Giao thông

2 đại dự án giao thông lập kỷ lục về giải phóng mặt bằng

15/09/2014, 18:51

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá công tác GPMB QL 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên có khối lượng GPMB lớn và khó nhất nhưng lại được thực hiện nhanh nhất từ trước tới nay.

TIN LIÊN QUAN

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Theo Phó Thủ tướng, hình ảnh một số Bí thư, Chủ tịch tỉnh đi vận động, lắng nghe tâm tư của bà con, tháo gỡ khó khăn để GPMB kịp tiến độ đã tạo ấn tượng sâu sắc, hiệu quả trông thấy

Việc khó nhất nhưng làm xong nhanh nhất

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, “điểm đáng lo nhất khi thực hiện dự án là GPMB. Chính phủ đã giao tôi và anh Thăng (Bộ trưởng Bộ GTVT) trực tiếp chỉ đạo công tác GPMB. Qua một thời gian, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ với quyết tâm rất cao, đến nay, cơ bản công tác GPMB đã làm tốt. Tổng cộng có tới hơn 64 nghìn hộ dân đã được di dời, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công”.

Theo Phó Thủ tướng, hình ảnh một số Bí thư, Chủ tịch tỉnh đi vận động, lắng nghe tâm tư của bà con, tháo gỡ khó khăn để GPMB kịp tiến độ đã tạo ấn tượng sâu sắc, hiệu quả trông thấy. Có những đoạn trước đây làm mấy năm không xong nhưng khi quyết tâm chỉ mấy tháng đã xong.

Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ trưởng Bộ GTVT đã rất quyết liệt, thường xuyên bám sát, có những kiểm tra, chỉ đạo ngay tại hiện trường. Các thứ trưởng Bộ GTVT phụ trách từng khu vực cũng đã bám rất sát, tháo gỡ khó khăn kịp thời để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Một số tồn tại ban đầu như một số địa phương còn lúng túng, làm chậm các thủ tục, tái định cư chậm, công tác bảo vệ mặt bằng thi công kém, quản lý hồ sơ đất đai chưa đạt yêu cầu đã được chỉ rõ và khắc phục.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, GPMB phải sát dân, công khai minh bạch giải quyết trong khung cho phép trong bối cảnh cụ thể. Đây là con đường chiến lược quốc gia nên cần phải tập trung giải quyết quyền lợi của số đông, sự an toàn cho số đông.

Hiện nay, vướng mắc nhất là ở Bình Định, Phú Yên. Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT, các địa phương, các chủ đầu tư, nhà thầu tiếp tục chỉ đạo sâu sát, quyết liệt triển khai dự án.

Tuyên tuyền chủ trương, chính sách để nhân dân ủng hộ. Vốn cho GPMB phải được ưu tiên hàng đầu, công tác tái định cư cho bà con phải được thực hiện tốt. Các đơn vị thi công phải gắn bó với dân, với chính quyền địa phương, phải đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới người dân...

Tháo gỡ nhiều vướng mắc về chính sách

Nhiều hộ dân tự nguyện tháo dỡ GPMB bàn giao cho dự án
Nhiều hộ dân tự nguyện tháo dỡ GPMB bàn giao đất để mở rộng QL 1A

Theo báo cáo của Bộ GTVT, chỉ sau hơn một năm triển khai thực hiện, một khối lượng GPMB rất lớn cả về quy mô và khối lượng tại các dự án đã cơ bản được hoàn thành.

 

Cụ thể, tại 38 dự án và tiểu dự án mở rộng Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ (tổng mức đầu tư 92 nghìn tỷ đồng) đi qua địa phận 17 tỉnh, thành phố có tổng diện tích đất phải thu hồi 2191 ha, chiều dài bị ảnh hưởng 1.219 km. Có tới 5.288 hộ phải tái định cư tập trung, 14 tỉnh có xây dựng khu tái định cư, tổng số khu tái định cư 78 khu, quy mô diện tích khoảng 206 ha.

 

Tại 11 dự án mở rộng Đường Hồ Chí Minh từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) đi qua 5 tỉnh có tổng diện tích đất phải thu hồi: 189 ha; chiều dài bị ảnh hưởng: 291 km; Tổng số hộ bị ảnh hưởng: 7.779 hộ; Không có hộ phải tái định cư tập trung. Các dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 13 nghìn tỷ đồng.

 

Ngay từ giai đoạn đầu của Dự án vào tháng 7 năm 2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp giao ban giữa Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương yêu cầu khẩn trương tổ chức triển khai công tác GPMB. Đến nay Phó Thủ tướng đã chủ trì chỉ đạo thêm 5 Hội nghị giao ban trực tuyến và nhiều lần kiểm tra trực tiếp tại hiện trường để đôn đốc, giải quyết các khó khăn trong công tác GPMB.

 

Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ,Thủ tướng Chính phủ, nhiều vướng mắc chung về mặt thể chế chính sách trong công tác GPMB đã được tháo gỡ như: Ứng trước 5.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ để triển khai công tác GPMB nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ cấp bách của các dự án; Chỉ định thầu đối với việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật và xây dựng các khu tái định cư theo đúng quy định, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm;  cơ chế hỗ trợ tạm ứng xây dựng khu tái định cư từ nguồn dự phòng của dự án... 

 

Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã đồng loạt triển khai, quyết tâm thực hiện và hoàn thành công tác GPMB các dự án mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Trong đó, phải kể đến việc Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp tham mưu cho Chính phủ trong công tác ứng trước vốn ngân sách nhà nước trước khi phát hành vốn trái phiếu Chính phủ để kịp thời thực hiện công tác GPMB; đã phối hợp với Bộ GTVT thẩm định việc hỗ trợ tạm ứng vốn cho các địa phương gặp khó khăn trong quá trình xây dựng khu tái định cư.

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời hướng dẫn về cơ chế chính sách GPMB như chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp để GPMB xây dựng các công trình giao thông và trả lời, giải quyết vướng mắc của các địa phương về thủ tục đất đai, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

 

Chủ động đôn đốc tiến độ GPMB toàn tuyến

 

Đặc biệt, là cơ quan trực tiếp được Chính phủ giao quản lý, quyết định đầu tư các dự án, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì triển khai, giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện, đảm bảo an toàn trong thi công và chất lượng công trình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ các dự án và tiến độ GPMB toàn tuyến. 

 

Lãnh đạo Bộ phụ trách dự án thường xuyên họp giao ban với các địa phương, chủ động phối hợp giải quyết kịp thời các vướng mắc, phát sinh. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chủ động làm việc với đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh để cùng thúc đẩy công tác GPMB. Qua đó, đã tăng cường sự hiểu biết chung về những khó khăn, vướng mắc của mỗi cơ quan, đơn vị để cùng phối hợp, tháo gỡ và đề ra các mốc tiến độ cam kết bàn giao mặt bằng.

 

Trên cơ sở các phương án đền bù, GPMB và đề xuất hỗ trợ xây dựng khu tái định cư của địa phương gửi đến, Bộ GTVT chủ trì rà soát, kiểm tra, tổng hợp báo cáo lên Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để kịp thời ứng vốn phục vụ công tác GPMB.

 

Đồng thời phối hợp với các chủ công trình hạ tầng kỹ thuật để giải quyết các thủ tục về cấp phép di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm đáp ứng tiến độ, mặt bằng bàn giao đến đâu công trình hạ tầng được di dời ngay đến đó. Tổ chức theo dõi, cập nhật tổng hợp kết quả GPMB và báo cáo Chính phủ để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở hoặc biểu dương các địa phương, chủ công trình hạ tầng kỹ thuật.

T.Mạnh - P.Thanh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.