Đời sống

2 người tử vong do bệnh dại, Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo “nóng”

04/10/2019, 16:28

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn.

img
Cà Mau tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý chó nuôi và phòng, chống bệnh dại ở động vật.

Ngày 4/10, ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa giao Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý chó nuôi và phòng, chống bệnh dại ở động vật.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân quản lý chặt chẽ chó nuôi, không thả rong chó ra đường; tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn chó nuôi trên địa bàn, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng theo quy định. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố Cà Mau chỉ đạo các ngành chức năng tuyên truyền, vận động người dân khi bị chó cắn, phải đến cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Cà Mau, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 2 trường hợp tử vong do bệnh dại ở người huyện U Minh và huyện Phú Tân; có 9 ổ dịch nghi dại và dại trên chó (trong đó, có 4 ổ xét nghiệm dương tính trên chó, 5 ổ không lấy được mẫu xét nghiệm, gồm: huyện Trần Văn Thời 4 ổ (2 ổ dương tính), huyện Cái Nước 4 ổ (1 ổ dương tính), TP Cà Mau 1 ổ dương tính). Số người bị chó cắn tại 9 ổ dịch là 35 người, tiêm vắc xin 35 người, tiêm huyết thanh kháng dại 33 người.

img
Một trường hợp ở Cà Mau bị chó dữ cắn vào bàn chân khi đi chợ.

Bác sĩ Lê Ngọc Định, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau chia sẻ, người dân có thói quen nuôi chó, mèo và chó nuôi thường thả rông, không xích nhốt và rọ mõm. Đa số không đăng ký, khai báo với chính quyền khi nuôi chó mèo tại hộ gia đình và không tự giác đem chó, mèo tiêm phòng vắc xin dại cho chó.

“Hiện nay, một số ít người dân có tính chủ quan, thiếu hiểu biết, phong tục tập quán lạc hậu khi bị chó, mèo còn điều trị theo phương thức gia truyền như lấy nọc, đắp thuốc… phương pháp này hiện nay chưa được được y học chấp nhận”, bác sĩ Định thông tin.

Cũng theo bác sĩ Định, để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả cần phải tiếp tục giám sát chặt chẽ tại cộng đồng, kịp thời phát hiện những trường hợp chó, mèo bị bệnh, chết hay cắn người… Phối hợp với cơ quan thú Y xác định xem còn bệnh dại nghi ngờ trên chó và các động vật khác hay không. Nếu có cần phối hợp xử lý ngay.

Vận động những người bị chó, mèo mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh cắn, cào, liếm hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh phải được xử lý vết thương ngay theo hướng dẫn. Đến ngay Trung tâm y tế hoặc các điểm tiêm ngừa vắc xin dại gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.

“Tuyệt đối không tự chữa hoặc điều trị thuốc nam, thuốc gia truyền, sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bị chó cắn. Các điểm tiêm phòng khi người dân đến tiêm phòng dại cần khai thác kỹ tình trạng chó, mèo cắn người. Nếu chó, mèo có dấu hiệu bệnh dại hoặc cắn nhiều người cần báo ngay cho Trung tâm Y tế gần nhất biết để phối hợp phòng chống dịch kịp thời”, bác sĩ Định khuyến cáo đến người dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.