2 tháng sau khi chính thức hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa đã vận chuyển hơn 750 nghìn lượt khách.
|
Tin từ Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT, tính đến hết ngày 28/2, tức 2 tháng sau khi chính thức hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa đã vận chuyển hơn 750 nghìn lượt khách. Trung bình mỗi ngày vận chuyển hơn 12,7 nghìn lượt.
“Đáng nói, sau khi chính thức thu phí (từ 6/2), lượng khách đi xe BRT vẫn ổn định ở mức cao, trong đó, ngày cao nhất vận chuyển tới gần 16.000 khách”, ông Nguyễn Thủy, Giám đốc Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT nói và cho biết thêm: Bình quân mỗi nhà chờ phục vụ hơn 530 khách/ngày, riêng điểm đầu Kim Mã mỗi ngày đón tới hơn 2.000 khách. Các nhà chờ Yên Nghĩa, Nguyễn Tuân, Hoàng Đạo Thúy, Vũ Ngọc Phan, Giảng Võ bình quân mỗi ngày đón khoảng 1.000 lượt khách.
“Lượng hành khách sử dụng buýt nhanh BRT khá cao, trong đó lượng hành khách sử dụng vé tháng để đi lại thường xuyên chiếm tới 50%”, ông Thủy cho hay.
Đánh giá về hoạt động của tuyến buýt BRT, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, dịch vụ buýt nhanh được duy trì ổn định, tin cậy, tạo ra sự khác biệt so với xe buýt thường. “Tốc độ chạy xe trung bình đạt gần 20km/h, tăng gần 20% so với buýt thường. Vận tốc chạy xe ổn định, đúng kế hoạch do buýt BRT được hoạt động trong làn đường dành riêng, ít bị tác động bởi tình trạng ùn tắc”, ông Viện nói và tiết lộ: Sản lượng hành khách của tuyến buýt nhanh BRT thời gian đầu hoạt động cao gấp 8 lần so với tuyến Yên Nghĩa – Kim Mã thử nghiệm theo lộ trình tuyến BRT trước đó. Điều này cho thấy lượng hành khách trên tuyến tham gia sử dụng phương tiện công cộng đã tăng đáng kể so với khi chưa có tuyến BRT.
Xem thêm video:
Liên quan đến việc kết nối mạng lưới buýt, đại diện Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Tramoc) cho biết, sau khi tuyến BRT hoạt động, trung tâm đã thực hiện điều chỉnh 5 tuyến buýt (số 9, 18, 19, 22, 50) để tăng cường kết nối với tuyến BRT.
“Gần như toàn bộ các tuyến đường ngang đều có xe buýt kết nối với tuyến BRT”, vị này nói và nhấn mạnh, nhờ việc điều chỉnh hoạt động tuyến buýt 22 thành 3 tuyến buýt gom kết nối, sản lượng tuyến BRT tăng rõ rệt tại đầu Kim Mã (20% so với trước khi điều chỉnh tuyến).
Khẳng định việc tổ chức lại mạng lưới này nhằm mục tiêu cải thiện việc đi lại của đại bộ phận hành khách, tạo thuận lợi cho nhiều khu vực dân cư tiếp cận, sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, đại diện Tramoc cũng thẳng thắn: Trong một số trường hợp cụ thể, một số hành khách thay vì chỉ đi một tuyến như trước đây sẽ phải trung chuyển qua 2 tuyến làm phát sinh thời gian đi lại. Tuy nhiên, đây là thực tế không tránh khỏi và chỉ rơi vào số ít hành khách.
Tiếp tục thu hút khách đi buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa, ông Vũ Văn Viện cho rằng, cần tăng cường xe buýt kết nối khu đô thị Trung Văn, cụm trường ĐH khu vực Thanh Xuân với tuyến BRT, đồng thời mở rộng kết nối của tuyến BRT với khu vực phía Bắc thành phố. Tới đây, Hà Nội sẽ có những chỉ đạo quyết liệt về tổ chức giao thông ưu tiên cho BRT, trong đó có việc lắp đặt dải phân cách để phân tách làn BRT với làn giao thông chung tại 3 nhà chờ Giảng Võ, Nguyễn Tuân, Hoàng Đạo Thuý.
“Hình ảnh giao thông mới với các thành phần tham gia đi lại trật tư, tôn trọng làn riêng đã cơ bản hình thành”, ông Viện nói và khẳng định, từ khi tuyến buýt nhanh BRT hoạt động chưa có hiện tượng ùn tắc nghiêm trọng, kéo dài xuất hiện. Đặc biệt, từ 15/2, các lực lượng chức năng bắt đầu xử phạt vi phạm lấn làn BRT, tình trạng phương tiện đi vào làn buýt nhanh giảm rõ rệt, tạo điều kiện cho phương tiện trên tuyến hoạt động thuận lợi, an toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận