Bộ trưởng Giao thông Nigeria Mu’azu Sambo cho biết dù Trung Quốc đã đồng ý cung cấp 85% tài chính cho dự án xây dựng đường sắt Abuja-Kano và Port-Harcourt-Maiduguri tại Nigeria, nhưng tới nay, hơn một năm từ khi dự án được khởi động, Trung Quốc vẫn chưa giải ngân.
Ông Sambo cho biết Nigeria đã thanh toán 15% chi phí dự án theo điều khoản trong hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc nhưng nguồn vốn vay từ Bắc Kinh vẫn chưa giải ngân. Tập đoàn Xây dựng Kỹ thuật Dân sự Trung Quốc là đơn vị thực hiện phần lớn công tác xây dựng 2 tuyến đường sắt. Đây là một phần trong dự án đường sắt trị giá hàng tỷ USD tại Nigeria.
“Dự án đường sắt Abuja-Kano và Port-Harcourt Maiduguri đang được thực hiện nhưng gặp thách thức khi khoản vay nước ngoài tương đương 85% chi phí dự án chưa được giải ngân. Chúng tôi đang thực hiện 2 dự án chỉ dựa vào phần vốn đã đóng từ Nigeria tương đương 15% chi phí dự án.”, ông Sambo cho biết vào cuối tuần trước.
Tàu thuộc tuyến đường sắt hạng nhẹ tại thủ đô Abuja, Nigeria. Ảnh - Xinhua
Chính phủ Trung Quốc và nhà thầu Trung Quốc chưa phản hồi trước phát biểu của ông Sambo.
Nigeria lần đầu tiên đề cập tới vấn đề này vào tháng 2, khi người tiền nhiệm của ông Sambo - cựu Bộ trưởng Giao thông Rotimi Amaechi cho hay 2 dự án đường sắt bị trì hoãn vì nguồn tài trợ nước ngoài chưa được cung cấp. “Vì chưa có nguồn vốn từ Trung Quốc nên chúng tôi đang phải tìm nguồn từ châu Âu”, ông Amaechi cho biết.
Tuy nhiên, theo hãng tin SCMP, trong vài tháng qua, Nigeria vẫn chưa tìm được nguồn tài trợ thay thế.
Theo thông tin từ văn phòng quản lý nợ của Nigeria, tới 30/6, Nigeria đã nợ Trung Quốc gần 4 tỷ USD - cao hơn 83% khoản nợ của Nigeria với các quốc gia khác.
Theo các nhà phân tích, việc Nigeria chưa nhận được khoản vay từ Trung Quốc cho thấy các ngân hàng chính sách Trung Quốc dường như e ngại rủi ro hơn.
Trung Quốc đã cho vay hàng trăm tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng tại châu Phi như một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất. Tuy nhiên, gần đây, một số ngân hàng cho vay Trung Quốc như Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Trung Quốc (Exim Bank), Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã thận trọng hơn trong đầu tư khi nhiều nước châu Phi đang gặp khó khăn tài chính trầm trọng hơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trước đó, các ngân hàng này đầu tư vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn như cảng, đường sắt, đập thủy điện, cao tốc, cầu, sân bay… tại châu Phi.
Bà Yun Sun, người đứng đầu chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington (Mỹ), cho rằng Trung Quốc đã siết chặt hầu bao với các quốc gia gặp khó khăn trong thanh toán nợ nước ngoài.
“Exim Bank không tài trợ miễn phí mà cho vay. Nếu Trung Quốc không chắc chắn bên vay có thể trả nợ thì sẽ không thể quyết định giải ngân”, bà Yun Sun cho biết.
Ông Christoph Nedopil Wang, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Tài chính Xanh tại Trường Tài chính Quốc tế Fanhai, Đại học Phục Đán, Thượng Hải, cho rằng các ngân hàng Trung Quốc đã điều chỉnh đánh giá nguy cơ với các khoản cho vay nước ngoài.
Theo ông Wang, tiêu chí về tính bền vững của nợ công đã trở thành yếu tố quan trọng trong hợp tác quốc tế của Trung Quốc, khiến việc cho vay bị hạn chế.
Bắc Kinh cũng từng ngụ ý về việc chuyển từ các dự án hạ tầng lớn sang những dự án nhỏ hơn nhưng lợi nhuận hơn thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Phát biểu tại hội nghị về Sáng kiến Vành đai và Con đường tổ chức tại Bắc Kinh tháng 11/2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết ưu tiên trong hợp tác quốc tế của Trung Quốc sẽ là các dự án quy mô nhỏ chất lượng cao, có tính bền vững và cải thiện đời sống của người dân.
Sau đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã ban hành quy định mới về mức trần cho vay nước ngoài của các ngân hàng Trung Quốc.
Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi tại Senegal tháng 11/2021, Trung Quốc tiếp tục phát tín hiệu về việc chuyển sang tài trợ thương mại và hỗ trợ cho dự án mà Trung Quốc đầu tư vốn cổ phần tại châu Phi thay vì cho vay hạ tầng.
Phát biểu theo hình thức trực tuyến tại diễn đàn trên, ông Tập cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào tài trợ thương mại để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của châu Phi và cung cấp 10 tỷ USD hạn mức tín dụng cho các tổ chức tài chính tại châu Phi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận