dự án nhưng chỉ nhận lại được 240m2 đất ở là chưa thỏa đáng. Dự án này được phân thành hàng trăm lô đất, trong đó có những lô đất 200m2 nằm ở mặt đường để làm dịch vụ, thương mại. Nhà nước sẽ bán đấu giá và thu tiền từ những lô đất này nhưng chúng tôi thì quá thiệt thòi. Đại gia đình nhà tôi có nhận tiền rồi cũng hết vì chẳng biết bấu víu vào đâu để mưu sinh. Nếu không đủ điều kiện để nhận diện tích đền bù lớn hơn, ít nhất chúng tôi cũng phải được cấp thêm một lô đất tái định cư. Chúng tôi mong chính quyền rà soát kỹ lại các quy định, bồi thường thỏa đáng theo pháp luật để đại gia đình chúng tôi ổn định hành nghề mới, xây dựng cuộc sống mới”, ông Lê Văn Bán, con cả của cụ Là mong mỏi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận