Một đoạn QL20 qua huyện Định Quán (Đồng Nai).
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng, đề xuất thực hiện dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Báo cáo này được đưa ra sau khi Chính phủ đồng ý giao Lâm Đồng tổ chức thực hiện đầu tư, xây dựng tuyến cao tốc này giai đoạn 2021 - 2025 theo phương thức đối tác công tư (PPP), có hỗ trợ góp vốn của Nhà nước.
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có điểm đầu giao với QL20 tại xã Phú Trung, huyện Tân Phú (Đồng Nai) và điểm cuối giao đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Dự án nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2016.
Quy mô đầu tư giai đoạn 1: đường rộng 17m, giai đoạn 2 rộng 22m. Về tổng vốn đầu tư: Ngân sách Nhà nước chi khoảng 9.151 tỷ đồng, trong đó 50% ngân sách Trung ương và 50% ngân sách tỉnh Lâm Đồng; vốn do nhà đầu tư PPP huy động khoảng 10.319 tỷ đồng.
Thời gian qua, Bộ GTVT đã giao cơ quan thuộc Bộ tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần theo quy mô phân kỳ: Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, đề xuất sử dụng vốn hỗ trợ Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025.
Theo tính toán của UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án cao tốc sẽ thu phí 2.000 đồng/km/PCU (xe quy đổi) và tăng giá 3 năm một lần, mỗi lần tăng 15% thì thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 27 năm (từ năm 2025 đến 2052).
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là một trong những đoạn thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt có tổng chiều dài 208km, quy mô 4 làn xe.
Dự án khi hoàn thành sẽ gỡ được nút thắt “điểm đen” kẹt xe và tai nạn qua đèo Bảo Lộc có độ dốc lớn, hẹp, quanh co, nhiều khúc cua nguy hiểm mà nhiều năm qua chưa xử lý được. Đồng thời sẽ kết nối hoàn chỉnh với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, rút ngắn thời gian đi lại từ Tây Nguyên về Đông Nam Bộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận