Bảng xếp hạng MOBI 2020
Có luật nhưng không công khai
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) sáng nay đã công bố trực tuyến Chỉ số công khai ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) năm 2020.
Năm 2020 là năm thứ 3 liên tiếp chỉ số MOBI được thực hiện và công bố. Khảo sát đánh giá mức độ công khai ngân sách của 44 bộ, cơ quan Trung ương (trong đó có 38 bộ, cơ quan Trung ương là đơn vị dự toán và 6 cơ quan, tổ chức Trung ương được ngân sách Nhà nước hỗ trợ).
Ông Nguyễn Quang Thương, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) cho biết, khảo sát ghi nhận 34/44 bộ, cơ quan Trung ương có điểm công khai ngân sách và 10 đơn vị không có tên trong bảng xếp hạng MOBI 2020 do các cơ quan này không có thư mục công khai ngân sách và không công khai các tài liệu ngân sách trên cổng thông tin điện tử của đơn vị tại thời điểm khảo sát.
Báo cáo MOBI 2020 cho biết, có 27 cơ quan, tổ chức công khai ít nhất 1 tài liệu ngân sách (chiếm 61,36%) và tăng 3 đơn vị so với kỳ khảo sát 2019. Tuy nhiên, vẫn còn 17 đơn vị không công khai bất kỳ một tài liệu nào tại thời điểm khảo sát (tương đương với 38,64%).
TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VESS, cho biết chỉ số công khai ngân sách được xây dựng trên nhiều tiêu chí: Tính sẵn có, kịp thời, liên tục, thuận tiện, đầy đủ của thông tin mà cơ quan nhận ngân sách công bố ra theo Luật Ngân sách 2015.
Ông Thành cũng cho rằng, việc công khai ngân sách thể hiện sự dân chủ để người dân nộp thuế biết đồng tiền mình đóng góp được chi tiêu như thế nào; Cơ quan sử dụng tiền thuế của dân phải minh bạch và có trách nhiệm trong việc sử dụng đồng tiền đó.
“Trong khi chỉ số minh bạch cấp tỉnh liên tục được cải thiện theo thời gian từ khi Luật Ngân sách có hiệu lực từ 2015 thì các cơ quan nhận ngân sách cấp Trung ương lại không đạt được sự cải thiện nào. Chỉ có 2 cơ quan Trung ương được cho là có tính minh bạch nhất là Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp nhưng điểm vẫn chưa cao. Còn lại những cơ quan khác thấp và có những cơ quan không tuân thủ chút nào hoặc thể hiện không biết về điều này”, ông Thành cho biết.
Quốc hội mới cần tăng cường giám sát
PGS TS Vũ Sỹ Cường, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, 44 bộ và cơ quan ngang bộ chi trung bình khoảng 50% tổng ngân sách nhà nước, là một số lượng tiền không nhỏ.
Hiện các hướng dẫn và biểu mẫu công khai mà Bộ Tài chính hướng dẫn so với quốc tế hiện vẫn tương đối đơn giản và dễ thực hiện công khai nhưng điểm MOBI 2020 vẫn gây thất vọng do không có sự cải thiện.
“Bộ Tài chính cao nhất và là đơn vị duy nhất trên 50 điểm nhưng vẫn chưa đạt điểm A. Thứ nhì là Bộ Tư pháp cũng chỉ hơn 48 điểm”, ông Vũ Sỹ Cường nói.
Điểm thất vọng nữa mà ông Cường đề cập là có tới 10 cơ quan không có điểm do không công khai ngân sách, không có bất cứ tài liệu nào như Hội cựu chiến binh, Hội Nông dân, Toà án nhân dân tối cao, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Văn phòng Chính phủ… "Những đơn vị này không có bất kỳ thông tin nào, không công khai mà không chỉ năm nay mà trước đây cũng vậy”, ông Cường nói.
Ông Cường cũng thông tin, trong quá trình trao đổi, một số đơn vị có phản hồi như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
“Ngân hàng Nhà nước nói họ có công khai nhưng sau khi vào website của cơ quan này tìm mọi cách vẫn không đọc được thông tin dù họ có chuyển đường link, có tài liệu cũng không đọc được vì không hiểu họ dùng định dạng nào. Nên chúng tôi không thể cho điểm. Đường kink mà không vào được, tài liệu không mở được thì sao gọi là công khai, người dân làm sao xem được?”, ông Cường đặt câu hỏi.
Cũng theo nhóm nghiêu cứu, nhiều bộ có lập thư mục để công khai tài liệu theo quy định nhưng khi vào trong thư mục thì không có tài liệu. Điều đó cho thấy tính hình thức rất cao, các bộ này chỉ làm cho có.
Nhưng đáng nói, theo Luật Ngân sách 2015, ngoại trừ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, còn lại các bộ ngành, cơ quan ngang bộ đều phải công khai thông tin ngân sách. Nhưng có quy định về việc công khai nhưng lại không có chế tài xử phạt.
Nhóm nghiên cứu đã khuyến nghị Bộ Tài chính cần hướng dẫn cụ thể hơn về tài liệu công khai, thời hạn công khai, báo cáo quý, báo cáo quyết toán, hướng dẫn. Đồng thời, khuyến nghị tăng cường sự giám sát của Quốc hội đối với việc sử dụng ngân sách nhà nước, Quốc hội khoá mới cần cân nhắc bổ sung việc giám sát công khai ngân sách của các bộ vào báo cáo hàng năm.
Nhóm cũng kiến nghị xem xét bổ sung chế tài xử lý vi phạm không công khai ngân sách.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận