Xã hội

17 sở sau sáp nhập có tên gọi thế nào?

18/04/2018, 07:35

Nếu được sáp nhập, 17 sở sẽ có tên gọi khác hoàn toàn so với hiện nay.

16

Sở NN&PTNT với Sở Công thương sẽ có tên là Sở Công nghiệp, Nông nghiệp và Thương mại

Chỉ giữ 4 sở, 17 sở có thể bị sáp nhập

Bộ Nội vụ vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.

Theo phương án đề xuất của Bộ Nội vụ, trong số hơn 20 sở, ngành, cơ quan tham mưu giúp việc, chỉ có 4 sở được đề xuất tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước, nhằm bảo đảm giữ ổn định và phát huy hiệu quả của mô hình tổ chức sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, chuyên sâu gồm: Tư pháp; TN&MT; LĐ,TB&XH và Y tế.

Đối với 4 sở đặc thù, chuyên ngành không được tổ chức thống nhất giữa các địa phương gồm: Sở Quy hoạch - Kiến trúc (thuộc UBND TP Hà Nội và TP.HCM) và 3 sở do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập là Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch, dự thảo đề xuất trao quyền để cấp tỉnh có thể xem xét quyết định giữ ổn định hoặc sáp nhập…

Cả nước có thể giảm từ 46 - 88 sở, ngành

Ngoài sáp nhập, hợp nhất các sở, ngành, Bộ Nội vụ cũng đề xuất 3 phương án quy định “cứng” số lượng các sở, ngành, cơ quan tham mưu giúp việc.

Phương án 1, không quá 20 sở với Hà Nội và TP HCM, không quá 19 sở với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I, không quá 18 sở với loại II và không quá 17 với loại III. Với phương án này sẽ giảm tối thiểu 46 sở. Phương án 2, không quá 20 sở đối với Hà Nội và TP HCM, không quá 18 sở đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I, không quá 17 sở đối với loại II và loại III. Theo tính toán này, có thể giảm tối thiểu tới 88 sở. Phương án 3, sắp xếp các sở, ngành không vượt quá số lượng hiện có. Để đảm bảo thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy có lộ trình, tránh xáo trộn lớn, Bộ Nội vụ đề xuất chọn phương án 1.

Theo Bộ Nội vụ, nếu thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thì có tên gọi là Sở Tổ chức - Nội vụ; hợp nhất Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra thì gọi là Kiểm tra - Thanh tra cấp tỉnh. Còn 3 văn phòng: Đoàn ĐBQH, UBND, HĐND cấp tỉnh hợp nhất thành văn phòng tham mưu giúp việc dùng chung với tên gọi là Văn phòng địa phương cấp tỉnh.

Tương tự Sở KH&ĐT và Sở Tài chính nếu hợp nhất sẽ có tên gọi Sở Tài chính - Kế hoạch. Với Sở GTVT và Sở Xây dựng có tên gọi mới là Sở GTVT - Xây dựng. Việc hình thành một cơ quan quản lý thống nhất hai lĩnh vực này sẽ bảo đảm nâng cao tính hiệu quả, khắc phục những bất cập chồng chéo, thiếu đồng bộ trong quản lý hạ tầng đô thị. Còn hợp nhất Sở NN&PTNT với Sở Công thương sẽ có tên gọi mới là Sở Công nghiệp, Nông nghiệp và Thương mại.

Việc Sở TT&TT sáp nhập Sở VH,TT&DL, Bộ Nội vụ lý giải, tại một số tỉnh có địa bàn nhỏ, dân số ít thì yêu cầu quản lý Nhà nước về báo chí, xuất bản, in và phát hành… không lớn nên không cần thiết duy trì một sở tham mưu chuyên trách về các lĩnh vực nêu trên. Trong trường hợp hợp nhất các sở này có tên gọi là Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao. Sở KH&CN và Sở GD&ĐT cũng được đề xuất sáp nhập với lý giải, các lĩnh vực trên có liên quan mật thiết với nhau.

17

Theo nguyên Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh, một cuộc sáp nhập bao giờ cũng bị vướng và gặp khó, nhưng phải đặt ra nhu cầu và trách nhiệm chính trị lên trên hết 

Cấp tỉnh buộc phải làm?

Trao đổi với Báo Giao thông, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, đề xuất này đã nhiều lần đưa ra nhưng chưa thực hiện được nên lần này cần kiên quyết, mạnh dạn làm. Nếu cần thiết có thể quy định cứng luôn, không giao cho cấp tỉnh xem xét và quyết định có nên sáp nhập hay không, bởi nếu như thế, nhiều nơi sẽ không dám sáp nhập vì “sợ ảnh hưởng đến người nọ, người kia”. Và nếu có nơi mạnh dạn làm thì cũng sẽ không hiệu quả nếu các địa phương không thống nhất, đồng đều.

Ông Dĩnh đánh giá, việc hợp nhất các sở là phù hợp, cần thiết bởi hiện nay, chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành đang giao thoa và chồng chéo rất nhiều, dẫn đến hiệu quả quản lý thấp, chi phí cho bộ máy lại quá cao. Khi hợp nhất, cũng không lo ngại tạo ra sự xáo trộn quá lớn nếu chúng ta tổ chức tốt, công khai và hợp lý.

Tuy vậy, ông cũng cho rằng, đề xuất lần này đưa ra vẫn mới chỉ xem xét tổ chức lại cơ cấu về đầu mối, chưa thực sự xem xét, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành. Vì thế, nếu không cẩn thận thì giảm được đầu mối bên ngoài nhưng lại phình ở bên trong. “Bởi vì suy đến cùng, tổ chức bộ máy phải thực hiện chức năng nhiệm vụ của nó. Nhập vào giảm được số lượng đầu mối, có thể giảm cả số lượng lãnh đạo, nhưng chưa chắc đã giảm số lượng bên trong vì bản chất khối lượng công việc và chức năng, nhiệm vụ vẫn không thay đổi”, ông Dĩnh phân tích.

18
Theo phương án đề xuất của Bộ Nội vụ, sẽ giữ lại 4 sở để đảm bảo giữ ổn định và phát huyhiệu quả chuyên môn - Ảnh: Tạ Tôn

ĐBQH Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp - người từng có rất nhiều phát biểu trên nghị trường về tính cấp bách của việc sáp nhập các sở, ngành cũng nhận xét, việc dự thảo đề xuất quy định giữ nguyên 4 sở chức năng không trùng lắp là hợp với thực tiễn. Về khung số lượng sở, chỉ nên chia thành 2 loại: Riêng đối với Hà Nội và TP HCM là 2 thành phố lớn có những đặc thù riêng nên ưu tiên quy định không quá 20 sở là hợp lý. Còn lại các tỉnh khác nên quy định khung tối đa là 17 sở, tránh việc các tỉnh sẽ chọn con số tối đa (18 hoặc 19).

Đề cập đến khả năng xáo trộn bộ máy, ông Hòa cho rằng, chắc chắn lượng cấp phó sẽ dư rất nhiều. Vì vậy, cần quy định rõ thời điểm chuyển giao trong quá trình sắp xếp, cho phép vượt số cấp phó tạm thời bao nhiêu, đến một thời điểm nào đó phải chấm dứt. “Nếu thực hiện sắp xếp các sở như đề xuất của Bộ Nội vụ, số biên chế được tinh giản sẽ rất nhiều”, ông Hòa nhận định. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.